|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc từ 25-28/3. (Ảnh: Reuters) |
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau 7 năm nhậm chức lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã đưa ra đề xuất nhằm giảm căng thẳng trên khu vực bán đảo Triều Tiên và không đẩy tình hình khu vực tới “miệng hố chiến tranh”.
“Nếu Hàn Quốc và Mỹ tỏ ra thiện chí với những nỗ lực của chúng tôi và tạo ra một bầu không khí hòa bình và ổn định cũng như thực hiện các biện pháp đồng bộ theo từng giai đoạn để đạt được hòa bình, thì vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể đi đến kết quả”, Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Kim trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA không nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim trong bản tóm tắt chuyến công du của ông tới Trung Quốc.
Dù vậy, giới quan sát vẫn cho rằng phát ngôn của ông Kim thể hiện sự chuyển dịch một phần nào đó trong thái độ cứng rắn của Triều Tiên với vấn đề hạt nhân nhiều năm qua dù khái niệm phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên dường như không tương đồng với nhau.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định rằng tuyên bố của ông Kim đã được tính toán cẩn thận nhằm mục đích tìm kiếm sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa với Bắc Kinh trước Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vào tháng 5. Mặt khác, Triều Tiên dường như đang muốn có thêm thời gian để cân nhắc những trao đổi, được mất khi hợp tác với cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân.
Ông Zhou cho rằng sự kiện lần này cho thấy ông Kim là người nhanh nhạy và biết lựa chọn thời điểm khi đưa ra đề xuất nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng về vấn đề thương mại. Hồi tuần trước, Mỹ đã áp thuế 60 tỷ USD cho hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc và Bắc Kinh ngay sau đó đã đáp trả bằng một đạo luật thuế khác.
Viễn cảnh phi hạt nhân hóa hoàn toàn
|
Một tên lửa Triều Tiên trong buổi duyệt binh (Ảnh: Reuters) |
Dù có nhiều ý kiến lạc quan nhưng chuyên gia Shi Yinhong từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin của Trung Quốc lại cho rằng chính quyền ông Kim khó lòng từ bỏ hoàn toàn các biện pháp răn đe hạt nhân vì trước giờ Triều Tiên vẫn khẳng định vũ khí hạt nhân đảm bảo sự sinh tồn cho Bình Nhưỡng, là mục tiêu tối quan trọng của nước này. Ông Shi cũng cho rằng Triều Tiên có thể sẽ từ bỏ một phần của kho vũ khí.
Ông Lu Chao, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nói rằng việc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ đòi hỏi quá trình đàm phán kéo dài và nhiều bên sẽ cùng phải tham gia.
Ông Pang Zhongying, giáo sự đại học Đại dương Trung Quốc, cho rằng trong quan điểm của ông Kim Jong-un, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nghĩa là Mỹ cũng sẽ phải rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc. Ông cho rằng viễn cảnh dường như khó lòng xảy ra vì Mỹ có thể sẽ không dễ dàng chấp nhận, vì vậy ông không mấy lạc quan về cái gọi là sự thay đổi mang tính đột phá sau đàm phán Mỹ - Triều.
Chuyên gia Zhang Baohui cho rằng mặc dù việc yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc dường như là mục tiêu cuối cùng của ông Kim Jong-un, nhưng ông được cho là sẽ không vội vàng đề xuất vấn đề này trong lần gặp mặt đầu tiên.
Thay vào đó, Triều Tiên có thể sẽ đề xuất một Hiệp ước hòa bình giữa 2 miền Triều Tiên nhằm thay thế hiệp định vốn đang quy định 2 phía đang trong giai đoạn chiến tranh về mặt kỹ thuật trong 60 năm qua. Ngoài ra, ông Kim có thể đề xuất bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhằm giảm bớt ảnh hưởng của lệnh trừng phạt và cấm vận của quốc tế vốn đang khiến Triều Tiên rơi vào tình trạng khó khăn.
Theo Dân Trí