Oscar Pistorius là ai? Là người đã gây chấn động thế giới khi trở thành VĐV không chân đầu tiên tham gia nội dung điền kinh dành cho những VĐV lành lặn tại kỳ Olympic London 2012. Người ta kể rằng, ngay từ khi sinh ra, Pitorius đã không có xương mác ở hai chân, và đến năm 1 tuổi, để có thể tiếp tục duy trì sự sống, cả hai chân của cậu đã bị cắt bỏ đến tận đầu gối.
Trong một cuộc trả lời báo giới Nam Phi sau này, mẹ Oscar nói rằng, hồi còn nhỏ, trước khi đi học, trong khi anh trai Oscar luôn hỏi: “Giày của con đâu?” thì Oscar luôn hỏi: “Chân giả của con đâu?”. Câu hỏi cứa vào lòng người mẹ những nỗi xót xa tột cùng. Những lúc như thế, dù không nói ra nhưng bà mẹ đã đau đớn nghĩ tới một tương lai thiệt thòi, đau khổ của con mình.
Nhưng bà đã lầm. Bởi Oscar không những không mặc cảm với đôi chân giả, mà luôn nuôi dưỡng trong mình một niềm tin – một khát vọng phải chiến thắng cái sự éo le mà số phận “ấn” vào mình. Thế nên không những học hành, sinh hoạt như những người bình thường, Oscar thậm chí đã tích cực chơi thể thao và khởi nghiệp ở bộ môn Rugby.
Oscar với hình ảnh đôi chân giả hình chữ J từng làm cả thế giới ngưỡng mộ.
Nhưng rồi một chấn thương khiến anh không thể đeo đuổi sự nghiệp Rugby, và trong quá trình tập hồi phục, anh chợt nhận ra rằng mình phù hợp với điền kinh. Thế là với đôi chân giả hình chữ J, Oscar khoác áo ĐT điền kinh Nam Phi tham dự các giải đấu giành cho những VĐV khuyết tật khắp thế giới, và từng giành chiếc HCV nội dung chạy 100m tại Paralympic Games 2008, rồi sau đó là 2 chiếc HCV liên tiếp ở các nội dung 200m và 400m trong khuôn khổ Paralympic Bắc Kinh 2008.
Sau những chiếc HCV mang tính chất “độc cô cầu bại” trên đường chạy, đã có những ý kiến cho rằng đôi chân giả hình chữ J giúp Oscar có lợi thế hơn, khi chỉ phải tốn ít năng lượng hơn so với các VĐV khuyết tật khác. Vì những ý kiến như vậy, Liên đoàn Điền kinh thế giới từng ra quyết định loại Oscar khỏi cuộc chơi điền kinh.
Nhưng con người từng vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể để chiến thắng chính bản thân mình không dễ dàng đầu hàng một quyết định đắng cay như vậy. Oscar quyết định đưa vụ việc lên CAS (Toà án thể thao quốc tế), và sau đúng 2 năm, CAS ra thông báo anh hoàn toàn đủ điền kiện theo đuổi niềm đam mê điền kinh của mình.
Không dừng lại ở đây, đến trước thềm Olympic London 2012 thì Oscar lại đấu tranh để không chỉ được tham dự sân chơi của những VĐV khuyết tật, mà còn có thể tham dự những sân chơi của những VĐV lành lặn, bình thường khác. Và thế là Olympic London 2012, cả thế giới kinh ngạc trước hình ảnh một “VĐV không chân” sòng phẳng chạy đua với những VĐV lành lặn trên cùng một đường chạy.
Kể từ đây, cái tên Oscar được coi như một biểu tượng chiến thắng của thể thao nhân loại, một biểu tượng vươn lên của ý chí và nghị lực con người. Cũng kể từ đây, Oscar xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới để nói về quá trình phấn đấu, chiến thắng số phận của mình. Anh cũng đồng thời xuất hiện trong nhiều chương trình quảng cáo hút khách ở Nam Phi.
Nhưng kể từ ngày lễ Tình nhân 14/2 vừa rồi, thì tất cả những bandrone quảng cáo có hình Oscar đã bị dỡ bỏ không thương tiếc. Bây giờ, người ta không còn nói tới “người hùng Oscar” nữa, mà nói tới một sát nhân Oscar – kẻ đã bắn 4 viên đạn oan nghiệt vào chính người yêu mình bằng một khẩu súng 9mm.
Hình ảnh một Oscar run lên bần bật rồi oà khóc trước vành móng ngựa – một Oscar thức tỉnh, đầy con người vẫn không thể cứu vãn nổi hình ảnh một một Oscar tàn độc. Thế nên mặc dù luật sư của Oscar cố lý giải rằng “anh ấy chỉ bắn người yêu vì tưởng đấy là một tên trộm”, và rằng “trước đây anh ấy từng nhiều lần bị dọa giết, nên luôn trong tình trạng cảnh giác cao” thì những lời biện hộ như thế cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Và nó càng trở thành những lời biện hộ phi lý khi công tố viên đặt ngược lại một câu hỏi: “Tại sao một tên trộm lại có thể giam mình trong phòng tắm nhà anh?”, và “Anh có biết, ngay cả khi đấy là một tên trộm thì việc cố tình bắn vào một đối tượng không có khả năng tự vệ cũng là một hành động phạm pháp hay không?”.
Tất nhiên, một kết luận cuối cùng chỉ có thể được đưa ra vào thời gian tới, nhưng những gì xảy ra cũng là quá đủ để xô đổ một thần tượng – một nhân vật từng được nhìn như như biểu tượng lớn cho ý chí vươn lên không chỉ trong lĩnh vực thể thao.
Sự sụp đổ nhanh chóng, ngỡ ngàng của thần tượng Oscar làm người ta nhớ lại sự sụp đổ của thần tượng Lance Amstrong vài tháng trước. Ai cũng biết, Amstrong từng được nhìn nhận như một huyền thoại trong làng xe đạp thế giới với tổng cộng 7 chức vô địch Tour de France, từng là nguồn cảm hứng lớn lao cho hàng triệu triệu bệnh nhân ung thư có đủ sức mạnh và niềm tin thoát khỏi cơn hiểm nghèo.
Ấy thế mà đùng một cái, khi sự thực bị phanh phui, Amstrong đã buộc phải thừa nhận nếu không có Doping mình đã không thể vô địch Tour de France tới 7 lần. Có nghĩa, nếu không có cái chất kích thích mang đầy tính gian dối, lừa lọc ấy thì đã không có một Amstrong bay bổng, huyền thoại như từng có.
Từ Amstrong tới Oscar, chỉ trong một thời gian rất ngắn, làng thể thao thế giới đã mất đi 2 nhân vật huyền thoại, 2 biểu tượng từng được đánh giá là vĩ đại cho nghị lực và khát vọng vươn lên. Và rồi sẽ còn những biểu tượng khác, những thứ giá trị đẹp đẽ khác, những niềm tin yêu, hãnh diện khác cũng sẽ bị xô đổ?
Phải chăng, những thứ giá trị tưởng là vững chãi nhất, những hình tượng tưởng là lẫm liệt huy hoàng nhất hoá ra cũng chỉ là những hình tượng bong bóng? Và từ sự bay bổng rồi tan vỡ của những hình tượng bong bóng, phải chăng những người yêu thể thao bây giờ phải tự trang bị cho mình một thứ… “văn hoá đề phòng” để không quá sốc, không quá đau, không quá tan nát trái tim một khi thần tượng của mình bị xô đổ không thương tiếc?
Thể thao – bản chất của nó là một tinh thần mã thượng cao cả. Người ta chơi thể thao không hẳn chỉ để ganh đua, chỉ để tìm cách chiến thắng, tìm cách đoạt danh hiệu này, danh hiệu nọ, mà để góp phần tạo nên một môi trường mã thượng, giúp cho cuộc sống trở nên khoẻ khoắn đáng yêu hơn.
Ấy thế mà bây giờ, ở chính cái địa hạt từng được nhìn nhận như một trong những “cứu cánh” của cuộc sống lại đã và đang diễn ra những bê bối không tưởng nhất. Vậy thì những VĐV luôn sống và thi đấu một cách chân chính, những con người từng đặt kỳ vọng lớn lao vào cái “cứu cánh chân chính” giờ phải đặt niềm tin ở chỗ nào? Ai đó bảo: Bi kịch lớn nhất của sự sống không phải là không có những ổ bánh mì, mà là không có niềm tin vào sự xuất hiện của những ổ bánh mì.
Thôi thì cứ tin rằng, trong địa hạt thể thao nói riêng và trong những vận động cuộc sống nói chung, ý chí chiến thắng của chúng ta, khát vọng vươn lên của chúng ta, niềm tin yêu từng có vào cái chân - thiện - mỹ của chúng ta sẽ không phai nhạt, bất chấp những biểu tượng của ý chí, của khát vọng, của sự chân - thiện - mỹ, chỉ trong một thời gian ngắn đã thi nhau chết giấc giữa đường!
Theo CAND