1. Một ngày cuối năm 1960 đầy may mắn, Albert Johanneson gặp lại thày giáo trung học của mình tại cửa hiệu tạp hóa ở Germiston (Nam Phi). Ông thày kể về nước Anh, CLB Leeds, nơi ông từng đi dạy học và có quan hệ với BLĐ CLB. Ông biết Johanneson là một cầu thủ tài năng từ khi còn học phổ thông nhưng không thể đá bóng ở Nam Phi. Lời mời được ông thày đưa ra và Johanneson lập tức đồng ý và khởi đầu cho hành trình của những thế hệ cầu thủ châu Phi tại Anh. Johanneson tới Leeds tháng 4/1961, trở thành cầu thủ da màu đầu tiên ở Anh với một cuộc đời bi kịch…
Johanneson là người đầu tiên HLV lừng danh Don Revie mang về Leeds, để bắt đầu cuộc chinh phục bóng đá Anh (Á quân FA Cup và League Cup năm 1965). Ngay mùa đầu tiên, Johanneson là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất của Leeds dù chạy cánh trái. Nhưng sự xuất sắc đó không thể ngăn cản các CĐV Anh coi Johanneson như một tên quái vật.
Ông bị đối xử thô bạo, bị chửi mắng trên khán đài, kỳ thị, phân biệt chủng tộc cả trên sân lẫn ngoài đời. Bước ngoặt của Johanneson diễn ra vào năm 1966 với một chấn thương nặng. HLV Don Rebie mua Eddie Gray thay thế. Johanneson chỉ còn là cái bóng đi từ bệnh viện về nhà và 2 năm sau, ông giã từ sự nghiệp khi mới 30 tuổi, bỏ lại gần 50 bàn thắng cho Leeds. Bế tắc, Johanneson tìm đến quán bar, rượu và cần sa.
Năm 1992, Johanneson đột ngột biến mất. Mãi 3 năm sau, khi cái tên Johanneson dần nhạt nhòa thì cảnh sát đưa tin, họ tìm thấy xác của cựu cầu thủ Leeds đã phân hủy ở căn hộ chung cư Headingly…
2. Số phận của cầu thủ châu Phi mở đường tới Anh đầy bi kịch, như một điềm báo cho sự vất vả của những thế hệ cầu thủ châu Phi sau này tại Premier League. Họ phải đương đầu và vượt qua nạn phân biệt chủng tộc, sức ép từ sự kỳ thị của xã hội châu Âu. Drogba có thể chưa phải cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất, giàu thành tích nhất thế giới, càng không phải là huyền thoại mở đường như Johanneson. Nhưng ở châu Phi, Drogba là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, ý chí chiến đấu trong 8 năm chơi cho Chelsea. Và Drogba cũng là hiện thân cho tính cách châu Phi ở Premier League: hoang dã và đầy khát vọng, điên rồ nhưng rất nhân văn…
Mở đầu cuốn tự truyện của Drogba là lời tựa do HLV Mourinho viết. Ông kết thúc bằng câu: “Didier, cậu luôn bên cạnh trái tim tôi!”. Mourinho viết thế, bởi ông đã cảm nhận được con người Drogba trong ngày ông đón Voi rừng ở sân bay 8 năm trước. Drogba cũng như Johanneson, là người đầu tiên Mourinho mang về để tạo nên một triều đại mới cho Chelsea.
Khi đó, Drogba nói: “Xin cảm ơn. Tôi sẽ chiến đấu vì ông. Tôi sẽ bên ông mãi mãi!”. Nhưng ngay chính trong cuốn tự truyện đó, Drogba suýt nhận án phạt của FA khi viết rằng: “Tôi ước gì được đấm thẳng vào mặt cái gã Vidic một trận nên thân…”. Rồi mới đây, Drogba tạo ra scandal vượt mặt Villas-Boas, và được coi là một trong những tác nhân khiến HLV này cuốn gói rời Chelsea. Còn Voi rừng ở lại và đánh dấu cột mốc 100 bàn thắng tại Premier League cho The Blues!
3. Châu Phi không khó tìm ra những huyền thoại vĩ đại hoặc giàu thành tích hơn Drogba nhiều: Roger Milla, Abedi Pele, George Weah, Eto’o, Kanu… Nhưng không có ai gắn bó với một CLB lớn châu Âu lâu như Drogba, thậm chí trở thành “quyền lực đen” như anh. Hơn nữa, châu Phi đã phải mất tới 51 năm để đợi có người thực sự chinh phục nước Anh. Có lẽ vì thế mà LĐBĐ châu Phi đã xếp Drogba thứ 2 trong danh sách “Những cầu thủ châu Phi vĩ đại nhất mọi thời đại” chỉ sau G.Weah. Bởi lẽ, nhiệm vụ chinh phục một đội bóng, một giải đấu như Premier League xứng đáng là một niềm tự hào. Bởi Drogba là người viết tiếp lịch sử của 51 năm châu Phi tại Anh. Và bởi Drogba không tái hiện lại hồi kết như của Johanneson…
Theo Bongdaplus