VPF gặp báo chí tại TPHCM: Vắng bóng các ông bầu

Thứ bảy, 10/03/2012, 10:04
Từ khi ra đời Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN gọi tắt là VPF, tổ chức này đã được Liên đoàn bóng đá VN giao trọng trách tổ chức hai giải đấu Super League và HNQG.  Sáng 9/3, tại TPHCM, VPF đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí về các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2012.


Đây là cuộc họp thứ hai sau khi VPF được thành lập. Cuộc họp được người của VFF và VPF cho rằng rất cần thiết và nên tổ chức định kỳ 2-3 tháng một lần để lắng nghe kịp thời phản biện của các cơ quan báo chí, những nhà báo làm chuyên môn góp phần làm giải đấu có những thay đổi tích cực, công tác tổ chức tốt hơn.

Tuy vậy, cuộc gặp mặt đã không có đầy đủ những nhân vật cốt cán mà giới chuyên môn kỳ vọng với sự có mặt của họ sẽ cho ra nhiều vấn đề hơn. Phía VFF, không có sự có mặt của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Phía VPF cũng không thấy bóng dáng những người đi tiên phong gây dựng tổ chức này như bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng. Đại diện VPF là Phó Tổng giám đốc Phạm Phú Hòa. Ngoài ra,  có thêm hai trưởng giải VĐQG là ông Trần Duy Ly và trưởng giải HNQG là ông Nguyễn Hữu Bàng.

Đại diện VPF đã cho khách mời xem hầu hết các clip bàn thắng từ vòng đấu thứ 5 đến thứ 8, các tình huống gây tranh cãi nổi cộm do sai sót của trọng tài. Ở bản tổng kết hai giải BĐCN sau 4 vòng đấu từ thứ 5 đến thứ 8, đã có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn 4 lượt trận đầu tiên. Số thẻ vàng, thẻ đỏ ở 4 lượt trận sau có chiều hướng giảm so với trước đó.

Lượng khán giả bình quân đến sân ngày càng đông hơn, trung bình ở giải VĐQG là 7.804 người/trận, giải HNQG là gần 2.200 người/trận. Bình quân số bàn thắng mỗi trận đấu lên đến 2,93 bàn/ trận. Trong đó, các cầu thủ nội đã chứng minh sự tiến bộ của mình. Tổng cộng, 32 cầu thủ nội đã góp 64 bàn thắng cho giải VĐQG….

 

VPF đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí
tại TPHCM
 - Ảnh Quang Nhựt


Ở phần chính là phần đặt câu hỏi cho các nhà tổ chức giải đấu, vấn đề bản quyền truyền hình được xem là nóng nhất và gây ầm ỹ, được dư luận quan tâm nhất trong thời gian qua đã không được những người trong cuộc giải đáp rõ. Khi được hỏi, người đại diện của VPF trong cuộc họp này là Phó tổng giám đốc Phạm Phú Hòa trả lời gọn lỏn: “Tôi không thể trả lời”.

Khi câu chuyện về bản quyền truyền hình không có câu trả lời thì vấn đề trọng tài trở thành chủ đề chính của buổi gặp mặt. Chính Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm đã thừa nhận, đội ngũ trọng tài còn nhiều sai sót nặng trong chuyên môn, ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của các đội bóng, còn giám sát vẫn chưa làm hết công việc báo cáo để rút kinh nghiệm cho những tồn tại của trọng tài lẫn giải đấu.

Nhưng ông Lâm cũng cho rằng đó là do lỗi chuyên môn chứ trọng tài không có vấn đề về tư tưởng. Đội ngũ trọng tài của giải đang rất mỏng, chỉ có 22 “vua”, trong đó không ít người còn non kinh nghiệm. Ông Lâm cho rằng sai sót đó là một phần của bóng đá và cần phải có những biện pháp nâng cao công tác trọng tài trong thời gian tới. Theo ông Lâm thì: “chỉ có ở VN, vấn đề trọng tài mới được thổi bùng lên như thế chứ điều này không có ở các nước khác. Sức ép của dư luận quá lớn nên dẫn đến tình trạng hiện nay ở các trận cầu đinh, trọng tài còn không dám bắt mà lấy nhiều lý do để xin nghỉ”.

Tại buổi họp, VPF cho biết đã phối hợp với cơ quan an ninh để bảm đảo an toàn trong tổ chức giải đấu và tính trong sạch của bóng đá VN. Ngoài ra, VPF đã thống nhất tìm nhà tài trợ cứu CLB đang trên bờ vực phá sản TP.HCM. Theo ông Phạm Phú Hòa, số tiền đó có thể là 5 tỷ đồng.

Sau cuộc gặp, nhà báo Nguyễn Nguyên, Báo Pháp luật TP.HCM đã bày tỏ quan điểm: “VPF làm được điều là chú ý tạo điều kiện cho khán giả đến sân và quảng bá rộng lớn hơn. Cái chưa được là nhiều cái về công tác chuyên môn, họ làm kém hơn rất nhiều so với mùa giải trước như công tác trọng tài, xử lý kỷ luật.

Việc một bộ máy không chạy đều tạo ra những khoảng hở và va đập, những điều đấy cần được chấn chỉnh để tổ chức giải tốt hơn. VPF khi được giao làm giải đấu này, họ quên đi một bộ máy sẽ hỗ trợ cho họ rất lớn là VFF. Tôi có cảm giác là VPF không màng đến, không nhờ đến VFF. Đó là 2 chủ thể tách biệt, tôi nghĩ rằng cả hai phải ngồi lại với nhau để tạo nên sự đồng thuận và có sự hợp tác tốt. Anh không thể đứng ra tổ chức một cái giải, lập bộ máy riêng chạy theo đường lối riêng, phủ nhận tất cả những thành tựu của 11 năm trước của BĐVN thì không bao giờ tổ chức được giải đấu tốt.

Vấn đề bản quyền tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của một vài cá nhân nhiều hơn. Trong VPF cũng có nhiều quan điểm trái ngược. Tôi không đồng ý với việc làm ầm ỹ với nhau như thế. Tôi ủng hộ anh Phó chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức với ý kiến chúng ta có thể ngồi lại với nhau, thậm chí uống với nhau một chai bia để rồi tìm ra được một hướng đi tốt hơn. Việc ầm ỹ, đấu đá, có lúc rất phi luật tạo ra một ảnh hưởng xấu. VPF cần rút kinh nghiệm về điều này”.

Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn