Anh đã trở thành công chức của Đài tiếng nói Việt Nam như thế nào?
Sau một thời gian hợp tác, tôi được mời về và trở thành ca sĩ của Đài TNVN từ năm 2008. Từ 2008 đến tháng 6/2012 thì tôi công tác tại Nhà hát Đài tiếng nói VN, còn bây giờ tôi công tác tại một phòng mới thuộc Hệ âm nhạc thông tin giải trí VOV3.
Nếu không được lãnh đạo đài tiếng nói mời về, anh có chịu bỏ 100 triệu để chạy công chức không?
Hả? Tại sao phải bỏ ra từng đấy tiền để chạy công chức.
Tôi trở thành công chức như một cái duyên. Sau một số lần hợp tác với Đài tiếng nói VN tôi được lãnh đạo mời về làm việc ở đài. Nhưng nói thật là trước khi về, tôi cũng phải cân nhắc rất là nhiều. Về đài mình sẽ được cái gì và sẽ bị hạn chế những cái gì vì đặc thù nghề nghiệp cũng khác những công việc khác.
Về đài thì cũng có nhiều thuận lợi cho mình như được tập luyện và biển diễn chung với một dàn nhạc lớn, chuyên nghiệp. Ngoài ra được xuất hiện nhiều trên đài, giao lưu với khán giả.vv..
Ngoài ra, công việc ở đài không bắt buộc tôi phải làm việc hành chính, ngày nào cũng phải 8 tiếng có mặt ở cơ quan. Chỉ những khi biểu diễn, tập luyện, thu thanh vv.. thì mình phải đến thôi.
Theo anh nói, về đài anh được lợi nhiều thứ chứ không phải vì lương và lương hưu sau này?
Nói thật, lương công chức bình thường đối với cuộc sống hiện tại còn chật vật nữa là lương hưu. Nếu mình không làm thêm bên ngoài mà sống với đồng lương công chức hiện tại rất là vất vả. Tất nhiên, tôi phải biểu diễn thêm bên ngoài.
Thật sự lương không phải là vấn đề khi tôi quyết định về đài. Tôi cũng không để ý đến lương của mình lắm. Tôi còn không biết được hệ số như thế nào nữa. Cuối tháng lương chuyển vào tài khoản. Và cuối năm hoặc có đợt nào cần thì tôi rút…cũng kha khá. hehe!
Ca sĩ Minh Quân: Có tình trạng chạy công chức, trước tiên cũng phải nói đến việc bật đèn xanh của nhà tuyển dụng |
Mấy hôm nay, báo chí xôn xao về chuyện vào công chức ở Hà Nội mất 100 triệu. Anh có nghe thông tin này không? Anh nghĩ sao về chuyện này?
Bạn nói thì tôi mới biết. Nhưng thực chất việc chạy công chức này, nó đã tồn tại lâu rồi. Và nó chính là một trong những biểu hiện của tham nhũng đấy!
Khi chúng ta đang bài trừ tham nhũng thì việc này cũng đáng phải lên án và phải loại bỏ hiện tượng này.
Theo tôi, những người chạy công chức hầu như là những người không làm được việc hoặc do yếu tố lợi ích cá nhân nên người ta bỏ tiền ra chạy việc hoặc mưu cầu thăng tiến về sau.
Tôi cũng thấy một số người làm trong các cơ quan nhà nước với rất nhiều bằng cấp nhưng chuyên môn, kỹ năng và trách nhiệm đốii với công việc thì rất kém. Trong khi đó cơ quan nhà nước đòi hỏi những người có trình độ năng lực và trách nhiệm cao.
Chính vì thế, việc chạy chức chạy quyền sẽ làm cho bộ máy nhà nước yếu dần đi bởi những người không có năng lực, không có trách nhiệm. Như vậy sẽ rất là nguy hiểm cho đất nước và xã hội.
Theo tôi việc lên án chuyện cũng như loại bỏ việc chạy công chức là việc cần làm.
Với giá 100 triệu để chạy công chức anh thấy rẻ hay là đắt so với thời buổi kinh tế hiện nay, khi mà hiện tượng này ngày càng phổ biến?
Tôi thấy, ngày nay làm cái gì cũng phải chạy. Ngoài chạy công chức, tôi còn biết nhiều người còn chạy làm cô giáo ở những trường điểm, chạy làm bảo vệ ở các cơ quan lớn.…
Có tình trạng chạy công chức, trước tiên cũng phải nói đến việc bật đèn xanh của nhà tuyển dụng. Người tuyển không soi xét năng lực, chuyên môn mà soi xét xem phong bì dầy hay mỏng rồi mắt nhắm, mắt mở ký duyệt. Thế là, với một số tiền họ bỗng dưng trở thành công chức nhà nước dù năng lực kém hoặc còn nhiều hạn chế so với nhiều người khác.
Còn chuyện đắt hay rẻ thì khó nói lắm. Có thể vào được một vị trí này họ mất 100 triệu nhưng sẽ cho họ địa vị thăng tiến hơn trong tương lại. Vào vị trí đó, họ mất 100 triệu nhưng họ có thể kiếm được tiền nhiều hơn trong tương lai. Rồi dần dần họ sẽ được đưa lên vị trí lãnh đạo của phòng nọ ban kia, hay đưa lên cơ quan cao hơn chẳng hạn.
Dù gì chăng nữa thì việc chạy công chức cũng là một trong những hình thức tham nhũng. Mà tham nhũng đang là vấn nạn đang được quan tâm nhất của của nước ta trong thời điểm hiện nay.
Việc bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để nhận lương hơn 2 triệu đồng/tháng phải chăng là một sự đầu tư... dại dột?
Tôi nghĩ nếu trước khi bỏ tiền chạy công chức người ta cũng đã tính toán rất kỹ.
Họ được cái gì khi bỏ ra 100 triệu đồng ấy? Vào vị trí đó họ sẽ được gì ngoài cái đồng lương 2 triệu đồng/tháng sẽ nhận được từ nhà nước? Đó là mối quan hệ trong xã hội, sự thăng tiến trong công việc, chức vụ trong tương lai và quan trọng là vị trí đó sẽ cho họ nhiều tiền hơn.
Chẳng ai dại dột gì bỏ ra 100 triệu đồng để nhận mức lương 2-3 triệu đồng/ tháng nếu như họ không nhìn ra được những lợi ích to lớn hơn. Người ta có đủ trí thông minh để cân nhắc mọi thứ.
100 triệu thì bằng thu nhập mấy show diễn của các anh nhỉ?
Cái đó tôi xin không tiết lộ.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Phunutoday