Làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được mệnh danh là làng “giàu nhất nước” vì có nhiều người đi nước ngoài lao động. Mấy ai hiểu được rằng đằng sau đồng tiền họ gửi về là những giọt nước mắt, mồ hôi, thậm chí đánh cược cả sinh mạng.
Anh Ngô Mạnh Tường (đã đổi tên, trú tại xã Cương Gián) không thể quên được 7 lần chui bám container vượt biên sang Anh. Bị cảnh sát bắt giữ rồi trả về, anh vẫn cố vượt nhiều lần nữa vì lỡ vay số tiền lớn để đóng cho đường dây đưa người đi lao động.
Cách đây 5 năm, anh biết đến đường dây đưa người đi Anh với chi phí khoảng 400 triệu đồng nên đã cầm cố tài sản.
Để đến được nước Anh, Tường đã trải qua 7 lần đu bám container, bị cảnh sát bắt giữ và trả về, rồi lại vượt biên và bị bắt giữ rồi trả về… Hành trình đầy rủi ro và nước mắt của anh cứ lặp đi lặp lại như thế.
Anh Tường kể lại quá trình vượt biên sang Anh. |
Người đàn ông này kể ban đầu anh đáp máy bay qua Moscow (Nga), rồi tiếp tục vượt biên sang Pháp. Điểm dừng chân cuối cùng là Anh.
Vừa đặt chân đến Pháp, người môi giới cho biết muốn qua được nước Anh có 2 con đường. Thứ nhất đi phà vượt đường hầm qua eo biển Manche ở Calais. Con đường thứ hai là đi bằng đường biển từ cảng Calais đến cảng Dover (Anh).
Những kẻ đưa người đi vạch ra thêm cách đi an toàn hơn là ngồi trên cabin cùng tài xế container hoặc có người đưa phà đến dẫn đi trực tiếp. Cách đi này mất thêm một khoản tiền lớn.
Nếu người nào ít tiền hơn thì đi “cỏ”, nghĩa là buộc phải ngồi sau thùng xe container đông lạnh, tự mình tìm chỗ trốn trong xe container phủ bạt hoặc nhảy lên xe rồi chui vào bên trong. Khi số tiền ở nhà đã cạn, Tường chấp nhận đi theo dạng “cỏ” như những người Việt khó khăn khác.
Một góc vùng quê Thiên Lộc, nơi có nhiều người đi nước ngoài kiếm tiền. |
Khoảng tháng 7/2014, Tường và khoảng 30 người Việt khác được 3 người đàn ông đưa lên ngồi vào thùng xe container xuất phát từ cảng Calais (Pháp).
Cánh cửa thùng xe container đóng kín, anh Tường bắt đầu sợ hãi và nghĩ đến cái chết.
“Ngồi trong thùng xe, tôi và 30 người khác cắn răng và tự động viên mình cố gắng. Nhưng khi di chuyển được khoảng 100km trong trạng thái lắc lư, lạnh buốt óc thì bất ngờ thùng container bật mở, tôi mới biết là đã bị cảnh sát tóm”, anh Tường nói.
Bị bắt giữ và nhốt trong căn phòng dành cho người tị nạn, rồi bị trục xuất về Pháp, mọi người lại chờ cơ hội để vượt biên tiếp theo.
Container chở 39 người tử vong được tìm thấy tại Essex. |
Vượt biên lần đầu thất bại, nghĩ phải nín thở ngồi co ro trong thùng xe container bịt kín, Tường sợ hãi chỉ muốn quay trở về nhưng khoản nợ mấy trăm triệu cứ ám ảnh và thôi thúc. Người đàn ông này nghĩ phải liều.
Một lần không được, 2 lần, 3 lần không được… và rồi 60 ngày với 7 lần ngồi thùng xe container vượt sang Anh.
Lần thứ 8, Tường buộc phải mượn điện thoại gọi về cho gia đình để vay mượn đóng thêm 100 triệu, chọn đi con đường an toàn hơn là ngồi ở cabin ghế phụ với tài xế.
“7 lần chui trong thùng xe container là những lần hoảng sợ, chỉ nghĩ đến cái chết, đói và rét, có lúc lạnh 2 hàm răng cứ cắn vào nhau. Trong thùng xe, nhiều người đã bật khóc. Thật may lần thứ 8 tôi đi thành công và được vào làm ở quán ăn, sau đó làm nail nên thu nhập cũng khá. Nay chỉ cần nghĩ chặng đường đi, tôi không còn muốn chui vào thùng container thêm lần nào nữa”, anh Tường nhớ lại.
Gần 10 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến hành trình sang nước Anh, anh N.V.T. (trú xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) vẫn khiếp đảm khi 6 lần bị tống vào thùng container để vượt biên nhưng bất thành.
Năm 2004, anh T. học hết phổ thông. Qua môi giới, anh tìm gặp một người đàn ông để đặt vấn đề đi Tiệp Khắc với phí 8.500 USD.
Tháng 4/2006, anh T. được dẫn ra Hà Nội bay đi Tiệp Khắc. Tại đây, anh T. được người môi giới làm “thủ tục” sang Anh. Cùng 7 người khác được đưa về một chiếc kho ở ngoại ô thành phố, anh T. tá túc 1 tuần và được đưa lên ôtô chở sang Pháp.
Tới Paris, cả nhóm được đưa về ngôi nhà ở quận 13. Tại đây có khoảng 40 người Việt đã đợi sẵn từ trước để chờ vượt biên. “Tôi vượt biên bằng đường VIP, đi theo đường dây này tôi phải trả thêm 10.000 euro. Họ bảo đến nơi an toàn mới đóng tiền”, anh T. nói và cho biết suốt 14 ngày ở kho tập kết, họ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
|
Một buổi sáng, nhóm anh T. được gọi dậy để chuẩn bị vượt biên. Tất cả bị đẩy vào một thùng container kín mít rồi di chuyển theo hướng biên giới Pháp - Anh.
Trước khi lên xe, nhóm được lái xe người nước ngoài giao cho 1 cái búa và 1 cái đục để đề phòng trường hợp nguy hiểm như thiếu không khí sẽ được phép đục thùng xe để cầu cứu.
Xe đến cảng Calais thì bất ngờ dừng lại. Khoảng 10 phút sau, cửa thùng container bị mở toang, rất nhiều người mặc cảnh phục đứng chờ sẵn phía ngoài. Đoàn người bị cảnh sát bắt giữ và trục xuất trở lại Pháp. Cứ như thế, anh T. vượt biên qua nước Anh 6 lần nhưng đều bất thành.
Đi theo đường VIP không được, anh T. quyết định chuyển sang vượt biên bằng đường “cỏ” và chỉ phải trả 6.500 euro. Lần này, anh được đưa đến 1 địa điểm gần cây xăng dầu thuộc cảng Calais. Khoảng 23h, T. được đưa lên xe tải chở lốp sau đó nằm chờ đến 4h sáng hôm sau theo xe vượt biên.
“10h sáng cùng ngày hôm đó, xe tải đến địa phận nước Anh. Tôi cùng với 3 người khác rạch bạt xe tải bỏ trốn. Đến một địa điểm an toàn, tôi mượn điện thoại của 1 người nước ngoài gọi điện cho người quen đến đón”, anh T. kể.
Sau khi vượt biên an toàn, anh T. được người quen dẫn về địa điểm ở ngoại ô Paris tìm việc làm. Anh này mưu sinh tại nước Anh suốt 5 năm mới trở về quê hương.
Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) Đặng Anh Tuấn cho biết, toàn xã có 1.229 người, trong đó người dân lao động tại khối các nước châu Âu là 704 người, số còn lại đang lao động tại các nước châu Á. Lao động đi châu Âu phần lớn không khai báo với chính quyền địa phương, do đó chưa thể xác định được bao nhiêu người đi theo con đường trái phép. |
Theo Vietnamnet