Những ngày cuối tuần, trên các kênh truyền hình giải trí tràn ngập các sô truyền hình thực tế dành cho trẻ em với đủ thể loại, từ tìm kiếm tài năng kiểu tạp kỹ đến tìm kiếm năng khiếu âm nhạc, nhảy múa, nấu ăn... Không thể đếm hết những chương trình truyền hình thực tế thiếu nhi. Ngoài các chương trình được ấn định dành cho trẻ em ngay từ khâu soạn thảo format (định dạng), những phiên bản dành cho người lớn được gắn thêm chữ kids (thiếu nhi) cũng lần lượt ra mắt. Một thị trường kinh doanh gắn với thiếu nhi thực sự sôi động khi có sự hưởng ứng của nhiều đối tượng khán giả và sự mạnh dạn đầu tư từ nhà sản xuất bởi mục đích thu lợi.
Chủ yếu mua vui, giải trí
Các em được công chúng xem truyền hình thích thú bởi khả năng vượt trội của mình so với bạn bè đồng trang lứa. Nhiều em hát rất dễ thương, thậm chí còn có thể hát cải lương, đờn ca tài tử - như chương trình “Giọng ca nhí - Hò, xự, xang, xê, cống”. Các em mang đến niềm vui cho người nghe hơn là bằng giọng hát và khả năng biểu diễn của mình.
Thí sinh 10 tuổi này phải “gồng” mình hát ca khúc “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” một cách mệt nhọc trong sự reo hò của người lớn tại cuộc thi “Người hùng tí hon”. (Ảnh do nhà sản xuất chương trình cung cấp) |
Để “gom” khán giả, “Người hùng tí hon” lại mang đến cho công chúng truyền hình một chương trình biểu diễn có đủ thứ: múa hát, trình diễn thời trang, khả năng diễn hài, bi kịch đẫm nước mắt, làm xiếc, ảo thuật... Thí sinh có cả những bé 3 tuổi, chưa thể hiểu hết điều người khác nói với mình.
Trong sáng, hồn nhiên, đáng yêu là những yếu tố mà thí sinh nhí ở các chương trình truyền hình thực tế thu hút người xem. Không cần hát thật hay, không cần quá xinh nhưng chỉ cần một chút lí lắc, bất cứ cô, cậu bé nào cũng có thể “đốn tim” người xem. Thế nhưng, khi những cuộc thi trở thành hàng công nghiệp, sự trong sáng của các bé cũng không còn.
Nhiều bé bắt đầu trở thành những thí sinh nhẵn mặt tại các cuộc thi, chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Một trong những vị giám khảo của “Người hùng tí hon” tiết lộ nhiều đứa trẻ bị rớt vòng ngoài cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” tiếp tục đến tranh tài tại cuộc thi này.
Thí sinh nhẵn mặt cũng chẳng ảnh hưởng gì nếu chương trình vẫn ăn khách. Đơn vị sản xuất luôn muốn chương trình của mình “sống” nên họ vận dụng các quyền trợ giúp thay vì để mọi thứ diễn ra hồn nhiên và tự nhiên. Một trong những cách thức câu khách phổ biến là “mua hoàn cảnh, bán nước mắt” của thí sinh. Theo đó, thí sinh trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí chưa cần xuất sắc mà chỉ cần gây được hiệu ứng khán giả tốt.
Sự hồn nhiên của những đứa trẻ thực sự bị đánh cắp ở các chương trình truyền hình thực tế bởi ý muốn của chính người lớn. Cứ nghĩ đây là cuộc chơi, ai thích thì tham gia, không thì thôi nhưng suy ngẫm kỹ mới thấy hậu quả không nhỏ trong giáo dục con trẻ.
Con chơi, bố mẹ tranh tài
Điều dễ thấy nhất là các chương trình thường diễn ra ở khung thời gian từ 21 giờ trở đi khi những đứa trẻ đã phải lên giường đi ngủ. Lúc này, khán giả hầu hết là những ông bố, bà mẹ. Những diễn đàn bàn luận, “tham chiến” về các cuộc thi dành cho thiếu nhi cũng toàn là người lớn. Song, điều đó cũng chẳng hề gì nếu người lớn chỉ bàn tán bên lề cuộc chơi cho vui.
Trong cuộc thi “Người hùng tí hon”, một số bé tự tin thể hiện khả năng diễn kịch (phần lớn là bi kịch) và hầu hết đều gây chú ý với khán giả, thậm chí lấy nước mắt người xem. Tuy nhiên, khi giây phút xúc động qua đi, người xem ngỡ ngàng vì nghe các bé tiết lộ những tiểu phẩm tìm cha, gào thét gọi mẹ hay tranh luận về tình thương... đều được cha mẹ chỉ dạy trước khi đến tranh tài.
Tại cuộc thi “The kid host”, MC Quỳnh Hương đã phải lúng túng trước không ít câu chuyện về hoàn cảnh gia đình mà các bé kể cho chị nghe. Ở phòng kiểm tra thứ nhất, một cậu bé cho biết “cha mẹ ly hôn” và giận cha. Thế nhưng, ở phòng kiểm tra thứ 2, cũng cậu bé này lại nói rằng “cha đi làm xa, rất ít khi ở nhà để chơi chung”. Rõ ràng, những đứa trẻ được đưa đến cuộc thi không còn đơn giản là để tìm kiếm một sân chơi ý nghĩa.
“Có 3 kiểu thí sinh tham gia các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi. Một là, những người muốn con cái họ có được trải nghiệm cuộc sống thông qua những giây phút áp lực, cạnh tranh trong cuộc thi. Hai là, những người nuôi tham vọng thực hiện giấc mơ của mình mà những đứa con của họ tin rằng có tài năng sẽ thực hiện thay cha mẹ. Họ cũng muốn khoe con mình tài giỏi. Ba là, những người nuôi giấc mơ đổi đời bởi giải thưởng của những cuộc thi này khá hấp dẫn” - nhạc sĩ Minh Vy phân tích.
Minh chứng cho việc này là sự “phất” lên của những học viện, trung tâm giáo dục âm nhạc. Nhiều phụ huynh đã trang bị cho con mình những gì cần thiết để tham gia các cuộc tranh tài, thậm chí học hát ca, nhảy múa nhiều năm trước khi đăng ký dự thi. “Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng này khiến nhiều phụ huynh không nhận ra đam mê và tài năng là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau” - ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi lo ngại. Điều đó cũng lý giải vì sao nhiều thí sinh rớt ở cuộc thi này vẫn tiếp tục tranh tài ở cuộc thi khác.
Bỏ qua giai đoạn ươm mầm Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, sự phát triển của thời đại không thể bó buộc những đứa trẻ mãi xem những chương trình bông hoa nhỏ, hoạt hình hay chỉ đọc sách. Việc các em tự tin thể hiện khả năng của mình trên sân khấu là điều cần thiết. Dù vậy, người lớn chỉ nên định hướng cho trẻ ở mức tự tin thể hiện cá tính bản thân thay vì hướng các em theo con đường thi thố, tranh đua thắng thua. “Những điều dính dáng đến ý thích của người lớn đều có thể gây tổn thương cho trẻ” - ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi nhận xét. Về các sân chơi dành cho thiếu nhi nở rộ hiện nay, nhạc sĩ Phương Uyên cho rằng điều lo ngại lớn nhất là thái độ “làm lơ” của người lớn đối với các tài năng nhí tìm kiếm được. “Để có được những tài năng thực sự cho tương lai - tức là một thế hệ vàng kế thừa những tài năng nghệ thuật lớn tuổi, đã đến lúc nghỉ hưu - chúng ta cần phải có những sân chơi tìm kiếm tài năng. Thế nhưng, những tài năng đó, dù giỏi đến đâu, cũng chỉ là các viên ngọc thô cần mài giũa. Để trở thành tài năng thật sự, các em cần phải được dạy dỗ mới hoàn thiện. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng hiện nay luôn bỏ qua giai đoạn ươm mầm. Điều này cũng dễ hiểu vì giai đoạn tìm kiếm tài năng có doanh thu, trong khi giai đoạn ươm mầm lại phải đầu tư kinh phí” - nhạc sĩ Phương Uyên phân tích. |