Bóng chuyền Việt Nam cấm ngoại binh: Nguy cơ nhập tịch tràn lan

Thứ hai, 18/03/2013, 14:16
Bóng chuyền Việt Nam có sự thay đổi mang tính bước ngoặt ở mùa giải năm nay, với việc cấm các VĐV ngoại thi đấu tại giải VĐQG. Điều này đã dẫn đến một xu hướng mới ở các CLB: nhập tịch cho VĐV ngoại.

Quyết định của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đúng hay sai sẽ cần phải có thời gian trả lời. Chỉ biết rằng, nếu đưa ra quy định cấm ngoại binh để các đội chú trọng hơn với công tác đào tạo trẻ, xem ra khó thành công.

Đơn giản bởi, cũng như bóng đá, bóng chuyền đang có xu hướng nhập tịch cho các VĐV. Ở bóng đá, việc các đội thi nhau nhập tịch khiến VFF và BTC giải phải đau đầu. Quy định sử dụng 3 cầu thủ ngoại đá trên sân, nhưng có những đội sử dụng tới 7 “Tây” vì có thêm 4 ngoại binh nữa đã được nhập tịch. Với số lượng cầu thủ ngoại (được “nội hóa”) vẫn tăng đều mỗi năm, việc hạn chế ngoại binh ra sân để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ gần như vô nghĩa.

Ngoại binh vẫn đóng vai trò quyết định trong thành công mỗi đội bóng

Trong bóng chuyền cũng vậy, dù “phong trào” nhập tịch ngoại binh chưa rầm rộ như bóng đá, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện “trào lưu” này để đối phó với quy định mới của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Ngay đầu năm nay, cầu thủ Katya của đội Vietsov Petro đã chính thức được nhập tịch, mang tên Vũ Mai Ka. Sự có mặt của VĐV này trong vai trò 1 VĐV nội ở màu áo Vietsov Petro tại giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV - Bình Điền 2013 vừa qua ngay lập tức khiến các đội “khó chịu”. Tất cả đều chỉ đăng ký với dàn cầu thủ nội “xịn”, đã bị thiệt hơn Vietsov Petro vì thực chất CLB này vẫn sở hữu một tay đập rất mạnh, chỉ khác ở mỗi cái tên.

Trước Vũ Mai Ka, bóng chuyền Việt Nam cũng chứng kiến thêm 2 trường hợp nhập tịch nữa là của Supachai (Đinh Hoàng Trai - Ninh Bình) và Irina (Lê Kim Nhung - Vietsov Petro).

Hồi mới nhập tịch, Kim Nhung chia sẻ thật lòng: “Tôi nghĩ xu hướng nhập tịch với những VĐV thật lòng yêu đất nước Việt Nam, muốn cống hiến lâu dài để góp phần nâng chất lượng trong bóng chuyền là việc nên làm. Nếu được tin tưởng, chắc chắn những cầu thủ nhập tịch như chúng tôi sẽ càng thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo”.

Tuy nhiên, chẳng phải cầu thủ nhập tịch nào cũng nghĩ được như Kim Nhung bởi họ cần một công việc với mức lương cao tại Việt Nam. Còn các CLB cũng mong muốn có thêm cầu thủ nhập tịch để dễ dàng hoàn thành các mục tiêu lớn.

“Mặc dù nhận được khá nhiều ý kiến tranh cãi về việc cấm ngoại binh, nhưng vì chất lượng của ĐTQG cũng như tạo cơ hội cho các VĐV trẻ, chúng tôi vẫn quyết định không chấp nhận ngoại binh”, ông TTK Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn đã nói như vậy. Tuy nhiên trước câu hỏi là sau khi các CLB bị cấm sử dụng cầu thủ ngoại, liệu một số đội có tiến hành nhập tịch một cách tràn lan, ông Phấn chỉ cho biết đó là việc riêng của các đội, Liên đoàn cũng không thể can thiệp được.

Một nhà chuyên môn có tiếng trong giới bóng chuyền nhận xét: “Việc cấm ngoại binh cũng có mặt được, mặt chưa được, nhưng nói cấm cầu thủ ngoại để tạo cơ hội nhiều hơn cho cầu thủ nội xem ra rất khó. Có thể ở 1-2 mùa giải nữa nhiều đội chưa có cầu thủ nhập tịch, nhưng ai dám chắc những năm tới, nhập tịch sẽ trở thành trào lưu, giống như bóng đá?”.

Lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện tại, khá nhiều ngoại binh đủ điều kiện để có thể nhập tịch. Họ sẵn sàng “lách” quy định cấm ngoại binh của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, để tiếp tục duy trì đội hình ra sân có cầu thủ ngoại. Nói cách khác, các CLB vẫn mắc bệnh thành tích, chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn các đối thủ nhập tịch. Điều này có thể sẽ tạo ra một hệ lụy lớn, chính là cuộc chạy đua nhập tịch ở các đội.

Chưa tới mức đau đầu như chuyện nhập tịch ở bóng đá, nhưng bóng chuyền cũng khó tránh khỏi xu thế này. Không thể can thiệp vào quy định nhập tịch, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chỉ còn biết chờ vào ý thức của mỗi đội trong việc tạo sân chơi cho cầu thủ nội, nhưng điều này cũng rất khó.

Theo CAND

Các tin cũ hơn