SEA Games chưa đấu, Myanmar đã đại thắng: Tổ chức ở đâu, chủ nhà cũng "Thành công rực rỡ"

Thứ năm, 14/02/2013, 09:14
Tối ngày 29/1/2013, tức gần 10 tháng trước khi SEA Games 27 chính thức diễn ra, tại Myanmar, phiên họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á kết thúc. 33 môn thi đấu được đưa ra để thông qua, và dù chưa thi đấu, nước chủ nhà đã chắc chắn đứng Nhất hoặc Nhì toàn đoàn vì được chơi những môn thể thao “thế mạnh mà chẳng có ai chơi cùng”. Còn thể thao Việt Nam đã mất trắng nhiều tấm huy chương quan trọng vì các môn Thể dục dụng cụ, lặn... không có trong nội dung thi đấu.

Chủ nhà không nhất cũng nhì

Đại hội thể thao khu vực lần thứ 27 cơ bản đã ngã ngũ ngay từ bây giờ, sau phiên họp của Hội đồng thể thao ĐNÁ vẫn được coi là “thi đấu trên bàn” với đủ những bi hài.

Ngay từ trước phiên họp, lãnh đạo thể thao rồi báo chí khu vực lên tiếng phản đối dữ dội về danh sách các môn thi dự kiến mà Myanmar đưa ra, ngoài phần lợi quá lớn thuộc về nước chủ nhà, nước nào cũng “thiệt hại” vài chục HCV khi  các môn, nội dung thế mạnh bị loại.

Thế nhưng đến phiên họp chính thức diễn ra qua 2 ngày theo đủ cách từ đấu tranh trực diện đến vận động bên lề, hợp nhóm hay đơn lẻ từng nước, kết quả vẫn không thể thay đổi nhiều. Nước chủ nhà vẫn điều hành và quyết định toàn bộ, với một tiêu chí tiên quyết được đặt ra: chỉ tổ chức những môn mà họ có thể giành tối thiểu 1/5 số HCV.

Sea Games

Myanmar nắm lợi thế hoàn toàn để giành thứ vị cao tại SEA Games 27 với tư cách chủ nhà

Càng “kinh hãi” hơn khi Myanmar cho hay cũng sẵn sàng thảo luận để đưa môn thế mạnh của đoàn này đoàn khác vào nhưng với một điều kiện: phải được san sẻ huy chương, cũng phải ở mức 1/5 tương ứng, bất kể thực lực thế nào.

Dù trước sức ép quá lớn, rốt cuộc, Myanmar đã có vài nhân nhượng ví như đưa trở lại một số môn cơ bản đại chúng như bóng bàn, cầu lông, hay tăng thêm số nội dung của điền kinh, bơi, tuy nhiên về đại thể, họ đã thắng lớn. Nhìn vào danh sách 33 môn thi với trên 450 nội dung mà chắc chắn còn phình ra, quả thật, Myanmar sẽ có thể giành ít nhất 1/5 hay kém lắm cũng 1/6 số HCV để không đoạt ngôi nhất thì cũng đứng hạng nhì toàn đoàn.

Họ sẽ chỉ còn phải lo tranh ngôi đầu với Thái Lan vốn mạnh và toàn diện vượt trội. Vị trí thứ 3 sẽ được phân định bởi Việt Nam và Indonesia. Còn 10 tháng nữa, Đại hội mới khởi tranh, nhưng coi như đã ngã ngũ sau cuộc “thi đấu trên bàn”.

Lỗ hổng chết người qua nửa thế kỷ

Những diễn biến tưởng như lạ thường kể trên của SEA Games 27 lại là chuyện quá bình thường ở thể thao ĐNÁ. Thậm chí, so với một số nước chủ nhà trước đó, Myanmar đã phần nào đỡ tham lam hơn. Chẳng nói đâu xa, ngay Indonesia 2 năm trước, còn đưa cả gần chục môn mới lạ vào để ẵm nửa số HCV.

Theo thống kê, sau mỗi kỳ ĐH, chương trình tranh tài lại thay đổi đến phân nửa, ít nhất cũng khoảng 1/3 - điều tuyệt nhiên không có ở bất cứ cuộc đấu thể thao quốc tế nào khác. Khi nhận quyền đăng cai, một nước chủ nhà được toàn quyền, thậm chí thích như thế nào là cứ việc bỏ môn này ra, đưa môn kia vào, tăng giảm nội dung một cách thoải mái.

Điều đáng nói, nó chẳng căn cứ vào bất cứ tiêu chí nào cả, một môn Olympic như bóng đá nữ, TDDC, đấu kiếm rồi hàng loạt nội dung chính thức của bắn súng, vật cũng có thể bị loại, để nhường chỗ cho “đặc sản” lạ hoắc miễn sao có lợi nhất cho chủ nhà, đồng thời triệt tiêu sức mạnh của các đối thủ.

Chẳng thế mà hễ nước nào đăng cai lập tức có bước “đại nhảy vọt” về thành tích, thứ hạng. Ngoại trừ những nước quá yếu như Bruney hay Lào, còn lại hễ nước nào tổ chức đồng nghĩa họ luôn đoạt ngôi số 1, và lần này đến lượt Myanmar cho dù ở SEA Games trước họ chỉ đứng thứ 7 với đúng 16 HCV.

Có quá nhiều lý do để SEA Games lâu nay vẫn bị coi như một “hội làng” hay tệ hơn là “ao nhà” nhưng gốc rễ của nó chính là từ chương trình tranh tài bị biến dạng một cách vô lối như thế, hoàn toàn phụ thuộc vào nước chủ nhà. Mang danh đấu trường đỉnh cao nhất khu vực song nó đã chẳng thể phản ánh được, dù chỉ một phần, diện mạo và thực chất phát triển của cả ĐNÁ cũng như từng nước.

Dù vậy, cũng không thể trách các nước chủ nhà, đơn giản vì suốt qua 26 kỳ Đại hội, Hội đồng thể thao ĐNÁ đã để xảy ra một lỗ hổng chết người. Theo đó, quyền quyết định chương trình thi đấu, chí ít cũng phần cơ bản đáng ra phải thuộc về Hội đồng, phải luôn thống nhất và ổn định thì lại được trao cả cho nước chủ của từng kỳ Đại hội.

Cuối cùng, SEA Games nào cũng vui là lạ như hội, nhất là “ông” chủ nhà, và vẫn chỉ mãi là hội!

Thể thao Việt Nam “mất trắng” khoảng 15 HCV

Không phải đoàn chịu thiệt nhất nhưng Việt Nam coi như mất trắng khoảng 15 HCV khi 2 môn thế mạnh hàng đầu đấu kiếm và đặc biệt thể dục dụng cụ bị loại khỏi danh sách SEA Games. Sở dĩ nói “mất trắng” vì đây là 2 môn Olympic truyền thống, luôn có mặt tại bất cứ đấu trường quốc tế nào một cách đương nhiên, trừ SEA Games. Trong đó, không có thể dục dụng cụ, coi như ít nhất 10 HCV trong tầm tay của Việt Nam đã đi tong.

Dầu vậy, với hàng loạt môn mũi nhọn thuộc nhóm võ - vật - bắn súng, cùng điền kinh, cờ vua và kể cả “đặc sản” Vovinam vẫn được duy trì với số nội dung tương đối đảm bảo, Việt Nam vẫn có thể tự tin cho mục tiêu tiếp tục lọt vào Top 3 tại SEA Games 27, mà đích nhắm cụ thể là hạng 3. So với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Indonesia, Việt Nam có lợi thế rõ rệt.

Danh sách 33 môn thi tại  SEA Games 27

Thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước), bắn cung, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, billiard&snooker, thể hình, boxing, canoeing, cờ (cờ vua và cờ truyền thống của Châu Á), xe đạp, đua ngựa, bóng đá và futsal nam nữ, golf, judo, karatedo, muay, pencak silat, rowing, thuyền buồm, cầu mây và chinlone, bắn súng, bóng bàn, taekwondo, tennis, đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, cử tạ, vật, wushu,Vovinam.

Theo thethao

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích