Hoa hậu sống bằng nghề gì?

Thứ ba, 04/06/2013, 13:56
Sánh với danh hiệu cao quý, luôn xuất hiện trong dáng vẻ kiêu sa, lộng lẫy… nhưng hiếm ai biết các hoa hậu, á hậu ấy sống bằng nghề gì?

Có lẽ các hoa hậu nghĩ rằng sau khi làm hoa hậu mà vẫn phải nộp đơn xin việc, vẫn phải đảm nhiệm vị trí nhân viên văn phòng, vẫn phải ngóng đến ngày nhận lương, chờ nhận thưởng…. thì phí cái danh xưng. Đa số họ tìm đến những công việc cho “xứng” với sự hào nhoáng của danh hiệu, chẳng hạn như làm nghề dự tiệc, xuất hiện trong các tiệc rượu của các hãng rượu mạnh như hoa hậu Mai Phương Thúy chẳng hạn!

Thật ra chuyện hoa hậu Mai Phương Thúy có đi tiếp thị, quảng cáo cho rượu mạnh thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi trước đây cô từng khẳng định, hoa hậu là “nghề” khắc nghiệt và cô cũng cho biết nguồn thu chủ yếu của mình là từ việc đi dự các sự kiện.

 hoa hậu

Còn nhớ ngay trong năm đầu tiên đăng quang (2006), Mai Phương Thuý đã tích cực xây nhà tình nghĩa, thực hiện nhiều chiến dịch quyên góp giúp đỡ người nghèo. Sau hai năm, cô đã trao đến tay những mảnh đời cơ nhỡ với con số đáng mơ ước là hơn 10 tỉ đồng. Bất ngờ hơn hết là việc cô cho biết, toàn bộ chi phí cho những chuyến đi từ thiện là do cô tự chi trả.

Hoa hậu Việt Nam 2006 tâm sự: “Thúy thường dùng đến 80% số tiền cát-xê thu được qua những chiến dịch quảng cáo, và các show diễn để làm từ thiện”.

Hoa hậu Diễm Hương cũng từng thừa nhận: “Đúng là vương miện giúp tôi có được nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn từ các hợp đồng quảng cáo, đại diện cho các nhãn hàng”.

Diễm Hương tiết lộ, gia đình cô có truyền thống kinh doanh từ lâu nên cô học được nhiều điều hay từ bố mẹ. Vì vậy, ngoài việc kiếm tiền từ việc tham dự sự kiện, dự tiệc, Diễm Hương còn đương đầu với thương trường. Tuy nhiên cô kinh doanh gì thì ít ai biết được, công chúng chỉ biết hoa hậu này đang tích cực dùng danh hiệu và nhan sắc của mình làm khách mời trong các bữa tiệc của các hãng rượu mạnh!

Các á hậu đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012 như Tú Anh, Hoàng Anh cũng thường xuyên xuất hiện trong các bữa tiệc của các loại đồ uống có cồn, thỉnh thoảng thì xuất hiện trên sàn catwalk với vai trò người mẫu.

Ngoài việc dự tiệc, quảng cáo, đại diện thương hiệu... thì công chúng cũng biết đến một số nghề nghiệp kiếm nhiều tiền khác của hoa hậu Việt như: Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân là nhà thiết kế thời trang, Hoa hậu Jennifer Phạm đắt show làm MC hay thỉnh thoảng, các hoa hậu Việt cũng xuất hiện trên sàn catwalk trong vai trò của người mẫu.

hoa hậu
Hoa hậu Nam Mê-kông Mỹ Xuân kiêm luôn nghề "tú bà".

Nói chung dù mang danh cao quý là hoa hậu nhưng họ đều phải kiếm tiền nuôi sống bản thân. Có những hoa hậu làm nghề chính đáng, kiếm tiền bằng năng lực của mình nhưng cũng có không ít nhan sắc kinh doanh “vốn tự có”. Từ việc làm nghề dự tiệc, đại diện hình ảnh cho đến “buôn phấn bán hương” như trường hợp của hoa hậu Nam Mê-kông Mỹ Xuân vậy.

Vừa qua, việc hàng loạt hoa hậu, á hậu đi quảng cáo rượu mạnh bị đưa ra ánh sáng, khi ấy công chúng mới ngỡ ngàng, thất vọng vì hóa ra những người đẹp mang những danh hiệu cao quý này cũng chỉ đi tiếp thị rượu, giống như “người đẹp đồ lót” Ngọc Trinh mà thôi!

Công chúng thất vọng bởi lâu nay họ đều nghĩ rằng hoa hậu thì không phải đi quảng cáo kiếm tiền mà là để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, để làm những việc giúp ích cho cộng đồng xã hội… nói chung đó là những công việc rất cao quý.

Song, sự thật thì ngược lại gần như hoàn toàn.

Nhưng lỗi do đâu? Không phải lỗi hoàn toàn ở các hoa hậu mà còn ở chỗ sự kỳ vọng quá nhiều của công chúng vào những người đẹp này. Thử hỏi rằng hoa hậu sẽ có thể làm những gì cao quý khi mà trình độ học vấn không cao, mặt bằng văn hóa thì lại hạn chế? Xem ra những hoa hậu này chỉ hợp với các công việc nhàn hạ kiểu đi dự tiệc lấy tiền hay xúng xính váy áo, uốn éo trước ống kính máy ảnh để làm tiếp thị cho rượu mạnh chẳng hạn.

Thực tế không ít người đẹp chỉ có nhan sắc, đôi chân dài nhưng nghèo nàn về tri thức, văn hóa. Thế nhưng họ vẫn nổi tiếng và mặc nhiên trở thành người của công chúng chỉ vì sự đánh bóng và tâng bốc quá đà của một số phương tiện truyền thông đại chúng.

Thiết nghĩ công chúng nên thôi đặt nhiều kỳ vọng vào các danh hiệu của các người đẹp này, các phương tiện truyền thông cũng không nên làm công cụ lăng-xê cho họ mà hãy tập trung vào những giá trị nhân văn trong cuộc sống như những tấm gương điển hình vượt khó hay những tấm gương về sự dũng cảm chẳng hạn. Việc làm ấy ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc lăng-xê một người đẹp để rồi thỉnh thoảng các cô lại gây choáng vì một scandal nào đó!

 

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn