Vấn đề đặt ra là việc tăng mức xử phạt có thay đổi được tình trạng ngoại tình hiện nay khi mà trong những năm qua việc xử phạt trường hợp ngoại tình là rất hiếm.
Mới đây dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp do Bộ Tư pháp xây dựng và đang lấy ý kiến về mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng được áp dụng đối với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Tương tự, những người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính... cũng được áp dụng theo khung phạt này.
Theo quy định hiện hành mức phạt tương ứng với các hành vi nêu trên là 100.000- 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến một triệu đồng có đủ sức săn đe? Ảnh minh họa |
Trao đổi với Phóng viên Infonet, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty luật Dragon cho biết Việc xử phạt hành vi ngoại tình tôi đồng tình ủng hộ, trong năm vừa rồi ly hôn xảy ra rất nhiều.
Từ ra Tết đến nay công ty đã tiếp nhận gần 200 vụ. Nó gần như một tiếng chuông báo động. Rất nhiều lý do dẫn đến ly hôn nhưng đa phần 70-80% liên quan đến việc phát hiện người thứ 3. Ngoài ra có khoảng 5% liên quan đến những mâu thuẫn, khúc mắc phát sinh trong cuộc sống riêng.
Chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến ngoại tình, do ghen tuông mà dẫn đến tự tử hay sát hại tình địch. Chính vì thế tăng mức phạt được đưa ra trong dự thảo là một việc làm nhằm chấn chỉnh lại tình trạng ngoại tình. Tuy nhiên, mức phạt như thế không phải là cao. Vấn đề quan trọng hơn tăng mức phạt rồi là làm thế nào để thực thi được nó.
Sau khi đề xuất tăng mức xử phạt ngoại tình từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đã khiến dư luận hết sức quan tâm, có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Trên các trang mạng xã hội cũng trao đổi rất sôi nổi.
Mặc dù dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt lên 1 triệu đồng nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng mức phạt như trên là quá thấp, quá rẻ và đề nghị tăng mức xử phạt lên chục triệu đồng.
Đồng tình với ý kiến tiền phạt chưa đủ sức răn đe, Luật sư Long cũng bày tỏ, đối với những người kinh doanh mức phạt chỉ từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng với họ là quá nhỏ liệu có đủ sức răn đe khi mà ngoại tình hiện nay đang diễn ra phổ biến và gây ra những hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên luật sư Long cũng chỉ rõ luật đã ban hành nhưng từ trước đến nay những trường hợp ngoại tình phải chịu phạt hành chính là đếm trên đầu ngón tay. Cho đến thời điểm này nó mới thực sự bung ra, mọi người mới chú ý và nhìn nhận cần phải có sự thiết thực, sát sao trong vấn đề pháp lý.
Nghiêm túc nhìn lại chúng ta cần phải đi sâu hơn, cần có hành lang riêng cho văn bản quy định vi phạm như thế nào, dấu hiệu vi phạm như thế nào là đủ cơ sở để khởi tố, phạt hành chính. Chẳng hạn phải quy định rõ từng thang bậc nếu phát hiện lấn 1, lần 2 mức phạt như thế nào và nếu vẫn vi phạm thì xử lý ra sao.
Việc tăng mức tiền phạt lên liệu có thể chấn chỉnh được tình trạng ngoại tình hay không? Cái quan trọng ở đây là chúng ta cần một sự đồng bộ, vào cuộc từ nhiều phía để thực thi việc phạt.
Từ trước đến nay khi phát hiện ngoại tình, nhiều người thường chọn cách hòa giải. Vấn đề này liên quan đến đời tư nên việc xử lý chưa mạnh tay. Bởi đối với đối với những người là cán bộ công chức, việc phạt hành chính là cả vấn đề danh dự, uy tín.
Phạt ít hay nhiều đó cũng chỉ là hình thức, nhưng thông qua đó để người ta có một cái nhìn đúng đắn hơn, tự điều chỉnh hành vi của mình. Cho dù ta đưa ra mức cao nhưng nếu như không có sự đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền, địa phương, cơ quan quản lý cá nhân thì khó mà xử lý.
Vấn đề mấu chốt là quy định rồi nhưng thực thi ra sao?
Theo Infonet