|
Ảnh: Defence |
Nước Mỹ bất nhất về đàm phán với Triều Tiên
Tại cuộc họp Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington ngày 12/12, ngoại trưởng Rex Tillerson nói: “Về phương diện ngoại giao, chúng ta đã sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào mà Triều Tiên muốn đàm phán. Chúng ta đã sẵn sàng để có cuộc họp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson thời điểm đó được xem là tín hiệu của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm gác sang một bên những căng thẳng leo thang về các cuộc thử hạt nhân cũng như những cuộc chiến ngôn từ gần đây để cùng Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao.
Một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất khởi động đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, ngày 13/12 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên "không hề thay đổi", trong khi trước đó cùng ngày Nhà Trắng cũng bác bỏ đề xuất trên khi khẳng định Washington sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này thay đổi cách hành xử.
Phản ứng trước đề xuất của Ngoại trưởng Tillerson, cơ quan dưới quyền điều hành của ông lại khẳng định chính sách của Mỹ về Triều Tiên “vẫn không thay đổi”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh, Ngoại trưởng Tillerson “không tạo ra một chính sách mới, chính sách của chúng tôi vẫn như cũ. Chúng tôi duy trì kênh đối thoại khi Triều Tiên sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.
Bà Nauert khẳng định, Mỹ sẽ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên "vào thời điểm thích hợp", nhưng hiện điều này chưa thể diễn ra vì Bình Nhưỡng không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào về việc họ sẵn sàng ngừng hoạt động thử tên lửa và hạt nhân.
Bên cạnh đó, bà nêu rõ trước tiên phải có một “giai đoạn tĩnh”, trong đó Bình Nhưỡng dừng các vụ thử, sau đó mới có thể diễn ra bất cứ cuộc đàm phán nào.
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông H.R. McMaster ngày 13/12 cũng khẳng định rằng phi hạt nhân hóa là “mục tiêu duy nhất ở Triều Tiên”.
Trong một phản ứng tương tự, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Nhà Trắng khẳng định chính quyền Tổng thống Trump “nhất trí nhấn mạnh rằng bất kỳ đàm phán nào với Triều Tiên sẽ cần phải đợi cho đến khi Bình Nhưỡng cải thiện cơ bản về cách hành xử của mình”.
Theo đó, chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump là không thay đổi. Người phát ngôn NSC cũng tái khẳng định Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên, với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, song Bình Nhưỡng “trước hết cần ngừng khiêu khích cũng như có các hành động chân thành đối với tiến trình phi hạt nhân hóa”.
Nga, Trung Quốc mừng hụt
Điện Kremlin ngày 13/12 nhấn mạnh Nga hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, đồng thời coi đây là cách tiếp tận mang tính xây dựng của Mỹ.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết sự thay đổi lập trường của Mỹ phù hợp với những kêu gọi liên tiếp của Moscow trước đây rằng Washington nên kiềm chế trong các phản ứng liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên tiếng hưởng ứng phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bằng việc kêu gọi Washington thúc đẩy tiếp xúc và đối thoại với Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi đã ghi nhận phát biểu của ông Tillerson. Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay luôn giữ lập trưởng ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy đối thoại để giải quyết vấn đề”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon khẳng định, Seoul sẵn sàng giúp Triều Tiên ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và đạt được những đảm bảo về an ninh thông qua việc hợp tác với các nước láng giềng.
Ông Cho kêu gọi Triều Tiên chấm dứt nghi ngờ về những nỗ lực của phía Hàn Quốc, đồng thời khẳng định hai miền Triều Tiên có thể chung sống trong hòa bình và thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Triều Tiên sắp thử hạt nhân
Dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh, Joseph Bermudez Jr, Jack Liu và Frank Pabian, ba chuyên gia phân tích tình hình bán đảo Triều Tiên của 38North ngày 11/12 nhận định “có các hoạt động diễn ra với tần suất cao” tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên.
Các hoạt động tập trung chủ yếu ở cổng tây bãi thử thay vì cổng bắc, nơi từng diễn ra các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên, trong đó có lần thử thứ sáu, uy lực nhất, hồi tháng 9.
Tại cổng tây, nhiều phương tiện và công nhân xuất hiện thường xuyên, có sự di chuyển của xe chở đất đá.
“Điều này cho thấy Triều Tiên đang đào hầm ở cổng Tây, có thể chuẩn bị cho lần thử hạt nhân tiếp theo”, ba nhà phân tích nhận định.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ryan Barenklau, cộng tác với 38North, quá trình chuẩn bị cho lần thử hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên ước tính cần một năm hoặc hơn.
Theo Tiền Phong