Quy định đám cưới không được mời quá 300 khách là vô lý

Thứ tư, 03/10/2012, 10:46
“Chuyện trọng đại cả đời, chẳng mấy ai đem chuyện lỗ lãi ra bàn khi làm đám cưới. Quy định đám cưới mời 300 khách và 50 mâm cỗ có thể đối với cán bộ, đảng viên là cần thiết, việc gì phải gom luôn đối với thân nhân họ…”. Đó là một trong nhiều ý kiến băn khoăn mà bạn đọc đã gửi đến một số báo chí.
Dưới góc nhìn của đảng viên trẻ, Ma Thị Kim Anh, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội cho rằng, để tránh lãng phí, tham nhũng và xây dựng lối sống văn hóa thì cần những việc làm thiết thực hơn thay vì đề xuất những quy định không hợp lý.

Mỗi gia đình thành thị hiện chỉ có 1-2 người con. Nếu gia đình có điều kiện, đám cưới là dịp để anh em họ hàng, bạn bè thân hữu đến chung vui. “Chiếu theo đề xuất này, chỉ có 300 người được dự cỗ còn lại gia chủ mời họ đến xơi nước”, Kim Anh bày tỏ. Theo Kim Anh, nên vận động tiết kiệm chứ không nên quy định.

 
 cuoi.jpg - 74.73 KB
 
Đôi bạn trẻ trong một đám cưới tập thể, một hình thức tiệc cưới tiết kiệm 

Nguyễn Văn Hải (23 tuổi, nhân viên Tập đoàn Dai-ichi Life Nhật Bản) cho rằng quy định này chưa hợp lý. “Nếu tôi làm đám cưới tiệc buffet thì sao, biết bao nhiêu mâm? Và nếu tôi làm một mâm/10 người, 20 người thì chẳng lẽ đang đám cưới những người kiểm tra lại đuổi khách về?”, Hải nói.
 
Ông Nguyễn Phi Thảo, Phó chủ tịch xã Bá Thiện, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, cho rằng tiết kiệm, văn minh hay không là tùy ý thức tự giác của mỗi người, mỗi gia đình. Ông Thảo có một con gái sinh năm 1989 sắp làm đám cưới.

Theo ông Thảo, gia đình luôn quán triệt sẽ tiết kiệm hết sức có thể và hạn chế nhất số lượng người mời, nhưng phải đủ họ hàng nội ngoại, bạn bè thân quen.

Theo dự tính, đám cưới con gái ông cũng khoảng 100 mâm. “Không thể lấy con số 50 mâm hay 300 khách để đánh giá sự tiết kiệm, văn minh, gương mẫu. Có thể quy định với cán bộ, đảng viên, còn thân nhân thì: xin thưa không. Chưa kể những hệ lụy của việc cắt cử người theo dõi đám cưới nhà người khác. Còn đâu là tế nhị, thuần phong mỹ tục Việt Nam?”, ông Thảo bày tỏ.

 
Đồng tình với mục đích tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm nhưng nhà Hà Nội học, nhà nghiên cứu văn hóa, ông Giang Quân cho rằng, không nên áp đặt quá máy móc 30, 50, 70... mâm hay bao nhiêu người cho các đám cưới.

“Giáo dục từ ý thức vẫn là cốt lõi trong việc giải quyết vấn đề này. Thay vì những quy định máy móc chúng ta nên gợi mở giải pháp phù hợp để cán bộ, đảng viên tự nguyện thì đám cưới sẽ không còn nhiêu khê bởi những quy định áp đặt mà sẽ thực sự văn minh, tốt đẹp”, ông Giang Quân cho biết.

 
Nguyễn Long Bình, P.Kim Giang, Q.Hoàng Mai, Hà Nội, nói: “Nếu đã từng làm đám cưới, sẽ có nhiều người đồng ý với tôi rằng cưới càng đơn giản, gọn nhẹ càng tốt. Chọn khách mời là việc đau đầu nhất trong các công việc chuẩn bị cho đám cưới. Bởi lẽ mời ai, chọn ai gia chủ phải tính toán cân nhắc kỹ, nếu mời “ào ào” dễ bị điều tiếng, hiểu lầm là trục lợi.

Đa phần người tổ chức đám cưới đều ý thức tổ chức tiết kiệm. Chuyện trọng đại cả đời, chẳng mấy ai đem chuyện lỗ lãi ra bàn khi làm đám cưới. Trên thực tế, đám cưới nào có tiền mừng bằng với chi phí đặt tiệc, dịch vụ đi kèm đã là may mắn.

Càng cưới to có khi càng lỗ nặng. Thông thường đám cưới ăn uống linh đình, diễn ra trong nhiều ngày chỉ rơi vào số ít người làm quan to, có địa vị trong xã hội. Nhiều khách được mời không thể không đi, hoặc họ đi vì những mục đích, toan tính khác chứ không đơn thuần là đến chúc mừng cho cô dâu, chú rể và gia chủ.

Thế nên tôi cho rằng đề xuất này không phù hợp với số đông. Có thể quy định riêng đối với cán bộ, đảng viên; nhưng việc gì phải gom luôn thân nhân họ…”.

 
Còn anh Nguyễn Dũng Chí, kỹ sư công nghệ thông tin Công ty TNHH Việt Lộc, cho rằng, đề xuất này rất khó áp dụng tại khu vực nông thôn, nơi vẫn còn nặng về yếu tố văn hóa làng xã. Nếu ở trong phố, đám cưới tổ chức trong nhà hàng, khách sạn dễ chủ động đặt tiệc theo lượng khách mời. Còn ở nông thôn, gia chủ rất khó trong việc dự trù khách mời, người đến dự tiệc.

Bởi theo phong tục, nhà tôi có đám cưới, ngoài anh em họ hàng gần xa, hàng xóm mỗi nhà cũng có vài người đến phụ việc đương nhiên họ cũng là thành phần dự tiệc. Chưa kể còn những quan hệ làng trên xóm dưới, không thể không mời.

Cưới là sự kiện đại hỷ của cả gia đình nên mỗi thành viên đều có số lượng khách mời riêng tùy theo quan hệ cá nhân.

“Anh có là cán bộ, đảng viên thì đám cưới cũng phải tùy theo phong tục và văn hóa ở địa phương mà ứng xử, thế nên nếu quy định này được áp dụng sẽ khiến gia chủ phiền hà nhiều hơn.

Ở quê tôi ngày trước, tùy theo dòng họ to hay nhỏ, đám cưới cũng cỡ từ 100 - 120 mâm cỗ. Vài năm gần đây, người dân đã có ý thức tiết kiệm trong tổ chức đám cưới, cho dù đã hạn chế khách mời nhưng đám cưới vẫn phổ biến ở 70 - 80 mâm”, anh Chí nói.

 
Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn