Theo đó, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) cần nghiên cứu và điều chỉnh thời gian tàu đường sắt đi và đến TP. HCM hạn chế vào các giờ cao điểm buổi sáng (6h đến 8h) và buổi chiều (16h đến 20h). Sở đề nghị thực hiện ngay đối với các đầu tàu lưu thông không kéo theo toa tàu.
Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các đường ngang giao cắt với đường ray mỗi khi có tàu chạy qua. |
Sở Giao thông TP. HCM cho hay, dù thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm đường ngang giao cắt đường ray, nhưng do mật độ phương tiện lưu thông rất lớn, nhất là trong giờ cao điểm nên mỗi khi tàu chạy qua các vị trí giao cắt là lại gây ra ùn tắc, đặc biệt tại đường Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ, quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân.
Trong khi đó, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đã chuyển nhiều đoàn tàu Thống Nhất khởi hành vào ban đêm từ ga Sài Gòn hoặc đến ga Sài Gòn vào 4-5h sáng. Tuy nhiên, do đây là tuyến đường độc đạo (đường sắt đơn) và các đoàn tàu về đến ga là đường cụt nên việc sắp xếp cũng như bố trí các đoàn tàu tránh lưu thông vào ban ngày hoặc tránh đi vào giờ cao điểm rất khó khăn.
Nhằm giảm áp lực giao thông ở TP. HCM, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang chuẩn bị đầu tư xây dựng trạm đầu máy tàu hàng ở ga Sóng Thần. Cuối năm 2014 hoặc đầu 2015, khi trạm hoạt động, các tàu hàng sẽ được xử lý ngay tại ga Sóng Thần, giảm được số lượng tàu hàng ra vào ga Sài Gòn.
Cũng theo cơ quan này, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) về ga Sài Gòn. Khi hoàn thành, tình hình ùn tắc tại các vị trí đường sắt cắt ngang đường bộ ở TP. HCM mới được giải quyết.
Tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và giao cắt với đường bộ tại 26 vị trí. Mỗi khi có tàu qua, các khu vực này được chặn lại để đảm bảo an toàn khiến ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Theo VNE