Gương mặt khác của VPF

Thứ sáu, 27/04/2012, 07:59
Khi VPF mới ra đời đã có không ít nghi ngờ cho khả năng hoạt động thành công của tổ chức này. Cũng là dễ hiểu, bởi chẳng ai dám lập tức đặt cược niềm tin với cái mới. Nhưng qua 14 vòng đấu của mùa giải năm nay cũng thử nhìn nhận xem VPF đã làm được gì.


Tin liên quan
>>
Các ông lớn của DN Việt chen chân vào VPF
>>VPF gặp báo chí tại TPHCM: Vắng bóng các ông bầu


Trong các mùa giải trước, có rất nhiều quy định bất thành văn đối với các CLB. Mỗi khi lực lượng giám sát (GS), trọng tài (TT) đến sân địa phương làm việc, toàn bộ tiền kinh phí di chuyển, ăn ở đều do CLB phải chi trả. Đây là quy định BTC giải, vì lúc ấy VFF không biết trích kinh phí từ đâu để giúp các CLB trả lương cho TT. 

Nghiệt ngã ở nỗi, tiền bán vé với nhiều sân ở V-League hay giải hạng Nhất xem như chỉ để cho vui. Mấy CLB sống khỏe được nhờ tiền bán vé, nhất là các đội hạng Nhất. Ví dụ như XMF.Tây Ninh, tiền bán vé một trận chưa vượt quá 5 triệu. Vậy mà, BTC sân Tây Ninh phải chi từ 15-20 triệu sau mỗi trận đấu cho một tổ TT, GS. 

Tính trung bình một CLB sau 13 trận sân nhà cũng mất từ 200 triệu trở lên để trả tiền chế độ cho GS,TT. Nếu tính cả 14 đội bóng ở V-League hay hạng Nhất thì con số trên lên đến cả tỷ đồng. 



Trọng tài vẫn là vấn đề được quan tâm nhất của mùa giải 2012. Ảnh: V.V
 

Chưa kể việc CLB đưa đón GS, TT đi lại đôi khi khó tránh khỏi nảy sinh tiêu cực, nhức nhối nhất là nạn gửi tiền “bồi dưỡng” cho GS, TT để lấy quan hệ.

Từ chuyện đưa đón thân tình trở thành quan hệ qua lại có lợi cho cả 2 là một ranh giới rất mỏng manh, và tình trạng không ít CLB “chích” TT để có lợi cho mình xảy ra cũng vì lẽ ấy. Bóng đá ta, yếu tố tình cảm còn rất nặng nề. Khi đội bóng chăm sóc TT như “ông hoàng” thì lúc TT vào sân khó lòng lại nỡ bắt ép chủ nhà. 

Dĩ nhiên, khi khoảng cách đã được xóa bỏ, cảnh TT vòi vĩnh hay “bật đèn xanh” ngược lại với CLB cũng không phải không có. Bầu Long, bầu Tuấn của HP.HN từng tiết lộ việc trọng tài từng ngã giá 500 triệu đồng để giúp đội bóng Thủ đô trụ hạng mùa trước. 

Đến lúc VPF ra đời, đứng ra quán xuyến tổ chức – điều hành 2 giải chuyên nghiệp quốc gia, thông lệ ấy cũng bị dẹp bỏ. Một lãnh đạo VPF cho biết VPF đã có thêm nhiều việc kể từ khi đứng ra lo đài thọ tiền chế độ cho TT.

Vất vả thêm một chút nhưng VPF không còn lo chuyện quan hệ CLB và TT bị biến tướng, mà các CLB cũng an tâm ra sân thi đấu mà không lo việc cắt cử đưa đón, lo “trà dư, hậu tửu” cho lực lượng TT nữa. Phía đối diện, ban TT cũng như giới cầm còi cũng phân minh hơn trong công việc, không còn sợ ý kiến thiên vị CLB nào. 

Khi quan hệ giữa các bên có sự tách rời độc lập, tính trung thực, minh bạch các trận đấu càng cải thiện. Các CLB sẵn sàng phản biện với BTC và thậm chí với cả TT. Nhiều CLB sẵn sàng đóng góp ý kiến nhiều hơn để cải thiện chất lượng giải đấu, lẫn những vấn đề liên quan khác.

Mô hình cổ phần hóa giúp tiếng nói từ CLB nhỏ đến CLB lớn đều bình đẳng. Bản thân VPF làm tốt, V-League hay hạng Nhất cũng nâng cao giá trị, số tiền cổ phần hóa cũng tự nhân giá trị từ đó. 

Một điều đáng lưu ý khác, năm nay không một CLB nào phải nộp tiền lệ phí tham dự giải. Theo phép tính VPF, mỗi CLB mỗi năm chi gần một tỷ đồng cho việc nộp lệ phí và các khoản tiền khác. Mùa giải này, BTC mất trắng 28 tỷ, nhưng các CLB lại đỡ đi khoản kinh phí tốn kém trong thời điểm bão giá thế này. 

Còn một động thái nữa cũng có thể ghi nhận là VPF đã đóng góp 5 tỷ đồng giúp CLB TP.HCM vượt qua thời điểm khó khăn nhất, tưởng chừng đi đến phá sản.

Hay việc SLNA đồng lòng BTC để hoãn trận đấu vì SHB.ĐN bị ngộ độc thức ăn, thay vì chuyện HA.GL bắt đội bóng xứ Nghệ ra sân, dù đội chủ sân Vinh muốn tạm hoãn trận đấu để lo toàn tâm cho AFC Cup mùa trước. 

Nói chung, VPF vẫn cần nhiều động thái để chứng minh họ đã đủ năng lực, trí tuệ, bản lĩnh để điều hành giải đấu chuyên nghiệp VN. Nhưng, vẫn cần phải ghi nhận một số việc họ làm được, còn chưa hay không thể, dư luận sẽ là trọng tài công tâm nhất. 


Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn