Người ta tính toán rằng, để đem về chiếc cúp địch đầu tiên cho Chelsea (2005) sau 50 năm đợi chờ, tỷ phú người Nga Abramovich đã phải bỏ ra khoảng hơn 200 triệu bảng trong 2 năm.
Cũng phương cách “dùng tiền mua cúp”, tháng 8/2008, tỷ phú dầu mỏ Sheikh Mansour quyết định đầu tư cho Man City. Chỉ khác, sau 2 mùa giải đầu tiên Man Xanh bỏ ra 250 triệu bảng nhưng vẫn trắng tay.
Dưới triều đại của HLV Roberto Mancini, ông trùm dầu mỏ tiếp tục chi thêm 150 triệu bảng để chiêu binh mãi mã. Đến lúc này Man City mới có được chức vô địch FA và vị trí thứ 3 ở Premiership 2010/11.
Mùa Hè này, Man City lại bỏ ra 82 triệu bảng và bây giờ họ đang tạm xếp vị trí thứ nhì sau 34 vòng đấu (kém 5 điểm so với Man United (88 điểm). Trong cuộc đua ấy, Man xanh đang tỏ ra lép vế trước Man Đỏ, nếu không nói cơ hội vô địch của thầy trò Mancini là rất nhỏ.
Có người từng ví von B.BD giống như Chelsea, còn SG.FC giống như Man City của Việt Nam. Nói vậy bởi, những đội bóng này đều “bạo chi” trên TTCN. Với nỗ lực đầu tư, B.BD từng thành công với 2 chức VĐQG 2007 và 2008. Thế nhưng, B.BD giống như chú gấu ngủ đông, khi tỉnh giấc, ngoái nhìn lại đã 3 năm trôi qua.
Để tìm lại ánh hào quang xưa, những ông chủ ở đất Thủ đã quyết định tái khởi động chiến dịch tìm lại ngôi vua. Khẩu hiệu “tiền không phải là vấn đề” đã được đưa ra.
Hàng loạt bản những bản hợp đồng kỷ lục đã được thực hiện. Trên con đường thực hiện tham vọng đó, họ sẵn sàng đá văng tất cả những lực cản vô hình và hữu hình. HLV Lê Thụy Hải, Leandro đã ra đi không một lời thương tiếc. Và chẳng ai nghĩ Việt Thắng - bản hợp đồng 8 tỷ đồng - được mua về chỉ để đem cho mượn.
SG.FC cũng đang thực hiện chiến dịch đi tắt đón đầu. Bầu Thụy mua lại suất của một đội hạng Nhất, đổi tên rồi nhập khẩu vào Sài Gòn. Sau đó vung tiền để xây dựng một dải thiên hà đầy rẫy ngôi sao. Đổi lại, SG.FC đã vô địch hạng Nhất, nhưng V-League thực sự là một sân chơi rất khác, nơi ấy cứ không phải có tiền là có thể “đè” được tất cả.
Cho đến thời điểm này đã có rất nhiều sự lí giải cho nguyên nhân “nắng mưa” của B.BD và SG.FC tại V-League 2012. Đó là những hệ lụy từ việc bất ổn “thượng tầng kiến trúc” cho đến những rắc rối trong phòng thay đồ, hay chuyện lương thưởng…
Đó chẳng phải là những chuyện lạ, bởi đây là 2 đội bóng không phải được xây bằng những nền móng vững chắc. Nói cách khác, có cảm giác B.BD và SG.FC đang sở hữu “11 miếng ghép” đắt giá, chứ chưa phải một khối Rubic. Thế nên, có thể coi đây là giai đoạn “vừa đi vừa dò đường” của 2 đại gia nhiều tiềm lực này.
Chelsea bỏ ra rất nhiều tiền nhưng phải mất 2 năm đội bóng thành London mới có được ngôi vô địch dưới bàn tay của “phù thủy” Mourinho. Những đồng đô-la của Man City đã rải khắp xứ sương mù nhưng vẫn chưa và có thể không được nổ champaine ở mùa bóng năm nay.
Ở V-League, HN.T&T với cú nhảy “tam cấp” từ giải hạng Ba lên một lèo V-League cũng đã thực hiện chiến dịch “lấy tiền đổi cúp” nhưng cũng phải mất tới 2 năm sau tham vọng đó mới thành (vô địch V-League năm 2010).
Nói như thế để thấy rằng, không phải cứ có tiền là mua được hạnh phúc. Vậy thì mùa bóng năm nay, B.BD và SG.FC không vô địch thì đó cũng chẳng phải là một điều ngạc nhiên.
Theo Bongdaplus