Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: 3- 5 giây thì "không cánh mà bay"

Thứ hai, 11/06/2018, 14:23
Thủ đoạn của những tên trộm xe máy ở TP.HCM đang ngày càng trở nên tinh vi. Chỉ cần 3 – 5 giây, một chiếc xe đậu sơ hở đã có thể 'bốc hơi'.

Trộm xe máy ngày càng hung hăng

Hàng loạt vụ trộm xe máy xảy ra vừa qua trên địa bàn TP.HCM, nhiều trong số đó những tên trộm còn trang bị hung khí sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện khiến người dân hết sức lo lắng. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết được những tên trộm này và phòng chống hành vi trộm cắp để bảo vệ tài sản?

Anh Đặng Quang Luân (Đội trưởng Đội SBC Q.9) cho biết, sau nhiều lần phát hiện và truy bắt trộm, băng nhóm trộm cướp xe máy, đội nhận thấy các thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi. Mỗi ngày, đường dây nóng của đội nhận trung bình từ 3 - 5 thông báo mất xe, tập trung vào giữa trưa và từ khoảng 18 giờ chiều đến đêm.

Hình ảnh trích từ video do một camera an ninh ghi được. Một xe máy đậu không người không giữ đang bị một đối tượng trộm cắp tiếp cận. Cách đó chỉ khoảng 20 mét là đồng bọn sẵn sàng “cản địa” và hỗ trợ tẩu thoát.

Anh Luân kể, chúng thường xuyên “hành nghề” với số lượng từ 3 trở lên. Có nhóm còn lên đến 5, 7 tên. Tất cả đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó, chỉ có duy nhất một tên ngồi sau tiếp cận “con mồi” và bẻ khóa. Các tên còn lại sẽ cảnh giới và sẵn sàng hỗ trợ tẩu thoát khi có biến.

“Chúng luôn luôn quan sát kỹ càng hiện trường trước khi tiếp cận. Vì thế dấu hiệu nhận biết đầu tiên là các xe của chúng sẽ rảo qua lại nhiều lần. Một tên sẽ giả vờ dừng xe nghe điện thoại hoặc mở cốp lấy đồ, tên ngồi sau sẽ nhìn ngó xung quanh, đợi thời cơ ra tay. Cách đó chỉ khoảng vài chục mét là một tên “cản địa” khi cần”, anh Luân giải thích.

Ngoài ra còn có trường hợp dàn cảnh rất khéo, như lời kể của chị Đỗ Hồng, chủ một tiệm tạp hóa ở Q.Thủ Đức: “Đã hai lần tiệm tôi bị chúng “viếng thăm”. Lợi dụng lúc đông khách, một tên vào giả vờ mua đồ và đứng cản tầm nhìn chủ chiếc xe bên ngoài đang bị bẻ khóa. Khi tôi phát hiện nên la lớn, tên này nhanh chóng ngả nghiêng để cản không cho người bên trong ào ra. Sau khi trình báo công an, tôi trích xuất camera lại mới biết chúng là đồng bọn”.

Đối với những tên “đá xế” (tiếng lóng chỉ hành vi trộm cắp xe máy đậu sơ hở) hàng tay ngang, hoặc gặp điều kiện quá thuận lợi, thường tên phá khóa sẽ trực tiếp cầm lái xe trộm được. Nhưng anh Luân cho biết, đối với hàng chuyên nghiệp, tên phá khóa giỏi nhất sẽ chỉ tiếp cận và làm nhiệm vụ của mình. Sau đó rút lui nhanh chóng để một tên khác lập tức phóng lên xe rời đi.

Sở dĩ chúng hành động như vậy, vì tên “cầm nài” (tiếng lóng chỉ tên trộm xe máy giỏi cầm lái) sẽ lái chiếc xe trộm được tẩu thoát một cách an toàn nhất. Một khi bị phát hiện, chiếc xe trộm được luôn trở thành mục tiêu bị truy bắt chính, vì vậy, tên “cầm nài” phải là một tên cầm lái cực kỳ chắc tay và giỏi “cắt đuôi”.

Đội SBC Q.9 cho biết, mỗi ngày đường dây nóng nhận khoảng 3 – 5 thông báo mất xe từ người dân

Anh Luân giải thích thêm: “Đó còn là một cách “rải” tội đều ra. Chúng tính toán đến đường bị bắt, khi đó tội trạng sẽ không bị dồn vào một người. Nhưng cũng chính sự chuyên nghiệp này mà chúng sẽ có thêm khâu thay người, nếu chúng ta nhận diện kịp thời sẽ ngăn cản được”.

Dụng cụ phá khóa xe của những tên này chỉ cần một cây đoản (hay còn gọi là khóa lục giác), là một thanh kim loại đập dẹp đầu hao hao chìa khóa bình thường, đầu còn lại gắn với một tay quay. Chỉ cần đưa sâu đầu dẹp vào ổ khóa và gặt mạnh tay quay, xe sẽ nổ máy.

Anh Luân phân tích, trước khi tiếp cận “con mồi”, chúng phải làm công việc quan sát và nhận diện loại xe để sử dụng loại khóa phù hợp. Đồng thời quan sát bánh xe có gắn khóa đĩa hay không. Nếu có, khóa đĩa sẽ được phá đầu tiên, vì hành động này cho phép chúng ngồi tầm thấp, khó bị phát hiện.

Nếu xe khóa cổ, chúng phải phá khóa cổ bằng cách dùng tay nắm thanh vịn ở đuôi xe và dùng chân đạp mạnh. Lực chân sẽ dễ dàng khiến khóa cổ xe bị phá, kéo theo việc làm lỏng cả ổ khóa. Lúc này chỉ cần gặt nhẹ đoản, xe sẽ nổ máy.

Đoản (hay còn gọi là khóa lục giác) là dụng cụ “hành nghề” thường xuyên của những tên trộm cắp xe máy

“hiệp sĩ”, đồng thời kinh doanh phụ tùng xe máy, anh Luân nắm khá rõ cơ chế hoạt động và cấu tạo các loại xe. Anh cho biết, loại dễ mất nhất không phải hàng phổ thông như Wave, Sirius,… như người dân thường nghĩ, mà lại là Exciter. “Exciter 150 có một rơ-le nằm ngay dưới mặt nạ trước. Đây là bộ phận chỉ cần đấu một sợi dây điện nhỏ là xe đã có thể nổ máy mà không cần phải phá khóa. Mọi người sử dụng loại xe này nên lưu ý”, anh Luân cảnh báo.

Anh cũng cho biết, thị trường hiện có nhiều loại công nghệ chống trộm xe khá hữu hiệu có thể áp dụng: “Theo đó, chủ xe nên trang bị thêm khóa đĩa, còi báo chống trộm, thiết bị điều kiển xe từ xa,… Mặc dù trộm có thể vô hiệu hóa, nhưng tâm lý của một tên trộm cũng giống như người bình thường, gặp trường hợp khó chúng sẽ bỏ qua. Xác suất mất tài sản của chủ xe biết cẩn thận sẽ ít hơn”.

Một tên trộm đang bẻ khóa xe máy đậu trong hẻm bị một camera an ninh ghi lại.
Vì tốc độ hành động của chúng rất nhanh, đôi khi chỉ từ 3 - 5 giây, nên cách phòng chống hiện tượng xe “không cánh mà bay”, tốt nhất vẫn là ý thức người dân. Nếu không thể “của đâu người đó” hoặc đậu trong bãi giữ xe, người dân cần khóa đĩa, khóa cổ, kéo kín chốt an toàn trong ổ khóa và thường xuyên quan sát.

Thời gian hành động của những kẻ xấu sẽ bị kéo dài ra, tăng xác suất cho người dân phát hiện.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn