Cựu Tổng thống Pháp bị tạm giam: Rò rỉ email Hillary Clinton

Thứ năm, 22/03/2018, 14:06
Ông Sarkozy can thiệp vào tình hình Libya vì vừa muốn có nguồn dầu, vừa lo sức ảnh hưởng của Gaddafi ngày càng tăng cao.

Nhà phân tích người Libya - Soeren Kern mới đây đã tiết lộ các thông tin quanh vụ cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy xuất hiện ngày càng rõ ràng sau vụ email bí mật của cựu Ngoại trưởng Mỹ - bà Hillary Clinton bị rò rỉ.

Theo các thông tin từ email bị rò rỉ cuối năm 2011, cựu Tổng thống Pháp đã gửi tới bà Hillary một email có tiêu đề: "Khách hàng của Pháp và vàng của Gaddafi".

Trùm buôn bán vũ khí Ziad Takieddine - người tổ chức các cuộc gặp xúc tiến cho cấp dưới cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gặp gỡ Gaddafi để lấy tiền tranh cử.

Nội dung trong thư được Sidney Blumenthal, một trợ lý của bà Hillary, giải thích rằng, kho vàng bạc khổng lồ của ông Gaddafi đe dọa nghiêm trọng vị trí đồng tiền franc CFA ở Tây Phi khi nhà lãnh đạo Libya - Muammar Gaddafi hồi đó có ý định thiết lập đồng tiền riêng.

Rõ ràng, tiền và vàng của Gaddafi đang gia tăng ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này lên nhóm các nước sử dụng tiếng Pháp ở châu Phi khiến ông Sarkozy cảm thấy bị đe dọa.

Hơn nữa, nguồn dầu khổng lồ của Libya cũng là một miếng bánh béo bở mà ông Sarkozy không thể bỏ qua.

Sau đó, năm 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố chiến dịch can thiệp của NATO do Pháp dẫn đầu nhằm ngăn chặn nhà lãnh đạo Libya tàn sát những người đối lập vào thời kỳ đỉnh điểm của phong trào Mùa xuân Ả-rập.

Bỏ quên số tiền mà ông Gaddafi đã quyên góp để ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp được viện cớ lập vùng cấm bay ở Libya để bảo vệ dân thường, đã dẫn đến cái chết thê thảm của nhà đạo Libya.

Theo các nhà điều tra Pháp, liên quan đến việc bắt cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy để điều tra về vụ nhận tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp của ông năm 2007, số tiền mà ông Gaddafi đã chuyển tới tay nhà lãnh đạo Pháp lên tới 60 triệu USD, vượt quá mức quy định theo Luật pháp của Pháp.

Theo chuyên trang điều tra cáo buộc quỹ tranh cử của ông Sarkozy là Mediapart, quá trình tài trợ cho ông Sarkozy của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bắt đầu từ tháng 10/2005.

Khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp lúc đó Nicolas Sarkozy có chuyến thăm chính thức Libya.

Trùm buôn bán vũ khí Ziad Takieddine, người cũng có mặt ở thủ đô Tripoli của Libya khi đó cho biết, ông Sarkozy đã gặp riêng Muammar Gaddafi và có vẻ đã trực tiếp yêu cầu nhà lãnh đạo Libya hỗ trợ tài chính cho kế hoạch tranh cử Tổng thống Pháp của mình vào năm 2007.

Trùm buôn vũ khí này được coi là người đại diện đặc biệt cho ông Sarkozy tại một số nước Arab. Takieddine được giao với vai trò là người kiến thiết quan hệ Pháp- Libya, tổ chức các chuyến thăm của các nhân vật dưới quyền ông Sarkozy tới Libya để "tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận những vấn đề quan trọng khác, theo cách trực tiếp nhất".

Theo thông báo chính thức, Bộ trưởng Sarkozy đến Libya để thảo luận về việc ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu qua con đường châu Phi. Tuy nhiên, Sarkozy lại chỉ ở Libya trong chưa đầy 24 tiếng.

Trước đó 4 ngày, Claude Gueant, Chánh Văn phòng của ông Sarkozy, cũng đã tới Libya.

Ông Nicolas Sarkozy đã tìm cách giành được số tiền ủng hộ tranh cử Tổng thống Pháp của Gaddafi.

Cựu Đại sứ Pháp tại Libya Jean-Luc Sibiude khi đó cho biết, sau các cuộc thảo luận công khai, ông Sarkozy và ông Gaddafi đã gặp riêng trong thời gian khá lâu.

"Nó có lẽ dài gấp đôi những cuộc thảo luận công khai" - ông Sibiude nói.

Trùm buôn vũ khí Takieddine cũng xác nhận vào ngày 6/10/2005, Sarkozy và Gaddafi có cuộc thảo luận trực tiếp không thông qua phiên dịch viên sau cuộc gặp tại nơi làm việc của ông Gaddafi.

Theo lời Takieddine, tối cùng ngày, giám đốc tình báo Libya Abdullah Senussi đến gặp ông để thay mặt Gaddafi bàn về số tiền hỗ trợ cho Sarkozy. Khi Takieddine hỏi lại vì sao Senussi hứng thú với việc này, Senussi trả lời: "Bạn của ngài yêu cầu lãnh đạo của chúng tôi giúp đỡ về tài chính cho chiến dịch và ngài Gaddafi muốn biết nó sẽ khiến ông tiêu tốn bao nhiêu tiền".

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ khi ấy- ông Claude Gueant phủ nhận việc ông Sarkozy yêu cầu nhà lãnh đạo Libya hỗ trợ tài chính với lý do rằng thời điểm đó vì Sarkozy chưa phải ứng viên tranh cử Tổng thống, song vẫn nêu số tiền cần có là 22 triệu euro.

Tên của Senussi và Hortefeux đều xuất hiện trong các tài liệu có đề thời gian vào năm 2006 và được Mediapart công bố tháng 4/2012. Những tài liệu trên chính là nguồn cơn thúc đẩy cuộc điều tra cáo buộc chính quyền Gaddafi quyên góp tiền tranh cử trái phép cho ông Sarkozy.

Sau khi Mediapart công bố thông tin, cựu Tổng thống Sarkozy cáo buộc trang tin này "giả mạo và sử dụng thông tin giả mạo" song cảnh sát không tìm thấy bất cứ cơ sở nào làm rõ cho lời khiếu nại của ông.

Cựu Tổng thống Pháp sau đó đâm đơn kiện Mediapart với cùng cáo buộc. Năm 2016, hai thẩm phán Pháp tuyên bố không đủ bằng chứng kết tội Mediapart.

Hôm 20/3, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị bắt để thẩm vấn về vụ nhận tiền nói trên. Cựu Tổng thống Pháp bị tạm giam 2 ngày, có thể sẽ được thả vào sáng ngày 22/3.

Liên quan đến vụ điều tra này, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp đã mạnh mẽ yêu cầu làm sáng tỏ các tình tiết.

"Tôi nghĩ rằng pháp luật phải điều tra đến cùng và không thao túng trong vụ việc của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Cơ quan điều tra phải đưa ra kết luận một cách nghiêm túc không phải bởi đây đã sự việc đã xảy ra trong quá khứ mà bởi nó có thể đã dẫn đến những hậu quả nặng nề, đặc biệt là ở cấp độ quốc tế: một người là đứng đầu nhà nước, sau đó là sự mất ổn định của một quốc gia và một làn sóng di dân khổng lồ đã xảy ra"- bà Marine Le Pen nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn