Tình sét đánh của cụ ông hơn 70 tuổi

Thứ tư, 04/04/2012, 17:19
Từng có 4 người con thành đạt, nhà cao cửa rộng giữa lòng Thủ đô nhưng ông Tống Văn Dinh (74 tuổi) đã từ bỏ tất cả, chấp nhận cuộc sống nghèo nàn, bươn chải ở góc chợ, ven hồ, không nơi trú ngụ để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Các tin khác

>>Tình yêu trần trụi
>>Tâm sự của cô dâu 91 tuổi muốn kết hôn 

 

Dù sống ở vỉa hè nhưng ông bà Dinh vẫn luôn sống hạnh phúc


Duyên nợ từ một thanh sắt

Nghe một người bạn kể về mối tình của hai ông bà nhặt rác ở bờ hồ Hoàng Cầu đã ngoài cái tuổi thất thập khiến tôi tò mò. Cất công chạy xuống tới lần thứ ba tôi mới có may mắn gặp được họ. Khi chúng tôi xuống, một ông già ngồi lim dim, bên cạnh là bà già đang run tay nhổ từng sợi tóc bạc.

Thấy có khách, bà Nguyễn Thị Huyền vội vã lấy chiếu trải lên chiếc xe đẩy hàng rồi mời chúng tôi vào. “Nhà” của ông bà được dựng ngay giữa một đống rác, cạnh một cây đa cổ thụ rất to. Nhìn vào “ngôi nhà” ấy chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, ông Dinh cười nói: “Chúng tôi sống ở đây quen rồi. Đêm xuống, chúng tôi mới quây những miếng gỗ mỏng xung quanh rồi dùng chiếc ô to che bên trên để ngủ tạm. Ở đâu có vợ có chồng ở thì đó là nhà, miễn sao được ở bên người mình thương”.

Kể về cuộc đời mình, ông Dinh bảo quê gốc của ông ở Thanh Hóa, trước kia từng tham gia chiến đấu tại chiến trường phía Nam, sau đó trở về làm công nhân tại một công ty chế tạo máy cơ khí. Vợ ông Dinh đã mất trước khi ông gặp bà Huyền mấy năm. Ông có bốn người con nay đã trưởng thành và nhà cao cửa rộng giữa lòng Thủ đô nhưng như sự run rủi của số phận, tình yêu với bà Huyền đã khiến ông bỏ đi tất cả cơ ngơi đã dành dụm cả đời và cuộc sống sung túc để về với bà.

Ông Dinh móm mém cười khi kể lại chuyện tình: “Tôi và bà Huyền quen nhau trong một buổi chiều muộn, bà đi nhặt đồng nát ở Trung Liệt về. Chúng tôi đi ngược chiều nhau, cũng bình thường như những người qua đường khác. Nhưng đi ngang qua nhau rồi, bất ngờ cả hai cùng ngoái lại nhìn nhau. Thế là tiện tay đang cầm một thanh sắt dài chừng một mét tôi cho bà ấy luôn. Sau đó, tôi gặp lại bà ấy nhiều lần. Qua trò chuyện, tôi chỉ muốn đi theo để che chở cho bà ấy vì dẫu sao có người đàn ông vẫn hơn. Tính ra, từ khi gặp gỡ làm quen đến khi về chung sống với nhau chỉ vẻn vẹn chưa đầy 3 tuần". Nói rồi ông quay qua nhìn bà. Thấy bà lườm yêu, ông lại tủm tỉm.

Ngồi bên cạnh ông, bà Huyền kể: “Biết vợ ông ấy mất cách đó vài năm, các con của ông đều đã trưởng thành, yên bề gia thất, tôi mới quyết định theo ông ấy sống nốt quãng đời còn lại. Chúng tôi lang thang, vạ vật đầu đường xó chợ tuy vất vả nhưng quen rồi, miễn là tôi và ông ấy được bên nhau hết cuộc đời này. Ông ấy sống tình cảm, ngần ấy năm chẳng khi nào to tiếng với tôi- Đó là hạnh phúc lớn nhất đời tôi rồi”.

Chỉ cần bên nhau

Kể về những ngày đầu đến với nhau, ông Dinh cho biết rào cản lớn nhất là con cháu của ông. Tất cả con cái, họ hàng gia đình ông đều phản đối việc bố và ông mình “đi bước nữa”, nhất là lại với một người nhặt rác.

Bà Huyền nhớ lại: “Ngày ông ấy đưa tôi về nhà, các con ông phản đối kịch liệt, nhất quyết không chịu cho bố gắn quãng đời còn lại với tôi vì sợ ô danh. Đại gia đình họp bàn khuyên bảo bố nhưng không được. Trước sự quyết liệt của các con, vì tình yêu, ông ấy quyết định ra khỏi nhà, chấp nhận cuộc sống vỉa hè, đi nhặt rác cùng tôi". Ông Dinh nói thêm: "Tuổi già, tôi cần có người chăm sóc, các con ai cũng có gia đình riêng. Vợ mất, tôi muốn có một người cùng chia sẻ nhưng các con lại phản đối. Vậy là tôi tự quyết định cho mình cuộc sống riêng, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Chỉ cần có tình yêu, chúng tôi sẽ vui vẻ”.

Kể từ đó, hai ông bà vẫn sống hạnh phúc dù họ không nhà, không người thân khi ông rời bỏ tổ ấm để đi theo tiếng gọi con tim và bà rời xa gia đình vất vả ở Thái Bình để lên Hà Nội mưu sinh. Cứ chỗ nào đang xây dựng thì ông bà đến, hết công trình ông bà cũng nhổ “nhà” theo. Đến giờ ông bà cũng không thể nhớ đã phải chuyển “nhà” biết bao lần quanh hồ Hoàng Cầu.

Những lúc mưa to gió lớn, vợ chồng ông bà kéo nhau chui vào ống cống nhưng giờ ông bà lấy bạt che thành lán nhỏ để có nơi trú ngụ. Sinh hoạt, giặt giũ hàng ngày thì lấy nước ở hồ. Mỗi sáng ông xách bơm ra ngồi ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày kiếm đôi đồng để dành. Còn bà thì đi nhặt rác. Hai vợ chồng cả ngày kiếm cũng chỉ được khoảng 15.000 - 20.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Trưa về, hai người tranh thủ ăn tạm bát cơm, ngủ một lúc, chiều lại tiếp tục công việc. Tối đến, ông lại hì hục lấy củi đun nước cho bà tắm rồi vợ chồng ngồi trò chuyện, tâm sự. Thi thoảng, ông bà cũng dắt nhau đi dạo quanh hồ như những đôi tình nhân. Ông Dinh cười bảo: “Cũng không biết có ở đây được lâu không. Công trình này thấy bảo gần xong rồi. Chẳng biết sau đó đi đâu. Thôi miễn sao đi đâu có bà ấy ở bên cạnh là cuộc sống thấy đủ lắm rồi”.

Theo gia đình.net

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn