5 điểm khác biệt giữa U23 Việt Nam ở Thường Châu và ASIAD 2018

Thứ năm, 30/08/2018, 08:51
Ở 2 thời điểm khác nhau và nhiều thay đổi cả chủ quan lẫn khách quan đã tạo ra những điểm khác biệt ở U23 Việt Nam ở 2 giải U23 châu Á và ASIAD 2018.

Tạm gác lại những thay đổi mang tính quy chế khi ở Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018, đội hình của HLV Park Hang-seo được chọn 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi. Chúng ta hãy nhìn vào cách vận hành đội hình cũng như màn trình diễn của các cầu thủ góp vào trong bức tranh chung của Olympic Việt Nam để đánh giá. Và đương nhiên, tất cả những so sánh dưới đây chỉ mang tính tương đối khi bản thể tồn tại ở 2 thời điểm khác nhau.

1. Nhạc trưởng không còn là chính mình

Xuân Trường khá mờ nhạt tại ASIAD 2018.

Lương Xuân Trường - một cái tên mang trên vai rất nhiều niềm hy vọng của NHM nước nhà khi anh đã chứng tỏ được tài năng cũng như kinh qua nhiều giải đấu chính thức. Ở CLB HAGL hay U23, ĐTQG Việt Nam, anh là người sở hữu những đường chuyền có tính sáng tạo và độ chính xác nhiều nhất.

Thế nhưng ở ASIAD lần này, tiền vệ người Tuyên Quang đã không còn là chính mình và không thể tạo nên những dấu ấn từ những phẩm chất vốn có của mình. Thậm chí, anh còn là người mắc lỗi trong bàn thua đầu tiên của đội nhà trong trận thua Olympic Hàn Quốc khi để tiền đạo Hwang Hee Chan vượt qua ở vị trí tử huyệt trước vòng 16m50.

Trong khi đó ở VCK U23 châu Á, Xuân Trường cùng Đức Huy đã tạo nên một phòng tuyến vô cùng chắc chắn và cũng là một trạm trung chuyển hiệu quả cho những đường bóng tấn công sắc lẹm của đoàn quân HLV Park Hang-seo.

2. Chất thép thuyên giảm

Trải qua 5 trận đấu đầu tiên giữ sạch lưới, những tưởng thầy Park đã tìm ra một “định lý” cho hệ thống phòng ngự Olympic Việt Nam. Song trước một đội bóng mạnh như Hàn Quốc, tất cả như đổ tan tành.

Đình Trọng khá vất vả trong pha truy cản Son Heung Min.

Vẫn với sơ đồ 3-4-3 như những gì đã làm trên đất Trung Quốc hồi đầu năm, tuy nhiên ở ASIAD, việc giữ khoảng cách cự ly đội hình đã không còn được thực hiện nghiêm túc. Nhìn cách Duy Mạnh, Đình Trọng và Tiến Dũng phải loay hoay để cản phá những đợt lên bóng đầy biến ảo mới thấy được, có lẽ chúng ta chưa được thử qua những thuốc thử đẳng cấp nên vẫn còn nhiều thiếu sót.

Số bàn thua tính đến thời điểm này ở ASIAD vẫn còn kém xa so với VCK U23 châu Á song NHM hẳn vẫn cảm thấy tiếc khi ở giải đấu trước, chúng ta đã thi đấu rất kiên cường và chỉ để thua ở những tình huống quá khó.

3. Vắng những tình huống xuất thần

Quang Hải không thể vẽ nên những cầu vồng tuyệt sắc trên đất Indonesia.

Nói đến những tình huống xuất thần ở ASIAD của Olympic Việt Nam, ta chỉ có thể dẫn ra bàn thắng của Trần Minh Vương trong thất bại 1-3 trước đại diện xứ sở Kim Chi vừa qua. Trong khi đó, ngược thời gian về tháng 1, ta thấy ở đó là những bàn thắng từ những khoảnh khắc lóe sáng mang tính chất bước ngoặt như cú đánh đầu của Đức Chinh, của Văn Đức trong chiến thắng trước U23 Iraq ở trận Tứ kết, đặc biệt hơn là những siêu phẩm đến từ cái chân trái ma thuật của Quang Hải trong trận với U23 Hàn Quốc (vòng bảng), U23 Qatar (Bán kết) và Uzbekistan (Chung kết).

Nhìn nhận một cách khách quan, khi tiếp cận trận đấu với vị thế là đội bóng chiếu dưới, các học trò của HLV Park Hang-seo rất cần những phút tỏa sáng của các cá nhân trong những khoảnh khắc quan trọng. Chính vì thế, sự “thưa thớt” của những tình huống xuất thần đã khiến Olympic Việt Nam thi đấu có phần thiếu cảm hứng và phải dừng bước trước một đối thủ đẳng cấp.

4. Đối thủ đồng đều, giàu tham vọng

Không chỉ có Son Heung Min, các cầu thủ khác của Olympic Hàn Quốc cũng rất đẳng cấp.

Điều này rất dễ nhận thấy ở trận bán kết vừa qua khi mà Olympic Hàn Quốc đã đưa binh hùng, tướng mạnh để chinh chiến tại ASIAD. Những cầu thủ đã từng góp mặt cùng ĐTQG Hàn Quốc tại VCK World Cup vừa qua đã có mặt trên sân đấu. Đó là những cái tên đình đám như: Son Heung Min, Hwang Hee Chan, Lee Seung Woo, Jo Hyeon Woo, Hwang Ui Jo, Kim Moon Hwan. Sức ép từ nghĩa vụ quân sự đã khiến cho đội bóng xứ Kim Chi thi đấu hết sức trong trận đấu vừa qua.

5. Không còn giữ cái đầu lạnh

Trận thua trước đại diện đến từ Đông Á vừa qua, có thể nói, đây là lần đầu tiên đội bóng dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Park Hang-seo lại để thua chóng vánh đến thế. Có thời điểm, chúng ta đã bị dẫn trước đến 3 bàn trong khi vẫn chưa tạo được bất cứ cơ hội nào rõ nét trước khung thành của Jo Hyeon Woo. Phải đến phút thứ 71, Minh Vương mới lên tiếng bằng cú sút phạt siêu phẩm thành bàn và pha solo đáng chú ý của Công Phượng ở phút thứ 79.

Có thể thấy rằng, Olympic Việt Nam với bộ khung là những nhà Á Quân U23 châu lục đã không còn là chính mình trước lối đá điềm tĩnh, ung dung, đẳng cấp của Hàn Quốc và chúng ta thiếu đi sự sáng tạo cũng như những giây phút ngôi sao từ những nhân tố trên sân.

Các cầu thủ sẽ học được rất nhiều từ thất bại ở bán kết ASIAD 2018.

Cái đầu lạnh đã không còn, tập thể U23 Việt Nam tạo nên cơn địa chấn thật sự trên đất Trung Quốc là một tập thể thi đấu gắn kết, kiên trì trong phòng ngự và không để cho đối phương dẫn trước quá 1 bàn để rồi luôn biết cách vượt qua khó khăn bằng những màn rượt đuổi tỷ số ngoạn mục.

Nhìn lại U23 Việt Nam và ĐT Olympic Việt Nam, NHM không khỏi hối tiếc. Không chỉ vì sự khác biệt ở kết quả khi Olympic Việt Nam đã không thể đi đến trận đấu cuối cùng của giải, mà nó còn nằm ở những sự đổi thay không đi đúng theo lộ trình mà BLĐ cũng như CĐV nhà mong đợi. Nhưng sau thất bại, chắc chắn các cầu thủ chúng ta sẽ nhìn nhận được điểm yếu, sai lầm để từ đó tự rút kinh nghiệm, hoàn thiện mình. Dẫu sao, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn 1 trận đấu tranh HCĐ với để sửa sai.

Xa hơn, chúng ta vẫn là giải đấu hấp dẫn AFF Cup, nơi mà người yêu bóng đá Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng ở các cầu thủ cấp độ ĐTQG. Hãy hướng về tương lai và xem thất bại ngày hôm nay là một bước đệm cần thiết để tạo nên những kỳ tích tiếp theo.

Theo BongdaPlus

Các tin cũ hơn