Ông Tuấn “con” và HLV Miura có khá nhiều điểm tương đồng. Đáng chú ý nhất là sự chú trọng gần như tuyệt đối vào thể lực, và hệ quả tất yếu của việc này là xem nhẹ những cầu thủ kiểu HAGL.
Thời của Miura, cặp tiền vệ tài hoa Xuân Trường – Tuấn Anh rất ít khi được trao cơ hội. Một phần vì họ hay chấn thương, phần khác, họ không phải “gu” ong thợ mà ông thầy Nhật ưa thích.
Phan Thanh Hậu dù từng được coi là người "nuốt" thể lực bền bỉ nhất đội, vẫn bị loại khỏi World Cup. Ảnh: Quốc Bảo. |
Đến phiên Hoàng Anh Tuấn, ông vẫn trọng dụng khá nhiều cầu thủ có thiên hướng kỹ thuật như Quang Hải, Minh Dĩ…, nhưng đó đều là những người dày cơm, chịu va chạm tốt. Còn Thanh Hậu, tài năng trẻ từng lọt Top châu Á, người được bầu Đức kỳ vọng còn hay hơn cả lứa Công Phượng, Văn Toàn… thì bị loại.
Lý do khiến Thanh Hậu chỉ nằm trong danh sách dự phòng (nghĩa là sẽ được thay thế trong trường hợp hy hữu có ai đó chấn thương trước ngày khai mạc World Cup U20) là chấn thương, nhưng ngay cả khi cầu thủ này khoẻ mạnh, anh cũng hiếm khi được đóng vai kép chính. Thể hình cây sậy là điểm yếu chí mạng của Thanh Hậu trong mắt ông thầy họ Hoàng.
Dĩ nhiên, một HLV chọn ai, bỏ ai, đó là quan điểm cầm quân mà chúng ta cần tôn trọng. Nhưng cách Miura nhồi thể lực khiến rất nhiều cầu thủ chấn thương trước các giải đấu quan trọng thì cũng giống hệt như ông Tuấn trong tình cảnh hiện giờ.
Sau chuyến du đấu châu Âu với những kết quả không hề tệ, những tưởng ông Tuấn sẽ cho U20 Việt Nam nhả dần khối lượng và chú trọng hơn đến những bài chiến thuật. Nhưng sát ngày dự World Cup, các cầu thủ vẫn phải è lưng gánh tạ, chạy bền…
HLV Lê Thuỵ Hải từng phân tích, việc tập nặng trong một thời gian dài khiến cơ thể người chơi bóng bị ì trệ, các vận động không còn chính xác và nhanh nhẹn. Chấn thương là tất yếu.
13 ngày trước World Cup, 3 ngày trước trận đấu với Argentina, U20 Việt Nam vẫn đều đều "ăn tạ". Ảnh: Quốc Bảo. |
Chúng ta đã mất Tiến Dụng – quân bài quan trọng nhất ở tuyến giữa – theo cách ấy, với một chiếc xương quai xanh gãy. Chuyện không may này chẳng khác gì Hoàng Thịnh rạn xương sườn ngay trước thềm SEA Games 2015, để lại khoảng trống mênh mông khiến Miura không thể lấp đầy.
Ngoài Tiến Dụng, U20 Việt Nam còn lỡ hẹn với một vài cầu thủ bị đau, trong đó Thái Quý là trường hợp cũng đáng tiếc không kém. Tiền vệ người Quảng Trị này có “giờ bay” ở V.League, Cúp QG và AFC Cup, tuy ít ỏi nhưng cũng hơn rất nhiều đồng đội khác vốn rất thiếu kinh nghiệm ra sân.
Lúc này, những người chấn thương thì đã về quê, những người được coi là tinh nhuệ sẽ bay sang Hàn Quốc thì đang gặp khá nhiều vấn đề khi “thực chiến”. Quang Hải vừa thổ lộ rằng U20 Argentina mạnh quá khiến anh em… không đá được.
Đấy là kiểu khó khăn mà chúng ta đương nhiên phải gặp khi ra sân chơi World Cup. U20 Việt Nam sẽ chạm trán U20 Pháp, đối thủ mà lược bỏ những Mbappe hay Dembele rồi vẫn ở đẳng cấp của Argentina, nếu không muốn nói còn đáng sợ hơn.
Trong khi ấy, U20 Việt Nam khi gặp thuốc thử cực mạnh, ngay lập tức lộ ra nhiều bất cập: hoang mang về tâm lý, rối loạn về chiến thuật và thiếu hụt về thể lực. Nếu sự lỡ nhịp, thiếu ăn ý trong các tình huống phối hợp còn có thể hiểu được là hệ quả của tập nặng, thì sự suy giảm thể lực chỉ sau nửa trận là một dấu hỏi cho cả quá trình tập huấn.
Chúng ta không thể viện cớ Argentina đá quá hay để bào chữa cho những tồn tại của mình. Ông Tuấn “con” ngoài chuyện trách Thanh Thịnh mắc lỗi trong bàn thua đầu, cũng thừa nhận đối thủ quá “siêu” trong 3 bàn thua còn lại.
Hy vọng quãng thời gian 10 ngày còn lại và 1 trận đấu tập nữa với U20 Vanuatu (dự kiến vừa sức hơn) sẽ đủ cho thầy trò ông Tuấn thấm thía những bài học rút ra từ sân Thống Nhất. Nhưng e là mọi thay đổi, nếu có, cũng sẽ đến rất chậm và khó nhọc…
Lịch thi đấu U20 World Cup 2017 của Việt Nam (theo giờ Việt Nam, GMT+7)
Trận 1: 18h ngày 22/5: U20 Việt Nam vs U20 New Zealand
Trận 2: 15h ngày 25/5: U20 Việt Nam vs U20 Pháp
(2 trận đều trên sân vận động Cheonan, Cheonnan, Hàn Quốc).
Trận 3: 13h ngày 28/5: U20 Việt Nam vs U20 Honduras
(sân vận động Jeonju World Cup, Jeonju).
Theo Zing