Gần như năm nào cũng vậy, cứ đến gần ngày ra mắt thì chân dung của thế hệ iPhone mới cũng thường hiện ra khá rõ ràng qua các tin đồn rò rỉ. Năm nay, đó là một bức chân dung đáng buồn: thay vì vén màn một thế hệ hoàn toàn mới sau năm S tương đối ảm đạm, Apple vẫn sẽ "cố đấm ăn xôi" với thiết kế cũ. Toàn bộ 3 mẫu iPhone 11, iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max đều sẽ sử dụng thiết kế "tai thỏ" được Apple dùng từ iPhone X.
Với iFan mong chờ trải nghiệm mới, đó cũng sẽ là một tin buồn: trải nghiệm iPhone năm nay vẫn sẽ là trải nghiệm "tái chế", nhường chỗ cho iPhone 2020 thực sự tỏa sáng. Tuy vậy, có một lý do có thể khiến iFan NÊN thực sự cân nhắc tới iPhone 11 thay vì iPhone 2020.
Thế hệ đầu tiên
Hãy cùng nhìn lại những thế hệ iPhone "hoàn toàn mới" trong quá khứ. Gần đây nhất, năm 2017 Apple thực hiện 2 thay đổi quan trọng: màn hình tràn viền và cụm camera FaceID phía trước. Với 2 thay đổi này, iPhone X vừa là mẫu iPhone đầu tiên có màn hình OLED, vừa mở màn cho trào lưu "tai thỏ", lại vừa mang trong mình một đột phá công nghệ độc đáo (chip controller trong thân máy thì vì đặt "cạnh" màn hình).
Công nghệ mới, lỗi mới |
Kết quả: rất nhiều người dùng phải lên tiếng than phiền vì tình trạng lỗi sọc màn hình phổ biến chưa từng thấy. Tỷ lệ liệt cảm ứng cao tới mức chính Apple phải thừa nhận và đưa ra lời hứa giải quyết. Một số cửa hàng sửa chữa tại Việt Nam thậm chí còn có thời điểm từ chối nhận iPhone X do nguy cơ chết màn quá cao. Ra mắt cùng một năm, iPhone 8 hay iPhone 8 Plus thì không bị lỗi như vậy: về bản chất, chúng tái sử dụng màn hình và thiết kế từ thời iPhone 6.
Nhưng iPhone 6 khi ra đời cũng chẳng êm đẹp chút nào. Các iFan chắc hẳn vẫn còn ghi nhớ cảm xúc vui mừng khi Apple thực hiện bước tiến lên màn hình lớn đã nhanh chóng trở thành cảm giác hoảng sợ khi cả iPhone 6 và iPhone 6 Plus có thể bị bẻ cong như... bẻ kẹo. Không hiểu vì lý do gì, khi thiết kế và sản xuất điện thoại mỏng cỡ lớn, Apple đã không nhận ra rằng chúng rất dễ bị... uốn cong.
Thiết kế mới, lỗi cũng mới. |
Ấy vậy mà Bendgate vẫn chưa phải là scandal tệ hại nhất của Táo. Có lẽ không một ai có thể quên được "Antennagate" từng xảy ra trên iPhone 4, chiếc iPhone cuối cùng của Steve Jobs. Với thiết kế 2 mặt kính viền kim loại khiến iFan mê mẩn, iPhone 4 gặp rất nhiều vấn đề kết nối do tín hiệu antenna chỉ có thể "thoát" ra khỏi thân máy qua một khe hở nhỏ phía dưới. Đây cũng là vị trí người dùng hay cầm tay trên điện thoại, và khi scandal tất yếu xảy ra, Steve Jobs lại tổ chức sự kiện để nói... xin đừng cầm iPhone sai cách.
Hơn 1 năm sau ngày iPhone 4 ra đời, iPhone 4s được vén màn và không gặp phải bất cứ vấn đề nào về camera cả. Cũng trên tất cả các thế hệ iPhone tái sử dụng thiết kế "bản bo tròn" từ iPhone 6 như 6s, 7 và 8, thân máy đã được cải tiến để có thể chống chọi với lực bẻ tốt hơn trước. Để iPhone 6s Plus hay iPhone 7 trong túi quần bó sát, iFan không còn phải lo máy sẽ uốn cong như trước nữa.
Thiết kế tái sử dụng
Kịch bản có thể sẽ sớm lặp lại với chiếc iPhone đột phá của năm sau. Nếu Apple ra mắt thiết kế hoàn toàn mới (tràn viền) theo đúng những gì đã rò rỉ, gần như chắc chắn iPhone 2020 sẽ phải đối mặt với những lỗi "giời ơi đất hỡi" như iPhone X, iPhone 6 và iPhone 4. iPhone 11 thì không, bởi ít nhất Apple đã có 2 năm kinh nghiệm sản xuất điện thoại "tai thỏ" rồi. Nếu muốn ăn chắc mặc bền, có lẽ bạn nên nghĩ ngay tới chiếc iPhone 11 nhàm chán của năm nay.
Theo GenK