Nhân mùa Vu lan bàn về đạo hiếu

Thứ tư, 21/08/2013, 08:02
Đạo hiếu, những ngàn năm dựng nước. Đạo hiếu cũng là đạo Phật, đã nòng cốt đóng góp công sức vào sự nghiệp giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm qua của Việt Nam. Sao lại có chuyện lạ như thế?

Sâu hơn và cao hơn

Lâu nay, người ta thường nghĩ đạo hiếu là đạo của gia đình, của những người con - đối với cha mẹ - trong gia đình. Nó vừa là một thứ tình cảm (thể hiện thành hành động) vừa là một quy tắc ứng xử giữa hai đối tượng - cha mẹ và con cái trong gia đình. Thành kiến trước nay thì như vậy.

Nhưng nếu suy cho sâu nghĩ cho kỹ, thì vai tuồng của đạo hiếu không chỉ có thế, hạn chế trong phạm vi gia đình, nó lớn hơn nhiều, sâu hơn nhiều, cao hơn nhiều, rộng hơn nhiều, ảnh hưởng ra khắp xã hội, khắp đất nước.

Vấn đề có lẽ lạ, nhưng sự thật là như thế đó, chúng ta thử tìm hiểu xem.

bat hieu

Phật tử chùa Minh Pháp ở TP. Yên Bái thực hiện nghi lễ cài bông hồng lên áo nhân dịp Vu lan 2013.

Trước hết, có phải chúng ta đồng ý với nhau rằng: Xã hội, hay đất nước chỉ là “con số tổng số” của cái gọi là gia đình hay không? Gia đình là đơn vị, nhiều gia đình gom lại thành ra xã hội, thành ra đất nước. Nhận thức này, thực tiễn này, vô hình trung là câu trả lời chính xác cho vấn đề đặt ra trên kia, gia đình là một đơn vị của xã hội, của đất nước, gia đình cũng chính là xã hội, là đất nước vậy!

Vậy thì, chữ hiếu, đạo hiếu, tuy bắt đầu là một yếu tố của gia đình, về sau đã nghiễm nhiên trở thành một yếu tố của xã hội, của đất nước. Cụ thể, nếu trong nhà có đạo hiếu tốt, thì ngoài xã hội, ngoài đất nước cũng sẽ có đạo hiếu tốt.

Mà đạo hiếu, cái đạo làm cho con cái biết thương yêu, nhớ ơn, thờ kính cha mẹ, luôn ôm ấp mối tình thiết tha báo đáp đối với đấng sinh thành, đương nhiên sẽ tạo nên những thành viên tốt của xã hội, công dân tốt của đất nước, lại phải nói thêm rằng: Tạo nên những “tín đồ” tốt của đạo Giáo nữa.

Thử nghĩ mà xem: Một người không có hiếu với cha mẹ thì làm sao có thể “có hiếu” (ở đây có nghĩa là trung) với đất nước được? Làm sao có thể “có hiếu” (ở đây có nghĩa là thành - tín thành) với đạo Giáo, với “đấng Tối Cao”, đấng Thế Tôn được?

Con người không có hiếu với đấng sinh thành thì đã thấp hơn thú vật, đã vô cảm rồi. Đã vô cảm, làm sao có thể có tình cảm trung thành, tín mộ được?

Xét như vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng: Chữ hiếu, niềm hiếu, đạo hiếu chính là nền tảng, không chỉ của gia đình mà còn của đất nước, của cả tôn giáo nữa.

Thử liếc mắt nhìn một vòng vào lịch sử của một dân tộc cũng như của thế giới - chúng ta sẽ thấy những bằng chứng về điều đó, chúng ta sẽ thấy rằng không có một vị anh hùng nào, vĩ nhân nào, đế vương nào, thánh nhân nào mà căn bản không phải là “người con hiếu” cả.

Trước khi trở thành anh hùng, thánh đế, thánh nhân, anh phải là người con hiếu đã.

Người bất hiếu không thể trở thành anh hùng được, bất quá chỉ trở thành gian hùng thôi, không thể trở thành thánh đế, thánh nhân gì gì được!

Những đứa con bất hiếu chỉ có thể trở thành bạo chúa Nero (Nero - Hoàng đế La Mã cổ đại giết mẹ), truyền thuyết nói thế!

Bạo chúa Tần Thủy Hoàng (Tần Thủy Hoàng giết bố mẹ) truyền thuyết nói thế!

Tóm lại, không có đứa con bất hiếu nào tạo nên vĩ nghiệp cứu thế độ nhân cả. May mắn chỉ tạo nên ác nghiệp thương luân bại lý mà thôi.

Cứ từ đó mà suy ra: Một cá nhân không giữ tròn đạo hiếu, không có niềm hiếu trong lòng, cá nhân ấy hỏng.

Cũng thế, một quốc gia, một dân tộc không lấy đạo hiếu làm đầu - làm nền tảng - quốc gia ấy, dân tộc ấy sẽ sớm đi đến chỗ bại vong.

Đạo Giáo cũng thế thôi! Nếu có một đạo pháp phủ nhận ân đức sinh thành đạo Giáo ấy đã tự mình rời bỏ nhân tín, sẽ không phải là chính đạo, không phải là đạo của con người, sẽ chẳng cứu rỗi được ai.

Hiếu là chính đạo

May quá, từ những ngàn năm, Việt Nam - cùng với một số nước đồng văn khác, đã đồng hành với những mối đạo tuyệt vời, những mối đạo rất nên nhân bản, nhân văn. Những mối đạo ấy, nổi bật là Nho, Phật, Lão. Ba mối đạo tiêu biểu này, tuy ở phần “tán vạn thù” thì có rẽ ra nhiều hướng khác nhau, nhưng ở phần căn bản, phần “quy nhất thể” thì cũng là một: Đó là đạo hiếu.

Nho nhắc nhở bà con đạo hiếu, Lão nhắc nhở bà con đạo hiếu, Phật nhắc nhở bà con đạo hiếu.

Vì sao? Vì đạo, vì chánh đạo, chính là thiên tín, là chân tín, là nhân vật tín vậy!

Mà thiên tín, chân tín, nhân tín, cốt tủy của nó, tinh hoa của nó chính là hiếu đạo, là hiếu cảm, là hiếu tình. Có hiếu là có tất cả (những gì tốt đẹp nhất).

Một mối đạo được gọi là chính đạo khi nào nội dung của nó bao hàm quán xuyến được cái gọi là thiên tín, chân tín thì không có gì hiện hữu mãnh liệt tròn đầy hơn hiếu cảm, hiếu tình.

Nó khiến cho mỗi cá thể nhân loại dù ở không gian nào, thời gian nào, căn bản cũng tự hữu trong tâm mình một niềm thương yêu trời bể đối với cha mẹ, một niềm thương yêu không hề thay đổi, không hề vơi bớt, cứ mãi mãi như thị, mãi mãi thường hằng.

Chính vì nắm bắt được cái tâm nói trên - niềm hiếu nói trên - mà ba mối đạo Phật - Nho - Lão đã luôn hoằng bá, xiển dương được những gì là chính đạo cho nhân quần, đem lại phúc bình an và hơn thế nữa - độc lập tự do cho nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.

Mà trong ba mối đạo đó, mối đạo coi trọng đạo hiếu hơn cả, coi đạo hiếu như là một với chính mình, phải nói đó là Phật giáo. Đạo hiếu bàn bạc trong từng lời kinh Phật, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, mọi lời giảng dạy của Đức Thế Tôn đều không rời hiếu đạo, hiếu cảm, hiếu tình.

Người ta phải ăn ở cho phải đạo, hiếu cảm, hiếu tình. Người ta phải ăn ở cho phải đạo, phải duy tuệ thị nghiệp, phải vượt qua chính mình để thành quả giác ngộ…

Tất cả những nỗ lực ấy, động lực của chúng, chính là hiếu cảm, hiếu tình vậy.

Mục Kiền Liên thành La Hán, trước hết là để cứu mẹ lỗi lầm. Vì vậy mà có lễ Vu lan, để chúng ta có ngày của mẹ.

Đức Phật quyết tâm thành Phật, động cơ lớn nhất thúc giục ngài cũng là tấm lòng báo hiếu.

Và riêng dân tộc Việt, sở dĩ không mất bản sắc, không mất nước, cũng chính là do đạo hiếu dạt dào sâu thẳm trong con tim, trong mỗi cuộc đời. Cho nên chúng ta hãy hơn bao giờ hết, tôn vinh đạo hiếu, đã góp phần to lớn nhất trong sự nghiệp giữ nước những nghìn năm nay - cũng như mãi mãi những nghìn năm mai hậu.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn