Thấm nước là điều không thể tránh khỏi
Theo ghi nhận của PV trong ngày 11/4 tại vị trí rò rỉ nước bên trong đường hầm, nước vẫn tiếp tục rỉ ra rồi tràn vào hệ thống cống bên trong hầm. Tuy lượng nước đọng bên trong hầm không nhiều như những ngày trước, nhưng tại vị trí rò rỉ lượng nước chảy ra vẫn không thay đổi.
Th.S Phạm Sanh cho rằng: “Các đốt hầm đã có tiền sử rạn nứt từ trước, khi nước thấm từ bên ngoài vào tác động đến kết cấu bê tông cốt thép, theo thời gian dài thì chuyện ngấm và rỉ nước như trên là điều không thể tránh khỏi. Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe thông tin này vì ngay trên bờ nó đã thấm rồi”.
Theo Th.S Phạm Sanh, rò rỉ nước trong hầm là điều không thể tránh khỏi |
Về các biện pháp xử lý chống thấm mà nhà thầu thực hiện trong suốt 1 năm qua, Th.S Phạm Sanh nhận định: “Biện pháp xử lý bằng cách khoan lỗ, bơm chất chống thấm vào như hiện nay cũng chỉ mới được thế giới áp dụng vài năm gần đây thôi, không ai dám khẳng định là nó sẽ không thấm lại. Với lại, đó chỉ là cách xử lý tình thế thôi, trám trét ở chỗ này thì sẽ thấm chỗ khác”.
Còn nhớ trong tháng 8/2012, khi hầm vượt sông Sài Gòn phát lộ hiện tượng thấm nước khi mới được đưa vào sử dụng 9 tháng, Th.S Phạm Sanh từng phát biểu trên báo rằng: “Nếu chúng ta bơm nhựa vào các khe thấm thì làm sao mà chèn chặt hết các kẽ hở nhỏ được. Qua thời gian dưới các tác động bên ngoài, các khe hở nhỏ này sẽ tiếp tục mở rộng và thấm trở lại là điều tất yếu!”. Và đến nay, điều đó có vẻ đang trở thành sự thật.
Chủ đầu tư im lặng
Vị trí xuất hiện vũng nước bất thường trong hầm vượt sông Sài Gòn đã được báo chí phản ánh từ sáng 10/4. Hiện tượng này đã xuất hiện từ ngày 9/4 nhưng đến ngày 11/4 vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Mỗi khi có xe máy chạy qua vị trí này có thể thấy rõ một ít nước rỉ lên bằng mắt thường.
Đến ngày 11/4, nước vẫn rỉ ra tại vị trí này |
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi thông tin hầm rò rỉ nước xuất hiện, lượng người qua hầm ít hơn hẳn so với ngày thường. Một số người dân khi được hỏi đã tỏ ra lo lắng về sự an toàn của đường hầm và cho biết sẽ đi vòng cầu Sài Gòn để đảm bảo an toàn nếu tình trạng này còn tiếp tục.
Th.S Phạm Sanh cho rằng: “Thấm ở đây là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là cách xử lý của chúng ta như thế nào. Theo tôi, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề để xây dựng nên mô hình giải quyết căn cơ sự cố này chứ không thể đối phó bằng cách thấm chỗ nào trét chỗ đó.
Bởi đây là công trình quy mô rất lớn, nhiều người theo dõi. Việc thấm nước không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và mỹ quan công trình mà còn tạo nên tâm lý e ngại cho người dân khi lưu thông qua đây”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM vẫn chưa đưa ra thông tin kết luận hiện tượng này, cơ quan này cũng né tránh trả lời báo chí.
Trước đó, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý khẳng định đã yêu cầu tư vấn, nhà thầu kiểm tra, làm rõ thông tin này để có thông tin phản hồi chính xác để làm yên lòng người dân. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin hồi âm.
Theo Dantri