Bầu Đức tin VPF kiếm được 600 tỷ đồng/năm từ bản quyền truyền hình?
Thứ bảy, 21/04/2012, 08:41
Rất hào hứng sau khi VPF ‘đòi’ được thương quyền truyền hình từ AVG, bầu Đức đã nói nhỏ vào tai bầu Kiên về triển vọng VPF kiếm được 600 tỷ đồng mỗi năm từ việc khai thác bản quyền.
Sau khi tuyên bố VPF sẽ nắm thương quyền truyền hình 3 giải đấu (V-League, giải hạng Nhất và Cúp QG) kể từ vòng đấu tới, bầu Kiên đã tiết lộ cách thức VPF khai thác thương quyền và những triển vọng tươi sáng của phương thức mới này.
Bầu Kiên và bầu Đức tin VPF sẽ kiếm về cho bóng đá Việt Nam hơn 300 tỷ đồng
trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: VSI
“Bản quyền truyền hình là vấn đề kinh doanh, phải khai thác như thế nào cho hiệu quả nhất. Mỗi nước khai thác bản quyền theo một kiểu nhưng tựu chung lại là làm thế nào để làm ra nhiều tiền nhất.
V-League ra đời được 12 năm nhưng không một đài truyền hình nào khai thác được để sinh lãi, đó là một thiệt thòi lớn, kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam cần nhiều tiền để phát triển được. Bởi vậy, VPF xem bản quyền truyền hình là vấn đề quan trọng nhất,” bầu Kiên tuyên bố.
Theo phương thức khai thác thương quyền do bầu Kiên đề xuất, VPF sẽ lập ra Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, gồm 10 doanh nghiệp (điều kiện là có quy mô lớn, có ảnh hưởng tới xã hội, kinh doanh có hiệu quả và lợi nhuận tối thiểu mỗi năm 1000 tỷ đồng).
Mỗi doanh nghiệp sẽ đóng góp tối thiểu 10 tỷ đồng/năm cho bóng đá Việt Nam. Đổi lại, trong mỗi chương trình tường thuật trực tiếp các trận đấu sẽ có 20 phút dành cho quảng cáo các sản phẩm của 10 doanh nghiệp (trước, giữa và sau trận).
VPF sẽ thu lợi nhuận 15 phút quảng cáo, 5 phút còn lại được chia cho các đài với mức dao động từ 70-120 triệu đồng/trận.
VPF sẽ yêu cầu các đài truyền hình, nhất là đài quảng bá, phát sóng 'nguyên đai nguyên kiện' quảng cáo. Với VCTV và VTC, VPF sẽ đề nghị phát sóng trọn vẹn quảng cáo của mình (thay vì các đài mua sóng sạch rồi tự tìm quảng cáo dẫn tới thua lỗ như hiện nay).
“Tôi khẳng định đã có hơn 10 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Ngay cả AVG khai thác thương quyền truyền hình hiện nay vẫn lỗ, tôi tin phương thức khai thác của VPF là có hiệu quả nhất cho bóng đá,” bầu Kiên tuyên bố.
“VPF tin có thể đạt được lợi nhuận 50 tỷ/năm, đích ngắm là trên 100 tỷ/năm kể từ mùa giải 2013. Chúng tôi cũng tin rằng có thể đạt được lợi nhuận 300 tỷ đồng trong nhiệm kỳ của mình (nhiệm kỳ 4 năm - PV), trong khi tiền bản quyền hiện nay chỉ là 6 tỷ/năm,” bầu Kiên lạc quan nói. Xen ngang lời bầu Kiên, bầu Đức nói vui rằng VPF có thể kiếm được 600 tỷ đồng/năm, gấp 100 lần con số do AVG chi trả hiện nay.
Về vấn chia lợi nhuận cho AVG và dùng nguồn tiền thu được, Phó chủ tịch HĐQT VPF cho biết: “Các CLB là những người đầu tiên hưởng lợi, tiền khai thác thương quyền truyền hình sẽ được dùng để trang trải một phần chi phí cho họ.
Trong 5-10 ngày tới VPF sẽ công khai cách chia như thế nào. Phần trọng yếu sẽ được dùng để nuôi đội tuyển Việt Nam cũng như các đội tuyển trẻ. Hưởng lợi nhiều nhất là bóng đá Việt Nam, việc có 10 doanh nghiệp lớn vào quảng cáo sẽ giúp nâng tầm và mang lại nhiều lợi nhuận cho bóng đá Việt Nam”.
Bổ sung ý Kiến của bầu Kiên, bầu Đức (Phó chủ tịch HĐQT VPF) cho rằng: “Ước mơ của VPF là kiếm được lợi nhuận trên 100 tỷ mỗi năm và các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá để vào Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Cộng thêm 30 tỷ đồng do Eximbank tài trợ, VPF có thể thu được 150 tỷ/năm. Từ 6 tỷ tăng lên 150 tỷ, đó chính là lý do VPF đấu tranh vì bản quyền truyền hình”.
“Nhiều người hỏi VPF làm được gì cho bóng đá Việt Nam. Tôi xin trả lời, VPF bằng mọi giá kiếm nhiều tiền nhất và nâng giá trị cho bóng đá Việt Nam,” bầu Đức kết luận.