“Dân bóng rổ làm bóng đá”

Thứ hai, 12/12/2011, 00:00
Ấy là cách một số người thi thoảng vẫn lôi ra dùng, với thái độ không mấy thiện cảm, mỗi khi có chuyện gì đó liên quan tới Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.

Gần nhất như HLV Lê Thụy Hải hồi gần cuối mùa giải V-League 2011, khi bị VFF “đặt vấn đề” vì trận thua của Thanh Hóa trước SLNA đã phán thẳng: “Ông Hỷ là dân bóng rổ, chứ có phải bóng đá đâu”. Chả là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã “trót” không tin vào độ trong sáng của CLB bóng đá Thanh Hóa khi để đội bóng láng giềng lội ngược dòng theo cách ai cũng phải nghi ngờ.
 

Ấy là cách một số người thi thoảng vẫn lôi ra dùng, với thái độ không mấy thiện cảm,

mỗi khi có chuyện gì đó liên quan tới Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.
 

Đấy là quan điểm của ông Hỷ còn nhận được sự đồng tình của đa số dư luận và người hâm mộ chứ với những vấn đề khác, cái “gốc” bóng rổ tự nhiên lại khiến ông Chủ tịch VFF tự nhiên trở nên bất lợi. Lâu lâu người ta thấy Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lên báo khẳng định năng lực quản lý của mình, mà người trong giới nhìn nhận như một cách thanh minh.

Lại nói chuyện VPF, thông qua một tờ báo, mới đây một ông nguyên là TTK Liên đoàn bóng chuyền TP.HCM đã được giới thiệu (và tự giới thiệu) như ứng viên không thể thích hợp hơn cho vị trí TGĐ Công ty cổ phần bóng đá VN. Cơ sở chính là năng lực làm kinh tế “cực đỉnh” ở đơn vị cũ. Đi kèm là những tuyên bố về các biện pháp làm mới bóng đá VN: siết lại cách làm của các đại gia, mời trọng tài nước ngoài, rồi mời Phó TGĐ nước ngoài…Rồi sau đó đưa luôn yêu cầu đưa đầu não VPF vào TP.HCM. Nhưng tóm lại yếu tố quan trọng nhất là giỏi kiếm tiền.

Ở đây, không phủ nhận làm bóng đá cần rất nhiều tiền. Sau khi VPF được thống nhất thành lập, thì chuyện tài chính cũng được mang ra bàn tán, “mổ xẻ” khá rôm rả. Và cũng chưa có lý do gì để nghi ngờ năng lực của người được giới thiệu (và tự giới thiệu) dù thực tế rất cần có thời gian kiểm chứng. Nhưng có một vấn đề thấy rất cần phải nhắc lại, là VPF ra đời vì mục tiêu gì? Xin trả lời luôn, để V-League và các giải đấu khác được quản lý, điều hành một cách tốt nhất.

Nói về tài chính, thì BTC giải trước kia của VFF chưa bao giờ bị cho là thiếu tiền. Gần nhất, mùa giải 2010 theo báo cáo, dư khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng giải vẫn liên tục sinh chuyện. Như thế, tiền không phải là yếu tố tiên quyết.

Cũng có thể chắc chắn rằng, cái người hâm mộ VN chờ đợi khi VPF ra đời, không phải là chuyện một năm VPF kiếm được bao nhiêu tiền, chia được cho các thành viên mấy tỷ…mà là một V-League không có “sạn”, những trận đấu hấp dẫn, trung thực. Khán giả đến sân để được xem thi đấu bóng đá chứ không phải xem “kịch”.

Bỗng nhiên lại thấy có điều gì đó bất thường, khi liên tục gần đây vấn đề tài chính của VPF được mang ra “mổ xẻ”, hay chuyện quá khứ của những người đã được lựa chọn, tiến cử bị bới móc…trong bối cảnh Đại hội cổ đông lần đầu tiên của Công ty VPF chỉ còn vài ngày sẽ được tiến hành.

Hôm nọ đem những băn khoăn về chuyện tài chính hỏi Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, ông Dũng thẳng thắn nêu quan điểm, vấn đề ưu tiên hàng đầu của VPF trong năm đầu tiên thành lập là phải đưa V-League vận hành trôi chảy. Ý kiến của ông Dũng thực sự rất đáng để nghiền ngẫm, đặc biệt trong bối cảnh dường như dư luận đang bị mất phương hướng trước những tranh cãi bất tận xung quanh việc thành lập VPF. Sự ra đời của VPF, theo đúng đề án do bầu Kiên trình bày ở Hội nghị VFF với ông chủ 28 CLB, chắc chẳn phải được chỉnh lại theo đúng tôn chỉ, mục đích là để hướng đến một giải đấu “sạch” hơn, chứ không thể biến VPF trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho những mục đích ngoài bóng đá.


Theo Thethaovanhoa.

Các tin cũ hơn