|
Tiến sĩ Vũ Thu Hương |
Trước đề xuất của Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh. TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, bà không đồng tình với ý kiến loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn.
“Tôi không đồng ý cắt đi tác phẩm mà là bổ sung thêm. Trẻ Việt Nam có thực sự bị ảnh hưởng?”- TS Vũ Thu Hương đặt câu hỏi.
Một tác phẩm tuyệt vời như thế, sao lại cách ly với học sinh?
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, “Chí Phèo”- một các phẩm tuyệt vời như thế, sao lại cách ly với học sinh?
“Tác phẩm Chí Phèo đã ở sách giáo khoa văn từ hồi chúng tôi học đến giờ có phải là bây giờ mới có đâu? Tôi nghĩ việc đưa tác phẩm văn học nào vào chương trình các nhà khoa học đã nghiên cứu đầy đủ rồi. Họ làm từ chương trình năm 1990, giờ đâu phải mới là lúc xem xét lại đâu”- TS Vũ Thu Hương ý kiến.
Cũng theo TS Hương, giáo dục, đặc biệt là giáo dục trung học, nghĩa là chuẩn bị ra ngoài đời chiến đấu. Cuộc đời không hề trong vắt, sạch sẽ như trong trường lớp. Nhà giáo dục là người phải đào tạo được những con người trưởng thành và hoàn toàn miễn dịch với mọi thứ xấu xa mặc dù có thể phải sống chung với nó.
“Tôi chỉ phân tích về khía cạnh anh ấy phản biện thôi. Quan điểm của tôi về giáo dục không phải cứ bịt mắt trẻ dắt đi như ngựa thì sau này con sẽ ngoan, thậm chí con có thể chạy tung tóe, phá loạn xạ khi được thả ra. Còn dĩ nhiên, tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao, không một học sinh nào hiểu sai, hoặc bị nhiễm thói hư tật xấu từ tác phẩm này”- TS Hương nêu quan điểm.
Cũng theo TS Hương, tác phẩm có quá nhiều câu văn sâu sắc đậm nghĩa như câu: “Ai cho tôi lương thiện?”. Những câu nói gần như bất lực kiểu vậy đến giờ các bố mẹ (sau vài chục năm học tác phẩm) vẫn trích dẫn để thốt lên khi bất lực trước việc gì đó.
“Như thế, có thể thấy học sinh không hề hiểu sai ý của tác giả và tác phẩm "Chí Phèo" là một tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học sinh. Một tác phẩm tuyệt vời như thế, tại sao lại cách ly với học sinh chứ?”- TS Hương nói.
TS Hương cho rằng, việc quan trọng không phải là cách cắt giảm tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa lớp 11 mà là bổ sung tài liệu và thay đổi cách học.
“Học sinh ở mình đọc quá ít. Việc học vài tác phẩm đó thật sự không đủ cho các em hiểu về văn học. Học sinh cấp 2 của thế giới mỗi năm đọc vài tác phẩm nổi tiếng trên thế giới trong hè. Không chỉ đọc mà học sinh còn ghi cảm nghĩ về các tác phẩm đó. Ở Việt Nam mình học sinh đâu có được thế?”- TS Hương nói.
Học sinh Việt Nam: học quá ít hay quá tải?
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ThS. Nguyễn Sóng Hiền (nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục - Trường ĐH Newcastle, Australia), người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi chương trình SGK Ngữ văn lớp 11 tin rằng nếu đứng trên quan điểm giáo dục sự loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình là hoàn toàn hợp lý.
TS Vũ Thu Hương nêu ý kiến, đây là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 30-45 và truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.
Đánh giá chung về việc những tác phẩm như "Chí Phèo" vẫn nên xuất hiện trong sách giáo khoa, TS Hương cho rằng, tác phẩm này vẫn đương nhiên cần và học sinh ở Việt Nam còn cần học thêm các tác phẩm nổi tiếng như “Cuốn theo chiều gió”, “Jen Ero”, “Đồi gió hú”,… để các em cần hiểu thêm về văn học thế giới.
TS Hương cho rằng, giáo dục Việt Nam gặp vấn đề ở cấp tiểu học nhiều hơn là cấp 2, 3. Thực tế, học sinh học không hề quá tải mà chỉ bị thiên lệch như thiên về bài tập và một số môn học chủ chốt còn các môn khác thì đều quá nhẹ, thậm chí là nhẹ hơn thế giới nhiều nhiều lần.
“Vấn đề ở chỗ, học sinh Việt Nam hiện chỉ tập trung rèn bài tập và thách đố nhau về bài tập. Thực tế, học sinh Việt Nam nếu hỏi về văn hóa Phục hưng; lịch sử Châu Âu; tác phẩm nghệ thuật Mona Liza đẹp ở chỗ nào; tại sao Mozart, Bethoven lại là thiên tài âm nhạc hay nhạc họ hay thế nào… thì học sinh không biết. Trong khi đó bọn trẻ con nước ngoài đọc rất nhiều và còn viết cảm nhận, hiểu biết của bản thân về những tác phẩm đó”- TS Hương nhấn mạnh.
TS Hương cho rằng, vấn đề ở hiện tại không phải bàn là loại bỏ “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa và vấn đề trả lời được câu hỏi: Tại sao học sinh ở Việt Nam học và biết quá ít trong khi đó lại vẫn bị quá tải?
“Vấn đề được giải quyết nếu có sự chủ động của giáo viên và học sinh. Vì cách dạy kiểu hiện tại học sinh học ít và lại bị áp lực, thụ động. Trẻ Việt Nam học thực sự có bị quá tải không hay chỉ bị hành hạ bởi thành tích và bài tập?”- TS Hương băn khoăn.
TS Hương cũng cho rằng, giáo dục cần tôn trọng trẻ em hơn. Nếu cứ dạy kiểu áp đặt và thuộc lòng như thế này thì chỉ vài tác phẩm như trong sách hiện tại vẫn là quá tải. Tuy nhiên, nếu học sinh được hướng dẫn nghiên cứu và tự học hỏi thì chỉ vài tác phẩm trong sách giáo khoa như hiện nay vẫn là quá ít.
“Trẻ em Việt Nam đang bị ép lặp lại những gì người lớn nói chứ không phải là học kiểu tự nghiên cứu và tự bổ sung nên nếu nói các em bị học quá tải là đúng. Nhưng chính vì vậy, học xong thi xong là học sinh mới quên hết và không biết gì”- TS Hương nói.
TS Hương nêu quan điểm, học sinh là sản phẩm của giáo dục. Thế nên, khi thay đổi cách đánh giá, học sinh lại nháo nhào đi học theo cách mới. Muốn thay đổi giáo dục, bà Hương cho rằng, chúng ta không cần một chương trình quá lớn nhưng cần nhất là mọi giáo viên được tự do giảng dạy, phụ huynh tôn trọng và hợp tác với giáo viên.
“Chúng ta cần một phương án cụ thể, cẩn trọng, chứ không phải là phải thay đổi chương trình. Cũng vẫn là dạy tác phẩm "Chí Phèo" nhưng giáo viên cần cho học sinh đọc, học nhiều tác phẩm thế giới khác nữa để có cái đánh giá tổng quát hơn. Ví dụ, giáo viên yêu cầu học sinh đưa ý kiến và so sánh với các nhân vật tương đồng trong các tác phẩm nổi tiếng thế giới cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris”, “Những người khốn khổ”, “Túp lều bác Tôm”,… xem học sinh biết và phản ứng gì trong trường tác phẩm những người cùng khổ đó”- TS Hương chia sẻ.
Theo Tiền Phong