Những cái chết bí ẩn sau khi mở lăng mộ Pharaoh Tutankhamun

Thứ ba, 29/10/2019, 10:10
Trong quá trình khai quật mộ Pharaoh Tutankhamun, một số nhà khảo cổ đã có một số hành động được cho là "bất kính" khi kinh động quan tài của vị vua trẻ nhất Ai Cập cổ đại. Đáng chú ý, có tới 22 thành viên của nhóm khảo cổ đã qua đời một cách bí ẩn và nguyên nhân thực sự vẫn gây tranh cãi.

Pharaoh Tutankhamun, còn được biết đến với tên gọi Vua Tut, là vị Pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Tutankhamun lên ngôi vào năm 1332 TCN khi mới 9 tuổi. Triều đại của ông được đánh giá là thời kỳ hoàng kim, phát triển rực rỡ nhất trong mọi vương triều Ai Cập cổ xưa. Tuy nhiên, vào năm 1323 TCN, Vua Tut đột ngột qua đời một cách bí ẩn khi vừa tròn 18 tuổi.

3245 năm sau, lăng mộ pharaoh Tutankhamun được phát hiện vào ngày 26.11.1922 bởi Howard Carter và nhóm nhà khảo cổ của ông. Phát hiện là một bước đột phá trong lĩnh vực khảo cổ học, gây chấn động thế giới lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặc biệt chú ý đến những tai nạn thảm khốc xảy ra liên tiếp với các thành viên trong đoàn khảo cổ, nhà tài trợ và những người liên quan đến họ. Vào năm 1929, tổng cộng 22 người đã tham gia vào việc khám phá lăng mộ Tutankhamun đã chết trong vòng bảy năm.

Vua Tut đã cho khắc trong lăng mộ của mình những lời cảnh báo: "Kẻ nào dám quấy rối giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết"

Đáng nói, những trường hợp này đều tử vong theo những cách khó hiểu, bao gồm cả việc bị giết, tự tử và tai nạn. Theo Express.com, hầu hết ca tử vong đều có thể lý giải về mặt y học. Tuy nhiên, khoảng 6/12 người có mặt trong buổi mở nắp quan tài Tutankhamun chết bí ẩn vẫn chưa thể lý giải,

Người đầu tiên trong nhóm qua đời một cách bí ẩn là George Herbert, bá tước Carnarvon đời thứ 5 và là người hỗ trợ tài chính cho cuộc khai quật lăng mộ Tutankhamun. Ông Herbert mất ngày 4/5/1923 sau khi đặt chân vào lăng mộ, với nguyên nhân qua đời được cho là bị ngộ độc máu, kết quả từ việc nhiễm trùng vết thương do muỗi đốt.

Một số thành viên trong nhóm khảo cổ

Triệu phú người Mỹ George Jay Gould I bất ngờ bị sốt sau chuyến thăm tới lăng mộ Tutankhamun năm 1923. Vài tháng sau, ông mất vì bệnh viêm phổi.

Archibald Douglas-Reid, người phụ trách chụp X-quang xác ướp pharaoh Tutankhamun bị ốm ngay sau khi vào lăng mộ và mất ngày 15/1/1924 vì căn bệnh bí ẩn.

Hugh Evelyn-White, nhà Ai Cập học người Anh đồng thời là một trong số những người đầu tiên có mặt tại lăng mộ Tutankhamun, treo cổ tự tử năm 1924.

Khoảnh khắc các cổ vật được đưa lên từ lăng mộ Tutankhamun

Ly kỳ hơn là trường hợp của Bruce Ingham. Ông được Howard Carter, người đầu tiên mở nắp quan tài Tutankhamun tặng một chiếc chặn giấy được cho là bàn tay xác ướp đeo một chiếc vòng có dòng chữ: "Người nào động tới cơ thể ta sẽ bị nguyền rủa". Một thời gian sau khi nhận món quà kỳ dị, nhà của Ingham bị thiêu rụi trong hỏa hoạn. Khi đang dựng lại, căn nhà lại bị một trận lũ quét qua.

Tất cả những cái chết này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán, hoài nghi và sợ hãi về sự ứng nghiệm lời nguyền trừng phạt của vị Pharaoh trẻ đối với những ai dám xâm phạm nơi yên nghỉ của ông.

Nhà khảo cổ Howard Carter và bá tước George Herbert tại cửa lăng mộ vua Tutankhamun

Qua đời vì 'phạm thượng' hay do nguyên nhân khác?

Trong suốt hàng chục năm sau cái chết của những thành viên của nhóm khảo cổ, đã có rất nhiều giả thuyết dưới góc nhìn khoa học hiện tại được đưa ra.

Một trong những giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những cái chết bất thường của nhiều người tham gia khai quật hoặc thăm lăng mộ Vua Tut là do nhiễm các loại vi khuẩn, nấm mốc lâu năm hay khí độc hại với nồng độ cao trong môi trường ẩm ướt của hầm mộ.

Nhà khảo cổ Howard Carter - người đầu tiên mở nắp quan tài Tutankhamun lại không hề tin vào lời nguyền của pharaoh trẻ nhất Ai Cập cổ đại,

Nhiều nghiên cứu cho thấy một số xác ướp cổ đại có nấm mốc bao gồm ít nhất 2 loại cực độc là Aspergillus Niger và Aspergillus Flavus. Chúng có thể gây phản ứng dị ứng như tắc nghẽn hoặc chảy máu trong phổi và đặc biệt có hại với những người có hệ miễn dịch yếu.

Một số bức tường trong lăng mộ còn có các vi khuẩn tấn công đường hô hấp như Pseudomonas hay Staphylococcus. Các nhà khoa học cũng phát hiện khí amoniac, chất hữu cơ formaldehyde và khí hydro sulfua trong quan tài kín. Ở nồng độ mạnh, chúng có thể gây bỏng mắt, mũi, các triệu chứng của viêm phổi. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, một phát hiện trong các lăng mộ Ai Cập là rất nhiều dơi sống bên trong. Phân dơi cũng mang loại nấm có thể gây ra bệnh về đường hô hấp. Trong điều kiện thích hợp, những chất kể trên có thể gây chết người.

Xác ướp cổ đại có 2 loại nấm mốc cực độc là Aspergillus Niger và Aspergillus Flavus.

Tuy nhiên, theo kênh truyền hình National Geographic, các nhà khảo cổ học hiếm khi đeo mặt nạ khi khám phá các lăng mộ, ngay cả lúc mở quan tài. Đây có thể là lý do khiến nhiều người bị lây bệnh dẫn đến cái chết bí ẩn. Ngoài ra, các trường hợp tự tử hoặc hỏa hoạn được cho là liên quan tới lời nguyền xác ướp có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Theo GenK

Các tin cũ hơn