Cẩn trọng góc khuất đời tư nghệ sĩ

Thứ sáu, 08/12/2017, 09:55
Câu chuyện Lê Giang kể trên truyền hình bị chồng cũ là nghệ sĩ Duy Phương bạo hành, từng phải uống thuốc ngủ tự tử đang làm dậy sóng dư luận.

Cát Phượng khóc khi Kiều Minh Tuấn tặng hoa trong chương trình "Sau ánh hào quang"

Lợi cho mình, thiệt cho người

Sau khi thông báo khởi kiện ban tổ chức chương trình, hôm qua (7.12) nghệ sĩ Duy Phương nói với báo chí sẽ suy nghĩ lại ý định vì không muốn làm khổ những người liên quan. Chưa thể khẳng định ai đúng ai sai trong câu chuyện Lê Giang kể trên sóng truyền hình, nhưng trước mắt đã có 3 người là Duy Phương và 2 con của họ bị tổn thương tinh thần. Chiều 6.12, video Sau ánh hào quang với Lê Giang đã bị gỡ khỏi các kênh chính thức.

Khán giả Hoàng Yến (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thẳng thắn: “Tôi xem câu chuyện của nghệ sĩ Thanh Hà với mẹ của cô, rồi Xuân Lan gây sốc khi kể bất chấp mọi thứ để yêu anh ca sĩ mà các đồng nghiệp khuyến cáo là gay. Cô còn kể mua sừng tê giác để chữa gay cho mối tình 7 năm. Bây giờ đến chuyện Lê Giang. Bộ phận kiểm duyệt nội dung và cả nhà đài vì sao lại không cắt đi những tình tiết trong Sau ánh hào quang mà họ biết chắc sẽ gây xôn xao và làm tổn hại đến danh dự người bị nói đến?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện không nhỏ giữa hai mẹ con nghệ sĩ Thanh Hà diễn ra hàng chục năm qua và khi cả hai chưa thể giải quyết mâu thuẫn, hiểu lầm thì không nên sắp xếp cho họ gặp nhau trong chương trình. Ca sĩ Phương Thanh nói: “Khi còn trẻ ta thường rất hay nói thẳng, nói huỵch toẹt tất cả. Nhưng càng trưởng thành thì càng cần phải suy nghĩ thấu đáo trước khi kể chuyện gì. Một câu chuyện quá khứ khi nhắc đi nhắc lại nhiều sẽ trở nên “không lành”.
Sau ánh hào quang, Hát câu chuyện tình, 1 tiếng kể hết... là các talkshow mà MC bằng cách trò chuyện sẽ khai thác gần như hầu hết cuộc đời của một nghệ sĩ. Những “góc khuất” trong cuộc đời với những nhân vật liên quan trong quá khứ cũng được đưa ra.
Dĩ vãng là bài học để chúng ta trưởng thành nhân cách, nhìn lại quá khứ có khi giúp chúng ta sửa sai. Vậy nên khi phát biểu về quá khứ có những cái được nói và có những cái không nên.
Người ta hay nói câu “sống để bụng chết mang theo” là vậy. Riêng câu chuyện khi nói ra lợi cho mình, thiệt cho người thì càng phải hạn chế công bố”.
“Nhiều sự thật bẽ bàng, chua xót”
Cách đây không lâu ca sĩ Đào Bá Lộc kể câu chuyện về người yêu đồng giới với một danh hài; nghệ sĩ hài Thúy Nga tiết lộ từng yêu người đồng tính; ca sĩ Duy Khánh trong talkshow 1 tiếng kể hết nói về mối quan hệ bị hiểu lầm từ Hari Won (vợ Trấn Thành) khi nhắc đến lời đồn anh với Trấn Thành...
Những thông tin này làm đảo lộn cuộc sống của tất cả những người bị nhắc đến. Họ phải mang khẩu trang khi ra đường và gần như ít nhận show trong thời điểm ấy. Ca sĩ Jun Phạm nói về tình cảm đồng giới với Isaac, ca sĩ Lâm Khánh Chi khi phát hành cuốn tự truyện đã hé lộ cuộc tình với một nam ca sĩ viết tắt là Đ.T (dù phủ nhận Đ.T không phải Đan Trường) nhưng làm người trong cuộc quay quắt. Cuốn tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân cũng từng gây bão khi kể chuyện quá khứ liên quan đến những cuộc tình của cô.
Lê Giang trong chương trình Sau ánh hào quang
Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương tự nhận: “Ai cũng có một “góc khuất”, không nên nhắc lại, nhất là khi câu chuyện đó liên quan lớn đến người thứ hai, thứ ba. Đời tư nghệ sĩ khi nhắc đến có thể được thương xót nhưng cũng có thể bị chửi. Nhiều sự thật hiểu ra bẽ bàng và chua xót lắm thì hà cớ gì cứ phải nói hết, kể hết làm xấu người, xấu cả mình. Nghệ sĩ không nhất thiết phải dùng đời tư, những chuyện quá thầm kín để được công chúng quan tâm”.
Khán giả Nguyễn Thị Tuyết ở Phan Thiết, Bình Thuận đồng tình: “Người bình thường khi phát biểu về người thứ hai, thứ ba đã rất thận trọng huống chi nghệ sĩ được nhiều người biết đến. Tại sao nghệ sĩ không kể về những kỷ niệm đẹp, những tình huống mang tính nhân văn trong các show truyền hình? Ví như chuyện Kiều Minh Tuấn thổ lộ tình yêu với Cát Phượng trong chương trình Sau ánh hào quang bằng một bó hoa chuyển từ xa và xin nối máy với chị. Anh viết kèm hoa: “Tặng vợ của anh” làm mọi người cảm động. Tại sao không đẩy mạnh và khai thác những câu chuyện kiểu như thế để cảm nhận hạnh phúc lan tỏa đến mọi người?”.
“Theo quy định của điều 34 bộ luật Dân sự 2015 thì: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, khi một người hay một tổ chức mang đời tư của người khác lên truyền hình hay công khai trên báo giới khi chưa được phép của người đó, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ thì cá nhân bị xúc phạm có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Cá nhân bị xúc phạm còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn