Đây là nhận định của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất!
Để mọi người biết đến tên tuổi của mình, bà Tưng đã tạo hết “scandal” này đến “scandal” khác, tuy nhiên, để trở thành một người nổi tiếng thật sự của công chúng thì không dễ như “Tưng” tưởng.
Bà Tưng chỉ đạt được một mục đích duy nhất đó là để lại “ấn tượng” trong mắt mọi người, nhưng điều “ấn tượng” của bà Tưng cũng chẳng có gì tốt đẹp và chẳng mấy ai “lưu giữ” trong đầu vì những hành động, việc làm và phát ngôn gây sốc của cô bị “cư dân mạng” và mọi người nhìn theo hướng “tiêu cực” nhiều hơn là tích cực.
Sau “hội chứng bà Tưng” cũng có không ít bạn trẻ dùng những chiêu thức tương tự như: khoe thân, tung clip, đăng phát ngôn gây sốc… để hy vọng mọi người biết đến tên tuổi mình, nhưng thực tế thì tất cả những hành động như vậy, cuối cùng đều phải trả giá đắt.
Theo các chuyên gia tâm lý đánh giá, chẳng phải đến “hiện tượng” bà Tưng, mà trước đó đã xuất hiện rất nhiều trường hợp tương tự.
Đây là điều rất đáng báo động trong xã hội hiện đại, trong thời điểm mà internet ngày càng bùng nổ và trở thành công cụ để mọi người lợi dụng. Điều đáng cảnh báo tiếp theo đó là dư chấn sau khi không đạt được mục đích muốn làm người nổi tiếng, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, lối sống về sau.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, muốn nổi tiếng bền vững thì phải tự khẳng định tài năng và trí tuệ của bản thân |
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, muốn làm người nổi tiếng là nhu cầu của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng cá nhân nào. “Từ cổ chí kim đến nay, ai cũng muốn làm người nổi tiếng, ai cũng muốn cả xã hội biết đến mình, đó là tư duy chung của con người. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là con đường để trở thành người nổi tiếng như thế nào mới là điều quan trọng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định.
Theo ông Chất, nếu nổi tiếng bằng tiềm năng và trí tuệ của bản thân thì sự nổi tiếng đó sẽ bền vững, bền vững ngay cả khi người đó đã từ giã cõi đời. Còn chỉ là ham muốn nổi tiếng, nổi tiếng bằng bất cứ giá nào thì sẽ rất nhanh dẫn đến sự lụi tàn và với những trường hợp đó, kể cả là khi được nhiều người biết đến tên tuổi mình thì cũng chỉ là trò cười cho thiên hạ và không ai tôn trọng sự nổi tiếng đó, vì bản chất trí tuệ, tư duy, tư cách và tài năng của người đó không đáng để người khác tôn trọng.
Nói về “hiện tượng” bà Tưng, một người muốn nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, thì ông Chất cho rằng, đó là một sai lầm về nhận thức, dẫn đến nhận thức lệch lạc, non nớt, bồng bột và không nhận thức được giá trị sống. “ Đó là sự nổi tiếng “ngu xuẩn”, nếu không có biện pháp ngăn chặn, thuyết phục sẽ làm hỏng cả thế hệ trẻ, biết đâu hôm nay họ “thả rông”, nhưng ngày mai sẽ có người không mặc gì chạy ra đường để được nổi tiếng”, ông Chất phân tích.
Đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm, không chỉ với bà Tưng mà đối với giới trẻ hiện nay, vì khi không đạt được mục đích đặt ra là trở nên nổi tiếng, họ sẽ tự trách mình, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, nhất là độ tuổi còn trẻ chưa va vấp nhiều, dễ dẫn đến sang chấn và áp lực cho bản thân.
Trong trường hợp này, nếu không có tự chủ, không tìm được hướng đi khác phù hợp với bản thân, sẽ rất dễ mắc bệnh trầm cảm, tâm lý hoang tưởng, né tránh mọi người, và sẽ vấp ngã ở những bước đi tiếp theo của đường đời.
Thậm chí, có nhiều trường hợp khi không đạt được mục đích sẽ thất vọng và tìm đến cái chết bằng cách tử tự.
Cuối cùng ông Chất đưa ra lời khuyên: “Nổi tiếng là nguyện vọng chính đáng, nhưng muốn nổi tiếng thì phải tự khẳng định bằng chính trí tuệ, tài năng của mình và sự nổi tiếng đó phải có ích cho cộng đồng. Đối với bất kể ai, sựu nổi tiếng không bao giờ xuất hiện trong chốc lát, mà phải để cộng đồng phát hiện ra tài năng, phát hiện ra những điều đáng trân trọng và học tập, có như vậy thì mới vững và không bao giờ bị lãng quên”.
Theo Kienthuc