Nguy cơ bạo lực sau khi Mỹ diệt thủ lĩnh IS

Thứ ba, 29/10/2019, 09:52
Cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi có thể thúc đẩy IS và nhiều nhóm khủng bố trong khu vực đẩy mạnh hoạt động bạo lực, giới chuyên gia cảnh báo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua xác nhận thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kích nổ đai bom tự sát khi bị đặc nhiệm Mỹ dồn tới ngõ cụt trong đường hầm tại nơi ẩn náu ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Cái chết của al-Baghdadi được coi là thắng lợi quan trọng với Trump trong bối cảnh ông bị chỉ trích dữ dội vì quyết định rút quân khỏi Syria, vốn có nguy cơ khiến IS trỗi dậy. Tuy nhiên, sự kiện này có thể không tạo ra nhiều tác động với cuộc chiến chống khủng bố, thậm chí còn có thể thúc đẩy IS tiến hành các cuộc tấn công bạo lực đẫm máu hơn tại Trung Đông, nhiều chuyên gia cảnh báo.

Nhà thủ lĩnh IS bị san phẳng sau cuộc đột kích.

"Cái chết của al-Baghdadi rất có ý nghĩa vì quân đội Mỹ đã loại bỏ được kẻ đứng đầu IS, cũng là một thủ lĩnh có sức hút với các phiến quân, giống như chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden trước kia. Tuy nhiên, nó cũng mang lại động lực mới cho IS khi al-Baghdadi có thể được coi là kẻ tử vì đạo nhờ hành động tự sát", Michael Maloof, cựu quan chức Lầu Năm Góc, cho hay.

IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria dưới thời al-Baghdadi. Chúng nổi lên với vai trò tổ chức khủng bố bạo lực nhất thế giới, vượt xa cả al-Qaeda, với những vụ chặt đầu con tin, đánh bom tự sát, tra tấn và diệt chủng với cộng đồng người Yazidi hồi năm 2014.

Bản thân al-Baghdadi rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu nhiều lần tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh IS, nhưng hắn tiếp tục phát đi những thông điệp kích động nhằm thể hiện rằng mình vẫn còn sống, ngay cả khi vùng đất IS kiểm soát dần bị thu hẹp dưới áp lực quân sự liên tục của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng như sức ép từ quân đội chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga.

"Các nghiên cứu tại Syria cho thấy phần lớn dân thường gia nhập các nhóm phiến quân để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, sau khi cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi các chiến dịch chống khủng bố của nước ngoài. Cuộc đột kích nơi ở của al-Baghdadi có thể trở thành cảm hứng cho các hành động bạo lực đẫm máu hơn", chuyên gia Trung Đông Nicolas Davies cảnh báo.

Việc tiêu diệt al-Baghdadi trên thực tế cũng không gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của IS. "Vai trò của al-Baghdadi chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, hắn không tham gia vào các hoạt động thường ngày của tổ chức này. Tất cả những gì al-Baghdadi làm chỉ là nói có hoặc không, hắn không tham gia lên kế hoạch", một quan chức tình báo Syria tiết lộ.

Thủ lĩnh IS xuất hiện trong video hồi tháng 4/2019. (Ảnh: Al-Furqan).

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trước đó cũng tỏ ý nghi ngờ mức độ quan trọng của chiến dịch này, cho rằng cuộc đột kích chỉ "khiến al-Baghdadi bị loại bỏ sớm hơn dự kiến, nhưng tổ chức của hắn vẫn giữ nguyên".

Đầu não chỉ huy của IS cũng không có nhiều thay đổi sau cái chết của thủ lĩnh tối cao, nhất là khi y đã đích thân lựa chọn kẻ kế nhiệm từ hai tháng trước. Đó rất có thể là Abdullah Qardash hay còn được biết đến với tên Hajji Abdullah al-Afari, người từng phục vụ dưới chính quyền cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thủ lĩnh IS tiếp theo, cũng như sức cuốn hút và khả năng thống nhất các phe phái nội bộ của y. "IS có thể sáp nhập với al-Qaeda, tổ chức khủng bố mà nhóm này từng cắt quan hệ do bất đồng giữa al-Baghdadi với thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri", Davies nhận xét, cho rằng điều này có nguy cơ tạo ra một thế lực khủng bố mới ở Trung Đông.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích