"Bát Giới" bở hơi tai tắm cùng 7 nhện tinh

Thứ sáu, 09/08/2013, 14:51
Các yêu nhện... xuống nước, lớp vải tuyn dính chặt vào người làm các cô gái như khỏa thân trước ống kính.
2-1375869047_600x0.jpg
Cảnh Trư Bát Giới tắm cùng các yêu nhện trong tập "Rơi nhầm vào động bàn tơ".

Trong tập Rơi nhầm vào động bàn tơ, Sư phụ khi đi xin thức ăn cho các đồ đệ đã rơi vào động bàn tơ và bị các "yêu nhện" bắt giữ, đòi ăn thịt để "trường sinh bất lão". Tiếp đó, Tôn Ngộ Không phát hiện ra 7 nhện tinh tắm bèn biến thành chim ưng lấy hết quần áo của các cô bay đi. Tập phim có cảnh lão Trư sau khi nghe chuyện bèn đòi tự mình đi giết yêu, rồi nhảy xuống hồ xin các mỹ nữ cho được tắm cùng.

Cảnh phim được thực hiện vào tháng 7/1987 tại Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên. Thời điểm đó, đạo diễn Dương Khiết sau khi đi "tiền trạm" phát hiện ra Cửu Trại Câu đẹp như tranh vẽ, mặt hồ phẳng lặng như gương đã nhận định, nơi đây chính là địa điểm lý tưởng để ghi cảnh Bát giới tắm với chị em nhền nhện. Tuy nhiên, ý định của bà không thành, bởi khi thò tay xuống nước, bàn tay lập tức lạnh cóng, không thể nào ngâm trong nước lâu. Sau khi tìm hiểu, bà mới biết, nước trong hồ là do tuyết trên núi tan chảy xuống mà thành, nhiệt độ trong hồ vì thế bất chấp thời điểm, lúc nào cũng lạnh như băng.

1-1375869047_600x0.jpg
Sư phụ và các yêu nhện trong tập "Rơi nhậm động bàn tơ".

Sau cùng, đoàn phim đành tìm tới một khúc suối nhỏ và nông (mặt nước không bị đóng băng) ở chân núi để ghi hình. Dù không ưng lắm, nhưng vì sức khỏe cả đoàn (quãng đường từ trên núi tới một địa điểm có hồ khác rất xa), cuối cùng đạo diễn Dương Khiết đành chấp thuận.

Bảy cô gái được chọn đóng vai các yêu nhện đều còn rất trẻ, hầu hết đang ở độ tuổi đôi mươi, cơ thể nảy nở, gợi cảm. Thời bấy giờ, việc cho hình ảnh "nhạy cảm" lên phim truyền hình vốn là điều không tưởng, nhất là trong Tây Du Ký, nhưng theo kịch bản, các nhện tinh đều rất đẹp và quyến rũ. Nhằm giúp các diễn viên trong đoàn yên tâm khi quay những cảnh như dùng tơ trói sư phụ, đồng thời đảm bảo yếu tố "thuần phong mỹ tục", bộ trang phục các cô mặc được thiết kế khá cầu kỳ, trong đó không thể bỏ qua một lớp lót vải tuyn màu da mà nếu không soi cận cảnh, khán giả khó lòng có thể thấy được, sau đó là sử dụng trang sức gắn vào... rốn cho thêm phần thẩm mỹ.

3-1375871161_600x0.jpg
Cảnh các yêu nữ vén váy, để lộ rốn.

Vấn đề nảy sinh khi các yêu nhện... xuống nước, lớp vải tuyn dính chặt vào người làm các cô gái như khỏa thân trước ống kính, các diễn viên nữ đều vô cùng xấu hổ với mọi người. Đến lúc quay, đạo diễn Dương Khiết thấy vậy "ra chỉ thị", tất cả những người không liên quan lập tức rời khỏi hiện trường. Rốt cuộc, chỉ có quay phim, chỉ đạo ánh sáng và đạo diễn là được ở lại.

Một chuyện khác cũng đau đầu không kém. Trong khi các cô gái vì trang phục mỏng, nhẹ nên bơi lội dễ dàng thì Bát giới không những vác mũi, tai lợn nặng nề, bụng cũng được nhồi rất nhiều bông (phía ngoài là lớp mủ cao su). Hậu quả là lớp bông thấm nước, làm Bát giới bụng nặng như đeo đá. Theo nội dung phim, Bát giới sung sướng khi được nhảy ùm xuống nước đùa giỡn với mỹ nhân, nhưng kỳ thực trong khi ghi hình, Lão Trư vừa ôm khối bông nặng trịch vừa chạy đuổi nhện tinh, mệt đến không thở ra hơi nữa. Sau 1 giờ đồng hồ, những cảnh quay của tập Rơi nhầm vào động bàn tơ mới hoàn thành, các diễn viên mới run cầm cập ôm quần áo lên bờ, hoàn thành một tập phim "để đời".

Đó chưa phải là kỷ niệm duy nhất của đoàn phim Tây Du Ký trong thời gian ghi hình tập Rơi nhầm động bàn tơ. Nhắc lại chuyện xưa, không thể bỏ qua việc tìm tòi, nghiên cứu của bộ phận đạo cụ để cho ra đời... bảy con nhền nhện to ngoại cỡ, phục vụ cho cảnh quay bảy yêu nhện biến thành những con nhện khổng lồ.

Theo yêu cầu của đạo diễn, những con nhện không chỉ có màu sắc khác nhau, kích cỡ lớn, hơn thế nữa, còn phải biết cử động linh hoạt, tức là bò trên nền đất như những con nhện thật. Bộ phận đạo cụ đã rất đau đầu suy nghĩ: hay là cho động cơ vào thân con nhện để nó có thể di chuyển?. Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm không đáng tin cậy, yếu tố thẩm mỹ cũng không đạt. Cuối cùng, mọi người quay về phương pháp truyền thống, sử dụng tay để điều khiển. Mỗi con nhện được nối với dây câu, sau đó nhân viên sẽ cầm cần câu làm thao tác giúp con nhện... bò trên mặt đất.

So với hiện tại, khi kỹ xảo công nghệ có thể giúp giải quyết bài toán này một cách đơn giản, thì ở những năm 80, chọn lựa này của đoàn đạo cụ có thể khiến nhiều người thấy buồn cười. Nhưng đó chính là những cố gắng của đoàn, nhằm mang lại cho khán giả những hình ảnh đẹp mắt nhất.

g1-1376015278_600x0.jpg
Mỗi con nhện được nối với cần câu bằng một sợi dây câu (mắt thường khó thấy), sau đó nhân viên trong đoàn điều khiển chúng bằng tay.

Dường như mỗi tập phim Tây Du Ký đều mang đến cho đoàn phim những kỷ niệm khó quên, trong đó không thể không kể đến tình cảm của khán giả dành cho đoàn tại mỗi nơi họ đi qua. Đạo diễn Dương Khiết hồi tưởng lại, tháng 10/1985, bà và cả đoàn đến khu thắng cảnh Tây Hồ (Hàng Châu), và Đông Hồ (Tô Châu) để quay tập Thỉnh kinh Nữ nhi quốc. Hầu hết các cảnh trong nhà đều được thực hiện tại Sư Tử Lâm, một lâm viên nổi tiếng Tô Châu. Nơi đây là địa điểm du lịch nổi tiếng, khán giả cũng vì thế mà "bao vây" đoàn phim rất đông. Mặc dù đoàn đã cố gắng hạn chế tối đa sự chú ý của công chúng bằng cách thực hiện nhiều cảnh vào đêm, sự nhiệt tình của công chúng vẫn khiến họ bất ngờ.

b11-1375958722_600x0.jpg
Rất nhiều khán giả bao vây trường quay để theo dõi đoàn phim ghi hình.

Sáu năm trời, cả đoàn phim lặn lội qua nhiều tỉnh thành của Trung Quốc để ghi hình, vượt qua nhiều khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết, nỗi khổ sở khi xa gia đình... Thời bấy giờ, thiết bị lạc hậu, cả đoàn chỉ có một chiếc máy quay duy nhất, thi thoảng lại "dở chứng", khiến cả đoàn dở khóc dở cười. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình của các nhân viên trong đoàn, tinh thần "vượt khó", ê kíp đã mang lại cho khán giả những thước phim để đời, đồng thời gắn bó với ký ức đẹp của nhiều thế hệ khán giả.

Theo Ngoisao

Các tin cũ hơn