|
Bà Shen ngồi trong ngôi nhà gỗ tồi tàn nhìn ra ngoài buồn rầu. Đã nhiều năm nay kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, bà chưa một giây phút nào thôi nhớ về ngôi làng cũ và ruộng đồng xưa kia. Ở nơi ở mới bà có nhà ở, vẫn có gia đình đi theo nhưng cuộc sống đã thay đổi mãi mãi bởi sinh kế không được như xưa.
Bà không còn thể gặp những người láng giềng cũ, sinh kế của gia đình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đất đai canh tác nông nghiệp ở chỗ mới có rất ít và cũng không màu mỡ.
Trước đây, bà sống ở khu vực mà sau này người ta đã giải tỏa nó để xây đập thủy điện Xiaowan. Cuộc sống của bà và hàng chục nghìn người dân khác đã thay đổi kể từ khi khu vực nhà ở của họ bị buộc phải di dời, phá dỡ để dành đất cho khu vực thủy điện.
38 nghìn con người phải từ bỏ quê cha đất tổ nơi họ đã sống nhiều đời để sang một nơi khác sống và không biết tương lai sẽ đi về đâu khi môi trường sống thay đổi và sinh kế cũng mất đi.
Ở cách đó vài nghìn kilomet về phía Nam, người ngư dân tên Bopha ở vùng Sambor - Campuchia cũng có tâm trạng không hề vui vẻ. Sinh kế của cả gia đình anh phụ thuộc vào nguồn cá ở Biển Hồ, thế nhưng những năm gần đây, anh có thể thấy rõ sự suy giảm về nguồn cá về khu vực này, thu nhập của gia đình anh vì vậy cũng suy giảm theo. Chưa kể đến tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, đất đai kém màu mỡ đi nhiều so với những năm trước đây.
Ở khu vực Biển Hồ của Campuchia, vào mùa mưa, diện tích của Biển Hồ có thể phình to gấp 6 lần, mang theo nó là phù sa bồi đắp cho toàn bộ khu vực mà nước bao trùm. Đất đai nhờ vậy màu mỡ phì nhiêu theo, nhưng giờ đây, khi lượng nước từ Mê Kông đổ vào Biển Hồ giảm đi rất nhiều, không những nguồn lợi thủy sản sụt giảm mà đất đai quanh khu vực cũng ngày một khô cằn đi.
Và tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam, không ít người nông dân suốt bao nhiêu đời nay sống nhờ vào nghề nông giờ đang phải bỏ làng ra đi tìm đến kiếm các công việc tại thành phố lớn bởi đất đai ngày một khô cằn, phù sa bồi đắp ít dần đi, chưa kể đến việc nguồn thủy sản tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Không còn có thể sống được trên quê hương mình bằng sinh kế truyền thống bao đời của cha ông, người dân buộc phải bỏ xứ mà đi.
Những người nông dân chỉ biết trách ông trời, nhưng những nhà hoạch định chính sách của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia thừa biết lý do tại sao.
Sông Mê Kông là con sông mang đến nguồn thủy sản đất liền lớn nhất thế giới. Nguồn thủy sản của sông Mê Kông giúp đảm bảo an ninh lương thực cho ít nhất 60 triệu con người. Ủy ban sông Mê Kông ước tính rằng giá trị thủy sản trên sông ước tính khoảng 11 tỷ USD, chia chung cho 4 nước bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Không chỉ cướp đi nguồn thủy sản vốn đang nuôi sống hàng chục triệu người dân dọc sông Mê Kông, việc xây quá nhiều đập trên dòng Mê Kông làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu con người. Ước tính cho đến nay, ít nhất 8 triệu người đã phải chuyển chỗ ở để dành chỗ cho hoạt động xây đập.
Những công ty xây dựng đi xây đập cam kết với người dân về một cuộc sống mới với cơ sở hạ tầng khang trang, sinh kế đầy đủ, nhưng thực ra cũng chẳng phải lúc nào cũng như vậy, ít nhất theo chia sẻ của tác giả cuốn sách nổi tiếng “Last Days of The Mighty Mekong”, tạm dịch: Những ngày cuối của Mekong vĩ đại. Tác giả là ông Brian Eyler, một nhà nghiên cứu người Mỹ có nhiều năm làm việc tại vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời ông cũng có nhiều chuyến làm việc tại các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
Ông Brian Eyler từng đến thăm nhiều người dân phải chịu di dời để xây đập trên sông Mê Kông, ông nghe nhiều câu chuyện về việc cuộc sống của họ thay đổi theo hướng xấu đi khi chuyển đến nơi ở mới để xây đập, thế nhưng một trong những câu chuyện khiến ông nhớ nhất là ở khu vực xây đập tại Luang Prabang, Lào.
Người dân nơi đây kể lại với ông rằng dù rằng các nhà xây dựng hứa sẽ trợ cấp cho người dân 2 năm khi đến nơi ở mới, họ chỉ nhận được trợ cấp trong vòng 6 tháng, họ cũng chẳng có đất nông nghiệp để trồng lúa nhiều như trước.
Và đáng sợ hơn, nơi ở mới dường như có nhiều vấn đề về sức khỏe, số lượng người già chết nhiều, số lượng trẻ con mới đẻ chết cũng cao. Nhà ở khu vực mới dành cho họ toàn được xây dựng bằng những vật liệu rẻ tiền với chất lượng rất thấp còn những thanh gỗ tốt ở nhà cũ của họ được bán sang Trung Quốc. Họ cảm thấy thực sự khó thích nghi với cuộc sống ở nơi mới dù rằng nhiều năm đã trôi qua.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam những ngày hè năm 2019. Chắc chắn nhiều người sẽ sốc khi biết được con số trong khoảng 6 năm qua, hơn 1 triệu người dân khu vực vì không thể canh tác được đất nông nghiệp ở đây đã phải bỏ xứ mà đi, theo số liệu được cung cấp bởi nhà nghiên cứu Mỹ Brian Eyler.
Những con đập trên sông Mê Kông được xây dựng ngày một nhiều hơn, cùng với đó là sự xuống cấp nghiêm trọng của đất đai khu vực này. Trước đây, người dân khu vực trồng lúa được mỗi năm 3 vụ, giờ chỉ còn 2 vụ, nhưng nguồn thu nhập cũng không đảm bảo.
Theo BizLive