Nhạc sĩ Quốc Trung: “Không có đất dành cho… gái đoảng

Chủ nhật, 21/04/2013, 08:30
"Bất ngờ nhận lời ngồi ghế nóng “The Voice” (thay vì tiếp tục xả thân cho Idol) với một lời giải thích hóm hỉnh mà chân thành: “Vì những lý do cao sang và cả những lý do tầm thường”, nhạc sĩ Quốc Trung xem ra ngày càng “thực tế” cùng “truyền hình thực tế”. Vậy hãy thử một lần đi “thực tế” tại nhà anh, để biết khi “ở nhà”, vị giám khảo có tiếng khó tính ấy có như “ở trường”…

Cứ mỗi lần gặp Quốc Trung, tôi lại không hiểu vì sao Thanh Lam lại để buột mất anh và thầm tiếc giùm cho chị. Duy có một lần, được anh mời đến nhà, nhìn thấy cảnh anh làm tròn trịa, trơn tru mọi việc, tôi lại nhác nghĩ: Thanh Lam chứ “Thanh giời” có khi cũng… khó mà có chỗ trong ngôi nhà này, nếu là theo nghĩa… làm vợ thông thường (tức “người nội trợ”).

Linh vật lạ: Chú chó “đội lốt” cừu 

Ông bố nhạc sĩ cùng hai con chuyển đến nhà mới được hơn một năm nay. Đó là một căn hộ xinh xắn nằm trong tòa nhà chung cư án ngữ ngay cổng vào Ciputra, có cửa sổ trông sang công viên Hòa Bình. Căn hộ được thiết kế khá dễ chịu, với các phòng ngủ quây quần quanh phòng khách. Những bộ bàn ghế được lựa chọn tinh tế, không biết có phải do chủ nhân hay với sự tư vấn của một “bóng hồng” nào (nghe nói không thiếu trong đời Quốc Trung).

Tuyệt nhiên không thấy một cái áo vắt hờ trên ghế hay một chiếc giẻ lau nào vứt bừa trên mặt bếp, chứ đừng nói cái nền nhà. Mọi thứ gọn ghẽ, ngăn nắp và kín kẽ. Một cảnh nhà điềm đạm, yên ả, đủ để bất kỳ phụ nữ nào cũng cảm thấy yên lòng (hay là bất an?) khi được gã đàn ông “ở nhà một mình” ấy tiếp đón.

 

 

Nhưng đỉnh cao của sự chỉn chu là khi Quốc Trung mở tủ lạnh (với các hộp thức ăn được xếp ngay ngắn) để lấy hộp salad Nga làm sẵn cho chú cún vì đã đến giờ ăn của nó (mà thề là lúc đầu tôi cứ tưởng anh định lấy ra… mời tôi vì trông nó quá ngon mắt). Khác với cảm giác sợ rúm người khi nhìn thấy mấy chú cẩu to cao lực lưỡng đầy manh động ở nhà Anh Quân – Mỹ Linh bên Sóc Sơn, mấy chú cún nhà Quốc Trung thoạt tiên khiến tôi… phì cười. Vì khi tôi đến, là thấy anh đang tỉ mẩn ngồi… xén lông cho nó.

Một chú cún kỳ lạ (ít ra là với một người hiểu biết ít về chó như tôi)! Vì tôi thề là nếu nó nằm yên, ngay mép cửa, khách lạ sẽ rất dễ giẫm nhầm vào nó, vì tưởng là… một cái ghẻ lau nhà, với tất cả sự lườm xườm cùng màu lông cũ kỹ. Còn khi nhìn chủ nó xén lông cho nó, thì ta sẽ không biết gọi nó là chó hay… cừu, vì trông nó giống hệt một chú cừu thu nhỏ.


Tôi tỵ: “Anh cho chó ăn sang quá đấy, ai lại cho chó ăn salad Nga bao giờ!”. Trung bảo, cái giống chó này, nuôi phải kỹ. Với cả, khó khăn gì đâu cái món salad Nga, nếu như không muốn nói là dễ nhất quả đất! Kể cả là món spaghetti! 

“Thời thế tạo ra anh hùng” hay “anh hùng tạo ra thời thế”? “Thích thì không hẳn là thích, đương nhiên rồi! Nhưng nếu là thỉnh thoảng làm, thì thật sự là cũng không hề thấy ngại. Cái chính là mình được rèn từ bé rồi. Tôi tiếng là con trai một nhưng vì bố mẹ hồi đấy đi diễn suốt, nên rất “chuyên nghiệp” trong chuyện đi chợ đong gạo, thổi cơm, giặt giũ… Xe đạp tự sửa, nước tự xách và kể cả quần áo cũng tự vá lấy…, quen rồi. Thế nên về sau, kể cả khi có người phụ nữ trong nhà thì mình cũng tự cảm thấy nên chia sẻ việc nhà với họ. Có gì đâu, nếu họ nấu ăn thì mình giặt đồ, họ nhặt rau thì mình rửa bát… Tôi không bao giờ có quan niệm phụ nữ là phải nấu ăn…” – “Gã nội trợ” giãi bày. 



“Không có đất dành cho… gái đoảng”?

Hạnh phúc của tôi là được biết căn hộ ấy trước… Thanh Lam(!). Vì tận tới khi tôi đến (dĩ nhiên là để… phỏng vấn), vợ cũ của anh còn chưa kịp “cập nhật” ngôi nhà mới ấy của mấy bố con, hẳn vì không tiện đường như trước. “Nhà cũ thì đương nhiên rồi, nhiều là khác. Và một đôi lần, còn nán lại lo cơm nước và ngồi ăn cùng...” – Trung kể, và khen Lam nấu ăn ngon. Còn những lúc không có sự hiện diện đó, thì như thường lệ, ông bố sẽ lôi con vào bếp. 

Hạnh phúc của tay “gà trống nuôi con” kiểu Quốc Trung vì vậy đôi khi lại chính là cảnh nhà: Cảnh mấy bố con hỉ hả ngồi vào mâm cơm sau những phút hì hụi làm bếp, hay đơn giản, chỉ là một cái nền nhà sạch bóng, trước khi người trụ cột khép cửa đi làm. Một ngày thường của vị nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là tay “gà trống nuôi con” này vì vậy được bắt đầu thật bình dị: Sáu giờ dậy (bất kể đêm qua thức khuya đến mấy, và thường là thế), dọn nhà, cho chó ăn, gọi con dậy (thường cũng phải mất 3, 4 bận hò hét, bọn trẻ mới chịu rời giường), ăn sáng, café tại nhà cùng các con… và sau khi bọn trẻ tới trường thì lau nhà rồi tới văn phòng. 

Trung bảo dĩ nhiên anh biết, phần nào đó mình may mắn, so với hoàn cảnh chung của xã hội, khi ít nhiều có được tín nhiệm, có khá nhiều đầu việc để làm với mức thù lao khá cao…, nhưng nói chung là cũng vất vả. Chưa bao giờ là làm việc dưới 10 tiếng/ngày, kể cả ngày nghỉ. Nên có cố thu xếp thì cả năm cũng chỉ đưa con đi nghỉ được một lần là cùng. Thế nên, cái gọi là “lý do tầm thường” mà anh nói ở trên, khi quyết định ngồi ghế nóng The Voice, hẳn còn vì bao hàm cả những lo toan đời thường khác ngoài chuyện chuyên môn, lý tưởng... “Vất vả vậy nhưng để đủ trang trải mọi thứ abc… hàng tháng cũng đã là một thách thức. Nói gì đến chuyện lo cho con du học, và là học nhạc…” – nhà sản xuất hàng đầu phía Bắc lần đầu tiên mở lòng về chuyện “cơm áo không đùa…”.

24 tiếng/ngày vì vậy đôi lúc không đủ cho Trung, khi một mình anh phải sắm quá nhiều vai. Hỏi sao không thuê giúp việc, Trung bảo: “Trẻ con nhà này trước chủ yếu sống với ông bà, việc nhà toàn có người giúp việc. Giờ tôi mới xách về để bắt đầu rèn đây! Muốn tài giỏi gì thì tài giỏi, mấy cái việc lặt vặt mà còn không biết làm thì cũng không thành người nổi đâu! Dốt cái gì khổ cái nấy! Ở nước ngoài, tôi thấy cỡ triệu phú người ta mới thuê người giúp việc, còn 99% là tự bơi; đây ở mình, tôi thấy hầu như nhà nào có trẻ con cũng thuê người giúp việc. Cái gì cũng thế thôi, làm là quen hết, chỉ cần cố lên một chút, lâu dần sẽ thành một cái nếp quen rất tốt cho mình để có thể thích nghi được với nhiều hoàn cảnh hơn…”.

Nhưng cũng chính vì cái sự “biết tuốt” đó mà tôi lại lo Trung… khó tìm hạnh phúc, nhất là với… gái đoảng. Và kể cả là gái đảm(?). Vì làm sao còn có thể tìm được một chỗ trống nào nữa để “ghi dấu ấn” trong nhà anh? “Thiếu gì chỗ đâu! Trừ khi là người ta muốn… kiếm cớ!” – “Vườn hồng mở lối”, dù nghe đâu, hiện tại, đã có “người vào”.

Theo Laodong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích