Bóng đá VN: Đã có thượng phương bảo kiếm

Thứ sáu, 27/04/2012, 14:15
Bóng đá Việt Nam vừa trải qua một tuần lễ biến động. Thậm chí, có chuyên gia còn đánh giá, đây mới thực sự là “bước ngoặt lịch sử”, hơn hẳn thời điểm VPF được thành lập.

Tin liên quan
>>Gương mặt khác của VPF
>>Các ông lớn của DN Việt chen chân vào VPF
>>VPF gặp báo chí tại TPHCM: Vắng bóng các ông bầu


Một hợp đồng kinh tế khổng lồ được chuyển giao. Một bản qui chế mới hết sức khắt khe và một se-ri những chuyến di chuyển như con thoi của những người đứng đầu VPF trong chiến dịch chống tiêu cực mà họ vừa khởi xướng.

Hiếm khi VFF lại cầu kỳ, tổ chức cả cuộc họp báo để giới thiệu bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Có rất nhiều điểm mới, thậm chí khác biệt trong bản quy chế được ví như thượng phương bảo kiếm, vốn đã phải nâng lên, đặt xuống rất nhiều lần mới được thông qua.
 

Bóng đá tử tế

Sự cải tiến trong bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp thể hiện ở nhiều điểm, trong đó nổi bật nhất là các quy định đối với CLB bóng chuyên nghiệp. Bằng chứng bản quy chế mới vạch ra lộ trình, từ mùa 2014, tất cả đội bóng dự V-League, giải hạng Nhất đều phải có Học viện bóng đá hoặc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (từ lứa U11 đến U19). “Kiến trúc sư” Phạm Ngọc Viễn cho rằng, nhiệm vụ trên là bắt buộc, bởi nó quyết định đến tương lai của bóng đá Việt Nam.

Trên thực tế, việc đòi hỏi phải tạo nguồn bóng đá trẻ không phải là điều gì quá mới mẻ. Bởi hơn 10 năm trước, VFF cũng đã từng đưa ra yêu cầu về vấn đề đào tạo trẻ. Nhưng V-League thời điểm ấy chỉ là thử nghiệm, cho nên, không phải đội bóng nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh, trừ một số “lò” đào tạo bóng đá trẻ như SLNA, Nam Định hay HAGL.
 

VFF đang siết lại việc 1 ông bầu có 2 đội bóng.

Yêu cầu làm bóng đá tử tế đã buộc các CLB từ mùa 2013 phải đăng ký tối thiểu 3 cầu thủ dưới 21 tuổi trong đội hình. Thậm chí trong 20 cầu thủ được đăng ký ra sân hoặc ngồi dự bị, cũng phải có tối thiểu 2 cầu thủ dưới 21 tuổi. Các nhà chuyên môn khẳng định, việc dồn sức cho bóng đá trẻ là tăng nội lực cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
 

Thượng phương bảo kiếm?

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 được thông qua trong sự mong chờ của rất nhiều người làm bóng đá. Tất nhiên, so với “bản nháp”, hàng loạt chi tiết đã được loại bỏ. Ví dụ như việc công nhận cầu thủ nước ngoài gốc Việt là nội binh, tuy vậy, đề nghị trên đã bị tuýt còi và cuối cùng, VFF phải gạt khỏi bản quy chế mới.

Dẫu sao, những điểm mới thể hiện trong bản quy chế cũng được người ta kỳ vọng, tạo ra sức bật mới cho bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn như kỳ vọng vào việc đặt nền tảng lâu dài từ bóng đá trẻ, bằng những quy định đối với một CLB chuyên nghiệp.

Cái khó ở chỗ, luật và thực tiễn đôi khi còn có những khoảng cách lớn, khiến người ta nghi ngại về tính khả thi. Nó thể hiện ở chế tài phạt những đội bóng có vấn đề, không đáp ứng yêu cầu về đào tạo trẻ, nhưng chỉ bị phạt từ 100-200 triệu đồng do hành vi không đáp ứng quy định trên.

Trong khi đó, khoản tiền mà các ông bầu đầu tư cho bóng đá lại quá lớn, thậm chí để thưởng nóng 1 trận đấu hay chiêu mộ 1 cầu thủ từ đội bóng mới, con số vài tỷ đồng chỉ như muối bỏ biển.

VFF muốn làm bóng đá tử tế, và bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp vừa được thông qua đã cố gắng đến gần với thực tế, điều kiện của bóng đá Việt Nam nhất. Nhưng biến đổi cho hoàn hảo, thực sự trở thành “thượng phương bảo kiếm” thì một sự ầm ĩ, rình rang trong ngày ra mắt chưa phải là thước đo.

Chờ thực tế trả lời!

Theo SGGP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn