Từ trước đến nay, quần vợt luôn bị chỉ trích vì không kiểm tra các tay vợt một cách nghiêm túc và thường xuyên so với các môn thể thao khác. Và số liệu mới nhất được thống kê bởi Cơ quan phòng chống doping Hoa Kỳ (USADA) một lần nữa cho thấy những người có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này.
Tennis có quá ít đợt kiểm tra doping
Trong bản báo cáo về kiểm tra doping năm 2013, USADA thống kê cả những đợt đã thực hiện và chuẩn bị tiến hành theo kế hoạch định trước ở nhiều môn thể thao. Kết quả thực sự đáng báo động với NHM tennis.
Trong khi VĐV ở các bộ môn điền kinh phải trải qua tới 496 cuộc xét nghiệm (392 lần ngẫu nhiên và 104 lần trong các giải đấu), tennis lại chỉ có đúng 19 cuộc kiểm tra doping (tất cả đều không phải thời gian diễn ra giải).
Nếu so với tất cả các môn thể thao, tennis chỉ chiếm 19 trên tổng số 1919 cuộc kiểm tra. Trong danh sách, có 2 môn thể thao ít bị kiểm tra doping hơn quần vợt là Phi tiêu và Câu cá. Tuy nhiên, đó đều là những môn không cần dùng quá nhiều đến thể lực.
Don Catlin, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Doping cho hay: “Nếu chỉ kiểm tra lấy lệ vài người, vài lần trong năm, nó chẳng có tác dụng gì cả. Còn bạn kiểm tra 100 tay vợt nam hàng đầu 5 lần mỗi năm, đó mới là tốt. Nhưng quần vợt có vẻ không muốn vậy.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, doping không loại trừ bất cứ môn thể thao nào cả, đặc biệt những môn đòi hỏi nền tảng thể lực tốt. Đến đua ngựa biểu diễn, người nài ngựa còn sử dụng doping huống chi các bạn có thể phải thi đấu với cường độ cao 4-5 tiếng mỗi ngày.”
Năm ngoái, vụ scandal doping gây rúng động thế giới của Lance Armstrong đã thức tỉnh những người làm tennis. Chính Liên đoàn quần vợt thế giới cũng thừa nhận không loại trừ khả năng doping đã len lỏi vào làng banh nỉ. Andy Murray và Roger Federer cũng lên tiếng kêu gọi tăng cường các cuộc kiểm tra để mang lại sự công bằng hơn. Thế nhưng cho đến thời điểm này, công tác kiểm tra doping ở tennis vẫn đang rất báo động.
Theo Khampha