Đồng tiền đã "dắt mũi" phim Việt?

Thứ năm, 06/06/2013, 11:07
Hậu LHP Cannes, khán giả châu Á vẫn trầm trồ trước thắng lợi mang tính bước ngoặt của điện ảnh châu Á. Điện ảnh Nhật đoạt giải Vàng của BGK, Trung Quốc đoạt giải kịch bản, Singapore đoạt giải Phim truyện đầu tay xuất sắc, đến cả điện ảnh Campuchia cũng có giải!
Chỉ có điện ảnh Việt là "nhếch nhác" đến chầu rìa ở LHP Cannes theo lời mời của một... hãng rượu!
 
Chia sẻ bên lề LHP Quốc tế Hà Nội hồi tháng 11/2012, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh từng bày tỏ quan điểm, ông cảm thấy lo lắng khi điện ảnh Việt hiện đang mải mê chạy theo đồng tiền và “đánh rơi” mất bản sắc cũng như sự sáng tạo. Đạo diễn của Bao giờ cho đến tháng mười cho rằng: “Đã làm nghệ thuật cứ dính đến tiền là hỏng!”.
 
Thực tế, từ nhiều năm nay, phim Việt nào ra rạp cũng bươn bải lo doanh thu, tiền vé. Sức ép của đồng tiền đã tiếp tay cho những bộ phim hài nhảm xuất hiện tràn lan. Những “thảm họa điện ảnh” nối nhau chào hàng, bán vé. Chia sẻ quanh đề tài lợi nhuận, sức ép doanh thu của mỗi dự án phim, đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Tôi được nhà sản xuất đầu tư, tôi buộc phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ. Chỉ khi nào tôi có đủ tiền, tự bỏ tiền túi ra làm phim, lúc ấy mới có thể tính chuyện làm phim khác đi…”.
 
Đạt doanh thu kỷ lục, nhưng Mỹ nhân kế bị giới phê bình chê tơi tả
 
Đạt doanh thu kỷ lục, nhưng "Mỹ nhân kế" bị giới phê bình chê tơi tả

Hay như đạo diễn Charlie Nguyễn đã thành thật bày tỏ về thực trạng sản xuất, “Trong bối cảnh làm phim hiện tại, nếu tôi mang một kịch bản phim (tạm gọi) là dòng phim nghệ thuật đến chào hàng các nhà đầu tư, họ sẽ từ chối ngay. Nhà sản xuất- họ là những người làm kinh doanh, họ luôn quan tâm đến việc sinh lời của đồng vốn. Họ chỉ đồng ý đầu tư cho những kịch bản phim mà họ nhìn thấy lời lãi, hay ít nhất, họ nhìn thấy sự an toàn ở trong đó. Làm phim nghệ thuật ở thị trường phim Việt Nam bây giờ là một sự mạo hiểm”.

Quẩn quanh với mối lo “cơm áo gạo tiền”, các đạo diễn Việt gần như đã “ám ảnh” việc xoay vòng vốn và sinh lời cho đồng tiền vốn của nhà sản xuất. Nguyễn Quang Dũng cho ra rạp “Mỹ nhân kế”, dù doanh thu “khủng” lập kỷ lục tới gần 60 tỷ đồng, phim vẫn bị giới phê bình chê tơi tả về độ nhạt nhẽo. Charlie Nguyễn hiện rối bời với phim “Bụi đời chợ Lớn” khi những cảnh võ thuật đánh đấm nhằm bán vé lại bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia kêu ca là quá bạo lực.

Điện ảnh Việt đã rơi vào bế tắc. Bế tắc trong sự quẩn quanh của đồng tiền. Bế tắc trong cả sự sáng tạo, mới mẻ. Người ta không còn nhìn thấy bất cứ cá tính, đột phá nào trong các dự án phim. Đến những đạo diễn có tên tuổi với điện ảnh Việt như Lê Hoàng, Phi Tiến Sơn cũng “trình làng” những bộ phim bị la ó. Thậm chí, “Cát nóng” của Lê Hoàng, và “Đam mê” của Phi Tiến Sơn còn bị ví là sự xấu hổ của điện ảnh Việt tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2012.
 
Năm 2012 chứng kiến sự thê thảm của hàng loạt phim Việt
 
Năm 2012 chứng kiến sự "thê thảm" của hàng loạt phim Việt

NSND Đặng Nhật Minh có ý đúng khi cho rằng, các đạo diễn Việt đang đi tìm nhà cao, cửa rộng, đang mải mê đi săn “chân dài”, “siêu xe” để làm phim, để bán vé. Đã từ lâu, không còn ai đứng từ cuộc sống để lấy chất liệu “đời” cho điện ảnh nữa. Màn ảnh Việt trở thành một thế giới xa hoa, hỗn loạn, đảo điên của những giới nhiều tiền.

Bởi thế, trên màn ảnh ấy, trên những thước phim ấy, người ta không còn nhìn thấy tiếng nói, thấy cá tôi, thấy cá tính của người làm phim. Người làm phim bị lẫn trong đám đông xô bồ, tiếng nói của người làm phim bị “át” đi trong vòng quẩn quanh của xoay vòng vốn.

Như đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh khẳng định, “Việt Nam đang đứng trong top những nước nghèo. Cuộc sống của chúng ta đâu chỉ có chân dài, siêu xe? Cuộc sống của chúng ta đâu chỉ có biệt thự, vũ trường và tình yêu của các hotboy-hotgirl? Còn biết bao sự nghiệt ngã ngoài kia, còn biết bao số phận bất hạnh ngoài kia, còn biết bao chuyện đời ám ảnh ngoài kia? Chẳng nhà làm phim nào còn quan tâm…”.

Những bộ phim giải trí với cách làm ăn mùa vụ, chỉ mong ra rạp đúng thời điểm, hốt bạc, rồi thôi! Nếu chỉ quẩn quanh với những bộ phim như thế, điện ảnh Việt đừng bao giờ mơ tới các kỳ liên hoan phim quốc tế.
 
Phim Việt bế tắc đi tìm bản sắc
 
Phim Việt bế tắc đi tìm bản sắc
 
Thế nên, tại LHP Cannes vừa qua, trong khi điện ảnh châu Á chiến thắng giòn giã với những dấu ấn mạnh mẽ, nghệ sỹ Việt chỉ đến dự với tư cách đi theo một hãng rượu! Một số nghệ sỹ khác mạnh dạn hơn, mang phim đến chào hàng tại các hội chợ phim bên lề LHP Cannes.
 
Lướt qua thảm đỏ để được mỉm cười một lần trước rừng ống kính (không hướng vào mình), mang phim đến giới thiệu tại hội chợ… Có lẽ, những nghệ sỹ Việt đang cố gắng nhắc với thế giới rằng, có một nền điện ảnh mang tên Việt Nam vẫn đang tồn tại!
 

Tại LHP Cannes vừa qua, điện ảnh châu Á đã để lại dấu ấn mạnh mẽ. Giải “Kịch bản hay nhất” thuộc về tác giả Jia Zhangke- Trung Quốc với A Touch of Sin. Giải thưởng vàng của hội đồng giám khảo thuộc về bộ phim Like Father, Like Son của Nhật Bản. Ở hạng mục Un certain regard (giải thưởng quan trọng thứ 2 sau Cành Cọ Vàng) dành cho bộ phim The Missing Picture của điện ảnh Campuchia. Điện ảnh Singapore cũng có giải thưởng ở hạng mục Phim truyện đầu tay xuất sắc với tác phẩm Ilo Ilo của đạo diễn Anthony Chen.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn