Còn lúc này, Đặng Thái Sơn quá an nhiên tự tại, quá khiêm tốn để nói trước một điều gì đó ông chưa nắm chắc, chỉ để phô trương. Nhưng chắc rằng, ông đã chuẩn bị rất kỹ trước khi có mặt tại Việt Nam, bằng việc đã phải thử dượt Beethoven Marathon tại Brazil và Tokyo (Nhật Bản).
Sẽ rất căng thẳng...
Cái tin NSND Đặng Thái Sơn sẽ biểu diễn trọn bộ 5 concerto dành cho piano của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven đã được tiết lộ từ cách đây vài tháng.
Càng tới sát ngày diễn, nó càng nóng lên, càng giành được nhiều sự quan tâm. Nhất là khi một bản thông báo dài 5 trang, chỉ dẫn chi tiết về sự khác biệt của từng concerto và từng chương trong tác phẩm được chuyển tới tay báo giới.
Trình diễn tại VN, chưa từng có một nghệ sĩ nào muốn diễn giải chi tiết đến vậy. Đó cũng là lời thách thức để người nghe có thể cảm thụ hết cái tinh tế, cái khác biệt khi Đặng Thái Sơn sẽ bóc tách từng phần của một hệ thống tổng phổ âm nhạc khổng lồ này.
NSND Đặng Thái Sơn |
Đâu là điều thú vị ở một “cuộc đua đường trường” với Beethoven?
- Một món ăn mới: 5 bản concerto của Beethoven với các tính chất khác nhau. Dạng trình diễn này ngay ở nước ngoài cũng đã là hiếm, vì nó đòi hỏi sự phức tạp về mặt tổ chức. Người biểu diễn cũng phải căng sức.
Bình thường, khi biểu diễn cùng dàn nhạc, solist chỉ chơi 1 concerto, nhưng bây giờ phải chơi 5 bản liên tục thì rất căng thẳng. Đây là dự án lớn, rất mới, chưa từng có ở VN. Vì vậy, tôi coi đây là một món quà đầu năm mới của tôi dành cho khán giả.
Những nghệ sĩ Việt luôn có một vai trò quan trọng, gắn kết với ông, dù ông ở xa tổ quốc. Nghe nói ông còn dự định sẽ mở một trường nhạc tại VN?
- Tôi là một người mộng mơ và lúc nào cũng ấp ủ nhiều dự định. Thế nhưng, tôi chỉ có thế mạnh chuyên môn là cây đàn. Cả tài chính và tổ chức đều là điểm yếu của tôi. Vì vậy, có lẽ để thực hiện được việc này phải bắt tay với một cá nhân hoặc tổ chức khác. Cũng đã tìm ra một số người rồi đấy, nhưng còn đang lúng túng. Tôi cảm giác mọi thứ chưa đến độ chín muồi.
Hiện tại, tôi đang muốn làm một dạng nhỏ hơn, gọn nhẹ hơn là một quỹ giúp tài năng trẻ, như học bổng trong nước, ngoài nước, mở các trại hè, giúp đỡ các em trong các cuộc thi quốc tế... Những điều đó, tôi nghĩ nằm trong tầm tay của mình.
Đã chơi nhiều tác phẩm thiên về trường phái lãng mạn, Beethoven có quá khác biệt với phong cách của ông?
- Thực ra, lãng mạn là cái “máu” của mình. Nhưng sau đó, tôi đã trải qua các dòng nhạc khác, đặc biệt là trường phái ấn tượng của Pháp với các đại diện như Debussy, Ravel. Đó có thể coi là thế mạnh nhất của tôi trong những năm gần đây, bên cạnh sự lãng mạn.
Có đồng cảm nào giữa Đặng Thái Sơn và nhà soạn nhạc tài năng, vĩ đại, nhưng cô độc này không?
- Trước kia, tôi nghĩ để hiểu được nhạc Beethoven thì phải có kinh nghiệm sống. Đến bây giờ, tôi cảm giác mình đã đến độ tuổi phải chơi nhạc của ông. Người ta nói rằng, muốn chơi được nhạc Beethoven thì phải biết mùi đời, biết đắng cay. Không ai hiểu về lòng người như Beethoven. Cũng vì đắng cay nên người ta tìm đến Beethoven để cảm thấy được an ủi.
Tính chất vượt qua số phận, chủ nghĩa anh hùng của Beethoven phải chăng rất phù hợp với người Việt? Tôi từng trò chuyện với một số pianist trẻ ở Việt Nam như Trang Trịnh hay Lưu Hồng Quang, họ cũng đều xem Beethoven là nhà soạn nhạc yêu thích nhất của mình...
- Đúng vậy! Nhưng đặc biệt ở chỗ Beethoven không chỉ có sức mạnh, nỗi đau hay chủ nghĩa anh hùng. Ông còn có cả sự hóm hỉnh lẫn lãng mạn trong âm nhạc của mình.
Ông có những bài như “Fur Elise” (Thư gửi Elise) - những bài mà ngay cả những người amateur nhất về âm nhạc cổ điển cũng biết, cũng thuộc lòng giai điệu. Đó hoàn toàn là tình cảm, chứ không phải là sức mạnh. Tình cảm ấy rất thật, nên chinh phục mọi người, và trở thành bất hủ.
Thay đổi theo từng thập niên
Nếu như Đặng Thái Sơn đang vươn đến Ludwig van Beethoven bằng việc biểu diễn trọn bộ 5 concerto đồ sộ dành cho piano của nhà soạn nhạc thiên tài, thì sau đây, ngọn núi tiếp theo ông muốn chinh phục sẽ là Johann Sebastian Bach - ông tổ của nghệ thuật cổ điển, người sáng tạo của phức điệu và bình quân luật.
Có chu kỳ lựa chọn nào không, trong cách ông chinh phục những ngọn núi?
- Tôi cứ tính theo từng thập niên. Lúc đầu 20 - 30 tuổi thì chơi Chopin, Lizst, Rachmaninov..., chủ yếu là nhạc Nga. Cuối quãng thời gian 30 - 40 tuổi, tôi bắt đầu chơi ấn tượng Pháp, rồi đến Beethoven. Và trong tương lai, sẽ là J.S.Bach. Âm nhạc cổ điển là từ ông mà ra.
Hồi nhỏ, trẻ con rất sợ chơi nhạc của Bach vì tưởng chừng nhạc của ông khô khan. Nhưng thực ra, đó là nhạc sĩ lãng mạn nhất trên đời, hiện đại nhất trên đời. Tóm lại, cái gì ông cũng có.
Thế còn những sáng tác đương đại, những nhà soạn nhạc Việt Nam?
- Cứ từ từ, đợi một chút, kiên nhẫn một chút sẽ có đủ các “món”. Sẽ có nhiều cái hay, cái mới. Còn nhiều, nhiều đấy! Nhưng tôi chưa muốn nói ra... (cười)
Xin cảm ơn nghệ sĩ và chúc ông marathon thành công với Beethoven!
Theo Laodong