“Đập đá” đi tập: Tàn tạ tương lai

Thứ hai, 17/09/2012, 10:02
Nhiều cầu thủ nói ma túy chỉ như một cuộc chơi để họ giải sầu, mà không biết rằng, nó còn là nấm mồ chờ sẵn để chôn vùi luôn sự nghiệp của họ.
 
Thú chơi “đập đá” đang hủy hoại sự nghiệp của nhiều cầu thủ (Ảnh minh họa)
 
Chôn vùi tài năng

Cách đây chừng 6-7 năm, P.H nổi lên như một trong những cầu thủ trẻ triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh tài năng trên sân cỏ, mái tóc bồng bềnh lãng tử, cộng với khuôn mặt điển trai, thư sinh, khiến cho P.H nhanh chóng trở thành cầu thủ đáng chú ý.

Anh nhanh chóng có tên trong đội Olympic rồi sau đó là ĐTQG, và được các chuyên gia dự đoán có đầy đủ tố chất để trở thành trụ cột của đội tuyển trong tương lai gần. Thậm chí, HLV Riedl khi tại vị còn nhận xét:

“Cứ đà này, có khi cậu ấy còn chơi hay hơn cả Công Minh”. Trong bối cảnh ấy, việc H được nhiều đội bóng lớn chú ý là chuyện đương nhiên. Và “Chelsea Việt Nam” – Bình Dương đã nhanh chóng có được chữ ký của cầu thủ này.

Việc chuyển đến một đội bóng khi ấy đang ở đỉnh cao phong độ, và rất có tham vọng, khiến ai cũng đều cho rằng sự nghiệp của P.H đã chuyển lên một nấc thang mới. Người ta tin rằng đó là môi trường thuận lợi để H có thể vươn lên một đẳng cấp khác.

Thế nhưng, chưa đầy 1 năm sau, mọi chuyện đã đi theo hướng mà ít ai ngờ tới. Không hiểu vì lý do gì, phong độ của P.H tụt dốc thảm hại. Anh liên tục phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Nhiều người cho rằng H mải mê cá độ, thành ra nợ nần chồng chất nên không thể tập trung thi đấu.

Nhưng tất nhiên anh hoàn toàn phủ nhận. Để cứu vãn sự nghiệp, P.H đầu quân cho Ninh Bình với một bản hợp đồng không đến nỗi nào. Nhưng chính anh có lẽ cũng không ngờ, đó lại là nơi chôn vùi hoàn toàn sự nghiệp của một tài năng sáng giá.

Bi kịch nối tiếp bi kịch, P.H không những không tìm lại được chính mình trên sân cỏ, mà mối quan hệ với một số cầu thủ dân chơi trong đội đã khiến anh hoàn toàn đổi khác. Nhiều dân chơi máu mặt ở Hà Nội kể lại rằng P.H và một số cầu thủ khác thường xuyên có mặt trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

H là một trong những cầu thủ ưa món “thuốc lắc” nhất, và đôi lúc dân chơi nhìn thấy anh “cắn kẹo” mà còn phải tròn mắt ngạc nhiên, vì “độ chơi” phải gấp mấy lần họ. Gần về sáng, khi “hết thuốc”, họ lại phải “đập đá” cho tỉnh, để sáng còn có mặt ở sân tập.

Nếu không, người sẽ mềm như bún và đứng lên còn khó, chứ đừng nói đến chạy. Cứ thế, chán đời, nhóm cầu thủ dân chơi của H cứ đêm này qua đêm khác đắm mình trong sự mê hoặc của ma túy. Họ bị lệ thuộc vào nó lúc nào không hay.

Và chính nó đã tàn phá họ từ lúc nào không biết. Lúc đầu còn giấu được đội bóng, nhưng sau đó, cơ thể cứ xanh xao, tiều tụy; ra sân chạy được trăm mét thì thở không ra hơi… và rồi ai trong đội bóng cũng biết chuyện. H bị đẩy đi ngay sau đó, cho đến giờ vẫn đang thất nghiệp. Tâm sự, H run run nói anh khao khát muốn làm lại tất cả từ đầu. Ở cái tuổi 27, quãng tuổi đẹp nhất trong đời mỗi cầu thủ, nhưng với H e là đã quá muộn rồi.

Tùy vào ý thức

Chuyện của P.H trong giới cầu thủ, nhất là những cầu thủ “thích” ma túy, ai cũng biết. Thế nhưng, đáng buồn là đa số không lấy đó làm bài học mà vẫn cứ đắm mình trong làn khói của “đá”. Phước, một dân chơi Sài Gòn nhưng thường “bay” ở Hà Nội lý giải vì sao cầu thủ lại thích “đập đá”

“Giờ cầu thủ chơi “lắc” với chơi “ke” xưa rồi. Tụi nó thích đập đá hơn, vì đập đá vừa có cảm giác phê, lại vừa tỉnh táo, không bị ai phát hiện. Nếu “đập” liều cao, có thể không ngủ trong 3-4 ngày và thậm chí là hơn nữa. Thế nên, nếu mệt mà hôm sau phải nuốt giáo án của HLV, cầu thủ thường thích đập đá để chống buồn ngủ và đảm bảo về thể lực tại thời điểm ấy. Nhưng chơi kiểu đó thường xuyên thì chết, sức mấy cũng không lại được”. 

Dường như, đó là lý do mà P.H cũng như nhiều cầu thủ khác tàn tạ đi nhanh chóng mà người thường không ai biết vì sao. Cũng như P.H, một số cầu thủ của Thanh Hóa, Ninh Bình, SLNA và cả ở hai đội bóng Hà Nội vẫn coi “đá” là một thú giải trí thời thượng.

Họ chơi quên cả tương lai và tất nhiên, sự nghiệp của họ cũng chỉ dừng lại ở đó để sẵn sàng… giật lùi. Có HLV chia sẻ: “Nhiều lúc đội bóng đã trót ký hợp đồng rồi mới biết cầu thủ chơi bời. Nên đành cố gắng bảo ban các em bỏ để tập trung vào mà thi đấu. Nhưng nói là nói thế, các cầu thủ có bỏ được hay không là chuyện khác vì không thể quản lý 100% thời gian được.

Cũng còn tùy vào ý thức và sự phấn đấu của các em thôi. Tương lai của mỗi cầu thủ nằm ở chính bản lĩnh và khả năng của họ. Nếu không, họ cũng chỉ như như kẻ bỏ đi thôi”.

 
Theo ANTD

Các tin cũ hơn