UEFA sẽ ly khai khỏi FIFA?

Thứ sáu, 09/03/2012, 16:54
Những “chương trình nghị sự” liên tục diễn ra với sự góp mặt của các CLB hàng đầu châu Âu khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu đó chỉ là những buổi làm việc thông thường hay UEFA đang bật đèn xem để các CLB bóng đá lục địa già qua mặt FIFA.

Nếu nhìn vào những gì đang thực sự diễn ra thì một số người có thể tự tìm cho mình câu trả lời. Hiện nay Champions League, giải đấu hấp dẫn số 1 hành tinh, đang ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Hơn nữa nó lại nằm trong tay UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu), và người châu Âu có toàn quyền quyết định đối với “con gà đẻ trứng vàng” này.

Ước tính 90% sức hút của môn thể thao vua đến từ châu Âu

Nhờ có sự xuất hiện của nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu như Man Uid, AC Milan, Real Madrid hay Barcelona trong nhiều năm liền mà Champions League thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người hâm mộ cũng như những dòng tiền của các nhà tài trợ. UEFA nhờ vậy mà cũng được hưởng lợi không ít. Tuy nhiên sự can thiệp từ phía FIFA trong một số vấn đề khiến cho Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu (European Club Association - ECA) không hài lòng và có vẻ như họ đang tìm cách để có thể tự quyết những vấn đề của riêng họ.

Những dư luận không hay xung quanh việc chọn ra chủ nhà cho World Cup 2018 cũng như lần bầu cử chức chủ tịch FIFA đầy tai tiếng diễn ra vào năm ngoái lại càng khiến cho cơ quan quản lý bóng đá lớn nhất thế giới bị “mất điểm” nghiêm trọng. Giờ đây đã xuất hiện những ý kiến cho rằng các CLB châu Âu nên có nhiều quyền tự quyết định hơn, hoặc là toàn bộ nền bóng đá châu Âu ở cấp CLB được tách riêng hẳn, không còn dính líu tới FIFA nữa.

Nếu như khả năng thứ 2 xảy ra thì đó hẳn sẽ là một thảm họa cho FIFA bởi ước tính châu Âu tạo ra đến 90% sức hấp dẫn cho bóng đá thế giới, và cùng với đó là những nguồn lợi đáng kể về mặt tài chính. Ở châu Âu, người ta coi thành tích thi đấu của các CLB nhiều khi còn quan trọng hơn của đội tuyển quốc gia. Điều này khác hẳn so với ở các nước châu Phi, nơi mà chức VĐQG ở cấp CLB chẳng tạo ra được sự hứng thú cho người xem cũng như những nguồn lợi tài chính đáng kể nào.

Chính vì thế mà giải vô địch châu Phi được tổ chức 2 năm 1 lần chứ không phải là 4 năm 1 lần như giải vô địch châu Âu. Vì vậy trong trường hợp người châu Âu ra mặt thách thức FIFA thì cùng lắm là họ sẽ chỉ không được tham dự các giải đấu ở cấp đội tuyển quốc gia nữa, còn những trận cầu đỉnh cao ở cấp CLB vẫn cứ diễn ra bởi FIFA không đủ thẩm quyền can thiệp. Với lại nếu không còn các đội tuyển quốc gia cựu lục địa nữa thì còn ai muốn xem World Cup?!
 

Liệu bóng đá châu Âu có cần đến FIFA?

Ngay bản thân FIFA cũng đã tồn tại rất nhiều vấn đề, và một trong số đó là cơ cấu quản lí của tổ chức này đã không phát triển đủ nhanh để kịp thích ứng với sự bùng bổ về mặt thương mại và tài chính trong bóng đá. ECA cho rằng FIFA đã thành công trong việc góp phần đưa bóng đá trở thành môn thể thao được phổ biến nhất trên thế giới, và giờ là lúc những vị “chóp bu” của tổ chức này nên ngồi lại với nhau để soạn thảo và củng cố những điều luật có ích cho bóng đá, hơn là can thiệp vào những vấn đề riêng của mỗi khu vực. Liệu có một cuộc “đảo chính” nào xảy ra nếu như tình trạng hiện tại tiếp diễn?

Theo Dantri

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn