Không cần phải nói nhiều, mức thu nhập cầu thủ, HLV trong làng bóng đá nội bây giờ rất cao. Chuyện mua xe xịn, bạn gái đẹp, nổi tiếng với dân quần đùi, áo số bây giờ dễ như bỡn. Chẳng đâu cho xa. Chuyện chân sút Lê Công Vinh chi đến 4 tỷ đồng chỉ để mua đồng hồ tặng vợ sắp cưới, đủ thấy độ chịu chơi của cầu thủ ta bây giờ thế nào.
Thật ngạc nhiên rằng bóng đá nội bây giờ quá nặng màu kim tiền. Trong khi giải đấu vẫn bị chê tơi bời về chất lượng, giá trị bản quyền truyền hình vẫn còn thấp mà giá cả cầu thủ vẫn tăng như phi mã. Đúng lời những chuyên gia cựu trào bóng đá, V-League về bản chất vẫn là “nghiệp dư lĩnh lương cao” không hơn không kém.
Đáng lý ra khi cuộc sống vật chất đã thoải mái, cầu thủ Việt phải chuyên tâm hơn trên sân cỏ. Không chỉ hoàn thiện năng lực bản thân và chinh phục đỉnh cao mới, bóng đá VN vẫn bị những yếu tố duy tâm ảnh hưởng rất nhiều.
Không phải đội bóng nào ở V-League cũng có tinh thần thi đấu tốt như SLNA (phải).
Nhìn lối chơi và phong cách thi đấu không ai dám gạch tên SHB.ĐN khỏi cuộc đua đến chức vô địch V-League 2012. Nhưng vài năm trở lại đây, đội bóng Đà thành thường bị “đau đầu” một cách bất thường, dẫn đến những cú ngã quyết định, ảnh hưởng chính tham vọng vô địch của đội chủ sân Chi Lăng.
Ngay K.KH không phải tập thể yếu, nếu cầu thủ thực sự chuyên tâm vào trái bóng. Đôi khi hình ảnh đội bóng “ngổ ngáo” cũng đồng nghĩa sự thất thường, khi K.KH chưa bao giờ có sự ổn định.
Trận đấu vừa rồi, đội bóng phố biển quật ngã “đại gia” B.BD ngay tại Gò Đậu, bằng lối chơi có tổ chức và chặt chẽ. Những chỉ vài ngày sau, với dàn cầu thủ nội trội hơn hẳn, K.KH lại chơi dưới sức và may mắn lắm mới đánh bại TĐCS.ĐT.
Ngay TĐCS.ĐT cũng mất đi hình ảnh “học trò nghèo học giỏi” chung quy bởi chữ tiền, khi cầu thủ thiếu đi động lực từ “doping” tiền thưởng, như các đội bóng khác tại V-League.
Hình ảnh của 2 đội bóng này cũng không khác các CLB khác là bao, khi giá trị vật chất đôi khi ảnh hưởng quá lớn đến lý trí và sức mạnh của đôi chân. Ngay đội bóng “trăm tỷ” V.HP mùa này đang đứng trước nguy cơ rớt hạng, dù có cả tá ngôi sao trong tay.
Điều khiến đội bóng đất Cảng sa sút không phanh sau những năm đại thành công, khi tiền thưởng, tiền lương đã xuống thấp so với các năm trước. Khi “bầu sữa” không còn cung cấp liên tục, thường xuyên, đôi chân cầu thủ cũng chơi bệ rạc, kém hẳn sức mạnh cũng vì thế.
Tóm lại, bóng đá cần thành tích, nhưng phải phát triển trên cái nền căn cơn, bài bản. Nếu cứ phát triển bóng đá “vị thành tích” cách bề mặt như thế này lại có hại cho sự phát triển bóng đá nội, đồng nghĩa với việc 2 ĐTQG gánh chịu hậu quả trầm trọng.
Quân không qua ải, đấy là nỗi ám ảnh nhức nhối nhất với các lãnh đội ở giai đoạn lượt về.
Theo Thethaovanhoa