Góc nhìn kinh tế học: Tại sao Messi chỉ là gã nghèo trước Bill Gates?
Thứ sáu, 03/08/2012, 15:49
Leo Messi là cầu thủ kiệt xuất nhất nền bóng đá đương đại, với 3 danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới" liên tiếp. Còn Bill Gates là ông trùm phần mềm tin học, người sáng chế ra sản phẩm Microsoft được hàng tỉ người sử dụng. Nhưng nếu nhìn nhận về giá trị tạo dựng kinh tế, Messi chỉ là một gã nghèo trước Bill Gates.
Giảng viên bộ môn Kinh tế học của trường Đại học Columbia (Mỹ), Xavier Sala Martin, chia sẻ suy nghĩ của mình về những bàn thắng của Leo Messi cũng như giá trị mà nó đem lại cho xã hội dưới góc nhìn của một nhà kinh tế.
Siêu phẩm của Messi chỉ là "món hàng hóa không cạnh tranh"
Tạp chí Forbes mới đây công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2012. Theo đó, Carlos Slim - ông trùm viễn thông Mexico - vẫn giữ được ngôi vị quán quân trong năm thứ 3 liên tiếp với khối lượng tài sản được định giá khoảng 69 tỷ USD. Tiếp đến là tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett. Người giàu nhất Tây Ban Nha là Amancio Ortega xếp thứ 5 thế giới với lĩnh vực kinh doanh thời trang.
Nhìn vào danh sách này, mọi người sẽ nhận ra một điều: Chẳng có một vận động viên thể thao nào ở đây! Không Tiger Woods, không Michael Jordan, không Michael Schumacher, không Roger Federer... và Lionel Messi cũng không phải là ngoại lệ.
Tổng tài sản của Messi chưa bằng 1% so với Bill Gates
Trong kỷ nguyên của truyền hình số toàn cầu, mặc dù các vận động viên xuất sắc nhất thế giới luôn kiếm được những khoản tiền lớn dựa vào những thành tích thể thao vang dội, những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn hay những mức thưởng kỷ lục nhưng rốt cục thì vẫn không thể sánh được với tài sản kếch xù của những doanh nhân, những ông trùm trên thế giới. Tại sao vậy?
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu tính chất của hàng hóa mà các vận động viên tạo ra: đó là "hàng hóa công cộng không cạnh tranh". Khái niệm "không cạnh tranh" được các nhà kinh tế dùng để chỉ hàng hóa có thể được tiêu thụ bởi nhiều hơn 1 người ở cùng một thời điểm. Đối lập với hàng hóa "không cạnh tranh" chính là những hàng hóa "cạnh tranh" - chiếm phần lớn trong đời sống tiêu dùng hàng ngày.
Hãy cùng xem ví dụ sau đây. Một tách cà phê là hàng hóa cạnh tranh bởi khi ai đó uống tách cà phê này thì chẳng ai có thể dùng được chính tách cà phê đó nữa. Chính vì thế, nếu có 200 triệu người muốn uống cà phê thì người ta sẽ phải pha 200 triệu tách cà phê khác nhau.
Thực tế này lại không áp dụng được đối với "hàng hóa" mà Messi tạo ra - đó chính là "bàn thắng". Khi Messi ghi được 1 bàn thắng, tôi có thể cảm thấy hân hoan và tận hưởng niềm vui khôn tả giống như cảm giác thoải mái và dễ chịu mà hương vị của tách cà phê đem lại. Và 200 triệu cổ động viên của Barcelona trên toàn thế giới cũng có thể trải qua những cảm giác vui sướng giống như của tôi.
Tuy nhiên, khác với tách cà phê, để có 200 triệu người tận hưởng hương vị bàn thắng của mình, Lionel Messi không cần tạo ra đến 200 triệu bàn thắng, mà chỉ cần 1 bàn thắng mà thôi!
Bây giờ, để thực hiện một sự liên hệ đơn giản giữa kinh tế học và đời sống thực tế, chúng ta hãy tưởng tượng rằng mỗi bàn thắng của Messi đem về (giả sử) 1 euro, tương đương số tiền người ta bỏ ra để mua 1 tách cà phê. Đặt giả thiết rằng, khách hàng tiêu thụ cà phê một cách tự nguyện. Nếu không muốn uống cà phê, họ sẽ không bỏ tiền ra mua chúng.
Nếu có 200 triệu người muốn dùng cà phê, chủ quán sẽ thu được 200 triệu euro và đồng thời phải pha 200 triệu tách cà phê để phục vụ số khách này. Như đã đề cập ở trên, nếu cảm xúc hân hoan với bàn thắng của Messi giống với cảm giác hài lòng khi thưởng thức cà phê thì bàn thắng đó tạo ra một xúc cảm tương đương với 200 triệu tách café đem lại.
Đồng thời, với giả thiết ở trên, nếu mỗi cổ động viên của Barca sẵn sàng trả 1 euro để chiêm ngưỡng bàn thắng của Messi thì cầu thủ mang áo số 10 này sẽ thu về 200 triệu euro cho bàn thắng đó.
Và với tần suất khoảng 50 bàn thắng trong một năm, tổng số tiền mà Messi thu về sẽ là 10 tỷ euro. Tính đến thời điểm này, với 253 bàn thắng trong màu áo Barca, tài sản của anh có thể sẽ lên tới 50 tỷ euro. Như vậy, Messi sẽ là người giàu thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Carlos Slim và Bill Gates. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các vận động viên thể thao khác như Rafael Nadal, Fernando Alonso hay Kobe Bryant.
"Không thể loại trừ" nên không thể thu tiền
Tuy nhiên, những gì Messi thu về lại hoàn toàn không giống với tính toán mà chúng ta đã đề cập đến. Vì vậy, câu hỏi không thể là: "Tại sao Messi kiếm nhiều tiền thế?" mà sẽ là: "Tại sao Messi lại thu về ít như vậy?".
Lời giải thích này cũng dựa vào tính chất của "hàng hóa" mà Messi tạo ra. Ngoài tính "không cạnh tranh", bàn thắng của Messi còn có tính chất "không thể loại trừ". Một hàng hóa "có thể loại trừ" được hiểu là người sở hữu hàng hóa có thể ngăn cản không cho người khác sử dụng món hàng đó nếu trước đó anh ta chưa trả tiền cho người sở hữu.
Tách cà phê ở ví dụ bên trên là "có thể loại trừ" bởi vì nếu có ai đó không trả tiền thì chủ quán có quyền hợp pháp từ chối phục vụ cà phê. Còn đối với bàn thắng của Messi, chẳng ai có thể ngăn cản những cổ động viên ăn mừng mỗi khi Messi ghi bàn. Đơn giản, bàn thắng của Messi là "hàng hóa công cộng".
Bill Gates - Ông trùm công nghệ với tài sản 61 tỷ USD
Nếu không thể ngăn cản được người khác sử dụng hàng hóa mà mình cung cấp thì người ta chẳng thể thu lợi được từ hàng hóa đó. Nếu Messi hoặc Barca quyết tâm thu mỗi cổ động viên ăn mừng bàn thắng 1 euro thì họ sẽ bảo rằng họ đâu có ăn mừng và như vậy, họ sẽ chẳng trả tiền.
Thật sự đó là một lời trần tình rất khôn ngoan. Tại sao ư? Bởi họ biết rằng họ có thể tận hưởng bàn thắng của Messi thoải mái mà chẳng cần đóng góp gì cả. Chính vì thế, cầu thủ không thu lợi từ các bàn thắng một cách trực tiếp mà họ thỏa thuận trong các điều khoản hợp đồng ký kết với CLB.
Sau đó, CLB sẽ ký hợp đồng với các kênh truyền hình hay các công ty marketing để có các nguồn thu từ quảng cáo hoặc doanh số bán áo của cầu thủ. Tuy nhiên, những thỏa thuận đó chỉ đem lại một phần nhỏ lợi nhuận so với những gì mà Messi đáng được hưởng mà thôi.
Đó chính là khác biệt lớn của các ông trùm đầy quyền lực. Carlos Slim có thể kiếm tiền từ mỗi chiếc điện thoại bán ra. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Amancio Ortega và những sản phẩm may mặc từ thương hiệu thời trang Zara; Bill Gates với những chương trình phần mềm của Microsoft.
Với Messi thì hoàn toàn ngược lại. "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới" 3 lần liên tiếp này đóng góp cho xã hội hàng triệu triệu euro dưới hình thức đem lại niềm hạnh phúc cho những người hâm mộ, chia sẻ "giá trị tinh thần" lớn lao qua từng bàn thắng.
Chính vì thế, những vận động viên thể thao khó có thể sánh với những tỷ phú kia về khối lượng tài sản kếch xù. Và việc Lionel Messi không có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes cũng là điều dễ hiểu!