Tháo dỡ công trình xâm hại lõi Tràng An: Ai thêm tội?

Thứ năm, 22/03/2018, 17:07
Việc phá đi thì dễ nhưng chuyển lượng bê tông cốt thép bị tháo dỡ xuống chân núi là cả một quá trình khó khăn.

Sẽ không còn núi Cái Hạ như xưa

Sau buổi làm việc ngày 14/3 với UBND tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Đặng Thị Bích Liên đề nghị UBND đẩy nhanh tiến độ thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, Quần thể Danh thắng Tràng An, đồng thời sớm phê duyệt phương án tháo dỡ.

Đề cập đến phương án tháo dỡ, chia sẻ với Đất Việt, GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Về nguyên tắc với bất kỳ vùng cát-tơ nào cũng là vùng nhạy cảm, dễ bị tổn hại và khi đã có tác động thì phải có sự mất mát, tuy không rõ nhiều hay ít.

Tôi cũng khá bất ngờ trước một công trình lớn xây dựng tại địa danh nổi tiếng mà không có giấy phép từ các cấp chính quyền cơ quan nhà nước".

Riêng việc phá dỡ, theo ông Phương, chắc chắn sẽ khó khăn, bởi vì bê tông cốt thép gắn với đá vôi kiểu gì cũng phá vỡ thành từng tảng.

Hàng nghìn người đi trên công trình không phép.

Tất nhiên những người làm chuyên môn xây dựng hoàn toàn có thể đánh giá tác động, nếu phá đi hưởng ứng thế nào, phải làm ra sao.

"Cần phải thuê một Hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia về xây dựng, thiết kế công trình, các chuyên gia về di sản để thống nhất phương án tốt nhất. Tất nhiên phải xác định sẽ không bao giờ còn một núi Cái Hạ nguyên bản như xưa", ông Phương khẳng định.

Những điều chưa ai nhắc tới

Cũng đưa ra quan điểm  về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho hay, bản thân ông theo dõi sự việc ngay từ đầu, nhưng có một số điểm mấu chốt mà chưa ai từng nhắc đến, nhưng lại rất quan trọng.

Ông chỉ rõ: "Thứ nhất, đây là một công trình cũng khá quy mô, xây dựng thời gian khá dài, vậy thì tại sao khi xây dựng không ai ngăn cản? Vậy bây giờ hỏi trách nhiệm ở ai? Cứ đổ tội cho người xây là đúng nhưng ai để tình trạng đó xảy ra? Trách nhiệm quản lý ở đâu?

Điểm này rất quan trọng, bởi xử lý vụ này còn ngăn chặn các vụ khác có thể xảy ra. Không biết nguyên nhân thì làm sao ngăn chặn được? Trong khi, tất cả các vụ việc hiện nay chủ yếu là hậu kiểm, sau khi xảy ra mới ngồi xử lý, còn cái tôi cần phải ngăn chặn nó không xảy ra từ đầu, chứ không phải tìm phương án xử lý.

Tức điểm quan trọng là hiện nay về vấn đề này chưa rõ trách nhiệm ở ai.

Thứ hai, khu di sản Tràng An chắc chắn phải có ban quản lý. Vậy họ ở đâu? Có hay không việc nhận tiền của bên chủ đầu tư xây dựng, nhưng khi lộ ra thì coi như vô can?

Không loại trừ khả năng BQL này có danh nghĩa, có trách nhiệm nhưng năng lực quá yếu, người quá ít. Nếu vậy cũng phải xem nguyên nhân và trách nhiệm ở ai, chính quyền địa phương ở đây có liên quan gì không cũng phải xem xét.

Tôi thấy, không quan tâm vấn đề này thì chỉ xử lý hiện tại còn không ngăn chặn được tương lai.

Thứ ba, chủ đầu tư xây không phép là sai, nhưng bây giờ xem bản chất việc xây dựng này nhằm mục đích gì, phục vụ ai, có ích lợi gì không? Tôi cho rằng, chắc chắn có lợi ích.

Và việc xây dựng có tác động gì đến môi trường cảnh quan sinh thái, khu vực xây dựng có được cho phép hay không, nếu tác động thì ra sao.

Ba điểm mấu chốt lớn không được nhắc tới, hiện nay chỉ tập trung vào việc xây dựng không có giấy phép, cái đó chưa đủ. Tiếp theo là xây dựng không giấy phép, vậy thì phải làm rõ, ai là người cấp giấy phép ở đây, nếu xin thì xin ai, xin khu di sản hay chính quyền tỉnh, Sở Xây dựng hay GTVT.

Đồng thời, cũng phải làm rõ ai cho phép xây BQL, Sở Xây dựng hay Sở GTVT".

Bây giờ xử lý hậu quả thế nào, công trình trên cũng như nhà 8B Lê Trực, Mường Thanh ở Linh Đàm, Nha Trang, không ai phá được, chỉ cắt ngọn. Với các công trình trên cắt ngọn thì không ảnh hưởng gì, nhưng với di sản thì có tháo dỡ thì các vùng đá bị xâm hại thô bạo cũng không còn.

"Cần có một Hội đồng các chuyên gia, các KTS, nhà quy hoạch, bảo tồn di sản. Bản thân tôi thì nghĩ phá dỡ thì dễ, nhưng chở sản phẩm phá đi mới khó, không thể phá xong để lại đó.

Về nguyên lý lúc xây dựng là mang từng tý vật liệu lên, thơ từng đoạn cuốn chiếu, còn phá đi sẽ ảnh hưởng thêm đến đá vôi. Dùng máy xúc thì không được, còn người đục đẽo thì phải mấy năm mới xong, lực lại mạnh tác động dư chấn thêm các vùng khác, nguy hiểm cho tương lai", ông Liêm khẳng định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn