“Xóm không chồng”

Thứ ba, 22/05/2012, 20:12
Giữa chốn tấp nập nơi thủ đô, vẫn có những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ nghèo khó về vật chất, họ còn mang gánh nặng nỗi đau về sự cô đơn, khi quá nửa đời người vẫn không có nổi một gia đình nguyên nghĩa. Buồn hơn, họ lại chính là những người phụ nữ một thời “vào sinh ra tử” nơi chiến trường…

>> “Xóm không chồng” đón tết
>> 15 tỷ = vợ, ai ngon nhào vô!

Nơi ấy có những cảnh đời…

Gọi là “xóm không chồng”, cũng bởi hơn 2/3 số gia đình trong xóm thiếu vắng tiếng nói của người đàn ông và cũng bởi xóm quá nghèo.

Đi ngoắt ngoéo trong con ngõ nhỏ, chúng tôi tìm đến cụm dân cư số 10, khu tập thể 819, Binh đoàn 11 (Khương Đình, quận Thanh Xuân, HN). Những hộ gia đình sống ở đây đều đã từng phục vụ trong binh đoàn. Tại các tổ 47, 48, 49 và 50 có nhiều “gia đình đơn” đang sinh sống. Trong đó, đặc biệt khó khăn là tổ 49, do cô Lê Thị Lan - cựu thanh niên xung phong (TNXP) - làm tổ trưởng.
 


Chị Thoa ngậm ngùi kể về cuộc sống


Trong số hơn 30 hộ thì có gần 1/3 là TNXP. Các chị khi trở về với đời thường, mỗi người được cấp nửa căn hộ theo diện Nhà nước và nhân dân cùng làm, rộng 9m2! Mỗi con người một số phận, một cuộc sống khác nhau, nhưng họ đều chung cảnh vò võ đơn chiếc. Quá lứa nhỡ thì, những phụ nữ này đành tự làm cột trụ, lo cho cuộc sống của chính mình và đảm luôn việc là  “nóc nhà” cho những đứa con các chị “tự đẻ, tự nuôi”.

Để tồn tại, họ phải làm đủ nghề mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Chiền tất tưởi cùng chiếc xe cà tàng đi thu mua đồng nát. Các chị Đặng Thị Thu, Nguyễn Thị An nhận giúp việc cho các gia đình. Một tay  kiếm sống, nuôi thân, có lúc đau ốm, rủi ro tai nạn, các chị lại tự cắn răng cố vượt cơn đau...

Theo chị Lan, cuộc sống của những phụ nữ trong xóm chật vật đủ đường, với mức lương hưu không quá 2 triệu đồng/tháng, nếu không chủ động kiếm thêm việc, sẽ không thể bám trụ nổi nơi thị thành. Trong căn nhà nhỏ như chuồng chim - nơi ăn ở của hai mẹ con chị An tại tổ 49 - mọi thứ đều chắp vá, từ cái nền nhà đến cái vì kèo trên nóc. Quê chị ở Hưng Yên, tuổi xuân của chị là hai lần đi TNXP, rong ruổi khắp Thái Nguyên, Vĩnh Phú rồi sang Lào, chịu mưa rừng gió núi khai thác nứa, làm đường... Rời chiến trường với thương tật mất 30% sức khỏe, cộng thêm căn bệnh đau đầu và di chứng bệnh sốt rét rừng, khiến chị khô quắt như gióng mía gầy bị ép sạch nước. Đành lòng ở vậy, nhưng khát khao được làm mẹ trong chị vẫn cồn cào... Một cuộc tình chóng

vánh để lại cho chị một cậu con trai làm niềm an ủi. Căn nhà vẻn vẹn 9m2, được chị cơi nới, chắp vá tứ phía để có chỗ mẹ con chui ra chui vào. Mỗi khi trời mưa, hai mẹ con thay nhau tát nước ra. Để sinh hoạt hằng ngày, chị phải mua hoặc đi xin từng can nước nhỏ. Cậu con trai cũng đã ngoài hai mươi tuổi, trông gầy còm ốm yếu vì ăn uống thiếu chất. Chị nghẹn ngào nhớ: “Cực, tủi vô cùng chú ạ. Có bữa con lên cơn sốt, ôm con trong tay mà không biết làm sao, đành tự đánh vật với cơn bệnh và cầu phúccủa trời...”.

…cần có sự sẻ chia

Cuộc vật lộn chống lại những thiệt thòi của số phận nhiều lúc làm các chị đuối sức, chỉ muốn “đầu hàng” về quê. Mỗi người một hoàn cảnh, những cựu nữ TNXP sống trong xóm nghèo phải dựa nhau để sống. Tiếp xúc với các chị, tôi nhận thấy một điều: Phải chăng vì cuộc sống khốn khó đủ điều, nên quan niệm cuộc sống với những người phụ nữ này thật giản đơn.

Chị Chiền với công việc thu mua đồng nát.


Hoàn cảnh của chị Thu sẽ khiến không ít người thấy xót xa, bởi cuộc sống của chị là chuỗi những tháng ngày cơ cực. Trở về sau nhiều năm cống hiến ở chiến trường, lúc có thời gian nghĩ đến hạnh phúc bản thân thì chị đã bước qua tuổi 30... Sống giữa chốn thị thành, chị phải gắng gượng kiếm tìm hạnh phúc nhỏ nhoi cho riêng mình. Sau, chị có một đứa con trai như một niềm an ủi.

Nhưng rồi, căn bệnh lao phổi nặng đã giết chết mọi hy vọng của chị Thu: Đứa con mà chị dành bao nhiêu công sức ấp ủ, nuôi nấng và là tương lai của chị đang phải đối diện với bệnh tật. Lúc con phải nhập viện, chị bàng hoàng biết được con có bệnh trong người nhưng lại nín lặng, chỉ bởi lẽ, thằng bé hiểu rằng, gia đình quá khó khăn nên nó đã cố tình giấu mẹ. 

Không xoay xở ra tiền để trả viện phí, nhìn đứa con quặn lên từng hồi bởi sự cắn xé của căn bệnh quái ác, lòng chị Thu như có dao cắt từng khúc ruột. Chị mong sao mình có thể gánh bệnh thay con... Nhưng lúc này, chị đã chẳng thể làm gì, lòng chị thắt lại từng khúc, khi nhìn đứa con đang chết mòn bởi căn bệnh quái ác...

Khó dùng một lời để diễn tả hết cho được nỗi vất vả và sự thiệt thòi của những cựu nữ TNXP, trong khi cuộc sống cứ mãi chảy trôi, thì các chị vẫn âm thầm chịu đựng và hy vọng vào đám trẻ sau này.
 

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn