Cởi bỏ hình tượng quen thuộc trong Táo Quân mỗi dịp cuối năm, vẻ đạo mạo, thâm trầm của “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh được thay thế bởi hình ảnh một gã chồng bủn xỉn, hà tiện “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”.
Còn Chí Trung - vốn quen thuộc với cái mác là chuyên diễn “hài thâm” (hài trí tuệ) thì nay vào vai anh giao hàng đặc sệt chất nhà quê, tính tình chày bửa. Chí Trung - Quốc Khánh trong vai chủ nhà và người giao hàng đã có màn tung hứng hết sức thú vị.
Vốn được mệnh danh là “vua kiệt”, ông chủ nhà thấy vợ tiêu tiền quá tay, gọi người chở đến rất nhiều hàng hóa bèn nghĩ cách từ chối, xua đuổi bằng được. Trong khi đó anh giao hàng (Chí Trung) cũng không vừa, mang hàng vào trong nhà không được thì nhét qua ô cửa.
Hai người kẻ đẩy qua, người ném lại rất vui nhộn từ quả cà chua, mớ rau cần, củ cải... Chí Trung vừa nhét được từng quả trứng vào thì Quốc Khánh lại cho vào túi ròng dây thả ra đầy hài hước. Cho tới khi bà chủ nhà trở về, lão chồng hà tiện mới bị một vố đau điếng vì thói chi li của mình.
Cảnh trong phim "Vua kiệt thiệt thân" |
Mặc dù kịch bản khá phim khá đơn giản, nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh màn đối đáp, giằng co giữa ông chủ và người giao hàng, tuy nhiên sự xuất sắc của hai diễn viên hài “gạo cội” Chí Trung - Quốc Khánh khiến khán giả cười lăn, cười bò.
Quốc Khánh không mấy khó khăn khi hóa thân gã chồng “mặt tái” vừa già, vừa khó tính. Bộ ria “con kiến” dường như cũng trở thành điểm nhấn cho nhân vật của anh. Anh gây hài từ những phút đầu tiên của bộ phim, soi kính lúp khắp nhà chỉ để tìm chiếc kim gẫy, đổ nước mắm vào bình bú sữa của con để đong từng milimét cho chuẩn…
Ngược lại, anh giao hàng Chí Trung chọc cười với hình ảnh bụng phệ, áo hồng bó sát, mũ đỏ sặc sỡ. Thú vị nhất là giọng điệu đặc chất “hai lúa”: nói ngọng, dùng từ địa phương, chỉ nghe thôi đã phì cười.
Nghệ sĩ Chí Trung thể hiện rất rõ cá tính nhân vật: ngây ngô nhưng cũng rất chây lỳ, dai như đỉa, quyết ăn thua đủ với lão chủ nhà. Gương mặt anh bộc lộ nhiều nét biểu cảm đáng yêu, khi thộn mặt, cáu giận nói liến thoắng, lúc rạng rỡ vì nhận được tiền… Có thể nói sự lôi cuốn của màn tiểu phẩm này chủ yếu đến từ tài diễn xuất của diễn viên chứ không phải vì là một kịch bản đặc sắc.
Chí Trung với tạo hình nhân vật dí dỏm |
Sang đến “Vua hài xài nhạc chế”, tiếng cười không còn đã. Cặp đôi Chiến Thắng – Hiệp vịt vào vai anh nghiện rượu Chế “idol” suốt ngày lang thang hát hò ôm mộng làm ngôi sao ca sĩ và gã cờ bạc Bài “plaza”buôn bán đủ các loại hàng hóa thượng vàng hạ cám. Hai người bạn thân lâu ngày gặp lại, nổi hứng “chém gió” tung trời, tuy nhiên màn thoại đối đáp qua lại khá nhàm.
Cảnh trong "Vua hài xài nhạc chế" |
Một đặc trưng của hài Chiến Thắng đó là lối nói vần điệu, câu trước vần với câu sau, thi thoảng đan xen những tiết mục ca nhạc, một số ca khúc nổi tiếng đã được chế lời cho phù hợp với tiểu phẩm, ngay cả điệu nhảy gây sốt thế giới Gangnam style cũng được đưa vào.
Song, so với cặp đôi Quốc Khánh – Chí Trung thì Chiến Thắng – Hiệp vịt kém hơn về độ ăn ý, kết hợp và một lần nữa - khi duyên hài của nghệ sỹ chưa thực sự thu hút khán giả - vấn đề lại nằm ở kịch bản vẫn thiếu sự “mặn mà” để diễn viên có thể thỏa sức trổ tài.
Theo GDVN