Sau 1 năm, chúng tôi trở về vùng biển gặp lại anh Lê Văn Tuấn (trú tại thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), chủ tàu cá mang số hiệu QT 90929 TS – chiếc tàu đã trúng mẻ cá bè “có một không hai”, khiến người dân cả nước xôn xao.
Vừa kết thúc chuyến đánh bắt trên biển, anh Tuấn đã dành thời gian tâm sự về hoạt động đánh bắt hải sản của mình trong năm qua. Vẫn mang tính cách vui vẻ, hài hước, ngư dân Lê Văn Tuấn cho biết, đầu năm 2018 đến nay tàu của anh đã tham gia đánh bắt được 5 chuyến biển, chuyến lâu nhất chừng hơn nửa tháng. Phạm vi đánh bắt chủ yếu ở vùng biển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Cha con anh Tuấn trên chiếc thuyền mới sắm, kinh phí một phần lấy từ lợi nhuận thu được sau khi đánh bắt mẻ cá bè 150 tấn |
Anh Tuấn chia sẻ, trong tháng đi biển đầu năm, tàu của anh và em trai Lê Văn Anh thu được gần 1,5 tỷ đồng. Hiện 2 chiếc tàu cá của anh đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động.
Nhắc lại chuyến biển thu được 150 tấn cá bè xước cách đây 1 năm, anh Tuấn cho hay, chuyến biển ấy đã mang đến cho anh và gia đình nhiều sự thay đổi. Đấy là niềm vui lớn mà mỗi ngư dân gắn bó với biển đều mong muốn gặp được. Nhờ có chuyến biển ấy mà anh Tuấn có thêm niềm tin để gắn bó với nghề, vươn khơi bám biển mưu sinh.
Theo ngư dân Lê Văn Tuấn, chuyến biển chỉ kéo dài vài ngày ở ngư trường cách đảo Cồn Cỏ hơn 10 hải lý, tàu của anh đã dò được mẻ cá bè hiếm gặp. Sau gần 2 ngày đêm, anh mới thu hoạch xong mẻ cá với khoảng 150 tấn, bán được 5,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh Tuấn chia cho mỗi bạn thuyền 120 triệu đồng.
Các ngư dân thu cá bè cách đây 1 năm |
Với số tiền còn lại khoảng 2,5 tỷ đồng, vào tháng 4/2017, anh Tuấn đã đầu tư thêm để mua thêm con tàu mới với công suất 360 CV của ngư dân Bình Định. Tiếp đó, do yêu cầu khai thác nên anh cải tạo, nâng cấp con tàu này lên 750 CV, với chi phí hơn 3,3 tỷ đồng, đưa vào khai thác đầu năm 2018.
“Do tàu không chịu được sóng gió, hiệu suất đánh bắt thấp nên tôi phải nâng công suất nhằm đánh bắt hiệu quả hơn. Chiếc tàu có chiều dài gần 19m, sức chở khoảng 45-50 tấn hải sản”, anh Tuấn chia sẻ.
Vui vẻ đứng bên con tàu mới sắm, anh Tuấn nói, nhờ chuyến đi biển năm ngoái mà anh có điều kiện để tu sửa lại tàu cũ, mua sắm thêm ngư lưới cụ, sắm thêm chiếc tàu mới để đánh bắt.
Anh Tuấn cho biết: “Đây là chuyến biển để đời, bằng 5 năm lao động miệt mài mới có được. Nhờ chuyến biển ấy mà gia đình tôi có sự thay đổi tích cực. Đó cũng là cái duyên với nghề mà tôi may mắn gặp được”.
Anh Lê Văn Anh - em trai anh Tuấn được giao quản lý chiếc thuyền trúng cá 1 năm trước |
Sau khi sắm thêm chiếc tàu mới, anh Tuấn đã giao lại chiếc tàu cũ cho người em Lê Văn Anh để đánh bắt. Mặc dù vậy, mấy anh em vẫn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Anh Tuấn cùng em trai và một số ngư dân khác đã tham gia tổ, đội tầm 5-10 chiếc để hỗ trợ nhau khi tham gia đánh bắt trên biển.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Tuấn nói rằng, sẽ đầu tư nâng cấp lại chiếc tàu gỗ hoặc tàu vật liệu mới để đánh bắt. Xuất phát từ yêu cầu nghề nghiệp để đầu tư cho phù hợp. Với nguồn thu từ đánh bắt, anh Tuấn dự định sẽ xây mới căn nhà để gia đình sinh hoạt.
Từng theo cha đánh bắt hải sản từ khi lên 7-8 tuổi, ông Lê Viết Hoàng (cha của anh Tuấn) đã có thâm niên đi biển hơn 40 năm. Ông Hoàng cho biết, nay ông vẫn đi biển thường xuyên để hỗ trợ cho con trai út do chưa vững tay nghề, chỉ lúc ốm ông mới nghỉ.
Ông Hoàng đã có thâm niên hơn 40 năm đi biển |
Gia đình anh Tuấn có nhiều đời bám biển mưu sinh |
“Cả cuộc đời gắn bó với biển, bám biển mưu sinh, cha con tôi rất sung sướng khi trúng mẻ cá hiếm có lên đến 150 tấn, mà tôi biết là chưa có ngư dân nào đánh bắt được. Tôi thấy đó là điều vui sướng tột bậc. Đời trước, cha của tôi cũng đã từng gặp mẻ cá 30-40 tấn, nay thì cha con chúng tôi cũng trúng “lộc biển”. Tôi cũng mừng vì giữ được truyền thống đánh cá của cha ông và cảm thấy rất tự hào về các con”, ông Hoàng tâm sự.
Theo Dân Trí