Tôi rất ngượng khi bị gọi là "Hoàng đế trong âm nhạc"

Chủ nhật, 05/05/2019, 09:13
Có danh tiếng trong một cộng đồng này không có nghĩa là cộng đồng khác cũng phải biết đến mình. Tôi rất sợ những danh xưng do người khác tự gán cho.

Tuấn Ngọc tên thật là Lã Anh Tuấn, sinh năm 1947 tại Đà Lạt trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông bắt đầu đi hát từ năm 4 tuổi, trong những chương trình thiếu nhi trên đài phát thanh. Từ năm13 tuổi, ông bắt đầu hát ở những club và vũ trường tại Sài Gòn. Từ đầu thập niên 1990, Tuấn Ngọc chủ yếu thể hiện các nhạc phẩm Việt Nam trữ tình. Đến nay, ông vẫn còn đi hát.

Những ai cho rằng tôi là một cái tên, gương mặt của mọi nhà thì có thể sẽ phải suy nghĩ lại sau khi đọc những câu chuyện này.

Vào một buổi tối cách đây hơn chục năm, tôi đang ngồi trong nhà hàng với một nhóm bạn, trong đó có ca sĩ Thái Hiền, cũng là chị vợ tôi. Lúc đó, có một người đàn ông đến chào và trò chuyện. Anh này nói: “Tôi rất thích nghe giọng hát Tuấn Ngọc và Thái Hiền, không chê vào đâu được”. Đang tiếp tục mạch nói chưa dứt bỗng dưng anh dừng lại, nhìn tôi và hỏi: “Nhưng xin lỗi, anh là ai vậy?”.

Cách đây vài năm, lúc ngồi ăn trong một tiệm mì gần nhà ở Bình Thạnh, tôi nghe hai phụ nữ trung niên bàn kế bên hình như đang nói về mình. Một người nói: “Ông này là ông nào nhỉ?”. Người còn lại tiếp lời: “Nhìn quen lắm, cố gắng nhớ đi". Thấy vậy, tôi nói vọng sang: “Chế Linh”. Một người “ừ ừ” như đã nhớ ra, nhưng người còn lại vẫn chưa chịu: “Không phải đâu. Chế Linh đen hơn nhiều”.

Và đó không phải lần duy nhất tôi bị nhầm lẫn với người khác. Mới gần đây, khi vừa lên taxi, anh tài xế sau vài lần nhìn tôi, cuối cùng cũng nói: “Chú hát nhạc bolero hay lắm, cháu cũng rất thích nghe bolero”. Bolero nào phải dòng nhạc của tôi. Lúc đó, chắc anh tài xế này đang nghĩ tôi là Tuấn Vũ cũng nên.

Rõ ràng, mình có danh tiếng trong một cộng đồng này không có nghĩa là cộng đồng khác cũng phải biết đến mình. Câu chuyện của hai người phụ nữ trong tiệm mì hay anh tài xế taxi là ví dụ. Ông bà, cha mẹ của các cháu thế hệ 9X, 10X có thể nghe tôi rất nhiều nhưng chưa chắc các cháu đã biết “ông Tuấn Ngọc” là ai.

Được một số người coi là “tượng đài tân nhạc Việt Nam” nhưng đã từ rất lâu, tôi không coi trọng danh tiếng vì nó không làm thay đổi giá trị bản thân mình. Năm 2006, trong show diễn đầu tiên tại Việt Nam sau 30 năm, tôi đã khẳng định như vậy và cho tới bây giờ càng tin vào điều đó.

“HOÀNG ĐẾ XIN KÍNH CHÀO QUÝ VỊ”

Có lần trước khi ra hát ở một show ca nhạc, tôi được MC giới thiệu: "Tuấn Ngọc là hoàng đế trong âm nhạc". Nghe vậy, tôi thực sự cảm thấy rất ngượng. Lúc bước ra sân khấu, tôi liền nói: "Hoàng đế xin kính chào quý vị".

“Hoàng đế” nào mà đi “kính chào quý vị”? Nói vậy để thấy rằng tôi sợ những danh xưng do người khác gán cho như thế nào.

Tôi đi hát từ năm 4 tuổi, trong những chương trình thiếu nhi trên đài phát thanh. Từ năm 13 tuổi, tôi bắt đầu đi hát ở những club và vũ trường tại Sài Gòn vào thập niên 60.

Mỗi đêm ở vũ trường, tôi đứng trên sân khấu hát để các cô, các chú, các bác dìu dặt du dương khiêu vũ bên dưới. Vì đặc thù, trong vũ trường luôn rất tối, ai biết việc người đó. Tôi cứ hát và nhắm nghiền mắt, thực sự “riêng một góc trời”.

Kể từ đó, tôi không coi khán giả chỉ đơn thuần là những người đến nghe mình hát mà là nguồn sống của nghệ sĩ chúng tôi.

Môi trường làm việc như vậy đã có những ảnh hưởng nhất định đến phong cách biểu diễn và cả nhân sinh quan của tôi cho đến tận bây giờ. Ví dụ như khi hát, tôi vẫn thường hay nhắm mắt.

Thêm nữa, với bản tính vốn khép kín, việc thường xuyên đứng biểu diễn trong bóng tối có lẽ cũng phần nào có tác động đến cách tôi nhìn nhận về danh tiếng.

Tôi nghiệm ra mình chưa bao giờ thèm khát danh vọng. Thời còn chưa ai biết đến, chỗ nào gọi thì mình hát, không thì thôi, chứ tôi không nghĩ đến việc phải kết thân giao du với ai hay đánh bóng bản thân để được nhiều lời mời hơn. Mà cho dù có muốn vậy, tôi cũng không làm được.

Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ mình không sai khi quan niệm về danh tiếng. Thế nhưng, có một điều tôi cho rằng phải chi thời trẻ mình nghĩ khác hơn. Đó là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả.

Thời trẻ, tôi luôn nghĩ có hai thế giới riêng biệt giữa người nghệ sĩ và khán giả. Lúc đi hát ở club hay vũ trường, tôi chỉ biết chơi nhạc mình thích và chỉ quan tâm mình có thấy hạnh phúc hay không. Thế nhưng, khi chuyển sang hát ở Hawaii vào thập niên 80, tôi mới nhận ra nghệ sĩ cần khán giả đến mức nào.

Hawaii quá chật chội với các nhóm nhạc. Các ban nhạc phải cạnh tranh rất khốc liệt để được chọn trình diễn trong năm, sáu khách sạn lớn. Trong từng đêm diễn, tôi quan sát thấy các đồng nghiệp người Mỹ của mình phải xuống từng bàn để tương tác, thăm dò phản ứng của khán giả và luôn cố gắng hết sức để làm họ vui lòng.

Kể từ đó, tôi không coi khán giả chỉ đơn thuần là những người đến nghe mình hát. Họ là nguồn sống của nghệ sĩ chúng tôi.

TRI ÂN KHÁN GIẢ CHẲNG BAO GIỜ LÀ ĐỦ

Tôi vẫn thường hay ví von mình như cá, còn khán giả là nước. Hãy cố nương nhau mà sống. Nhưng mà phải nhớ là cá không có nước thì cá chết. Còn nước không có cá thì cùng lắm chỉ là…hơi kỳ một chút thôi.

Hãy thử hình dung một đêm diễn, khán giả nếu đến mà không có tôi thì cùng lắm họ sẽ chỉ hỏi “sao kỳ vậy?” rồi đi về. Còn nếu tôi đến điểm diễn mà không có khán giả nào vì bất kỳ lý do nào - như bị tẩy chay chẳng hạn - thì sẽ ra sao? Và vài lần như vậy thì sẽ khủng khiếp đến thế nào?

Nghệ sĩ như cá, còn khán giả là nước. Nhưng cá không có nước thì cá chết. Còn nước không có cá thì cùng lắm chỉ là…hơi kỳ một chút thôi.

Khán giả của tôi có thể là một cậu bé “bị” cha mẹ bắt đi nghe tôi hát từ khi còn 8 tuổi. Gần 15 năm qua, khán giả đó vẫn chưa chán tôi. Rồi có một nữ khán giả bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để nghe tôi hát một đêm rồi sáng hôm sau lại bay về. Và một doanh nhân đã bỏ công việc, vợ con để ra Hà Nội nghe tôi hát đủ 3 đêm tôi làm liveshow ở đó.

Trong một buổi diễn của tôi ở Australia, có khán giả viết giấy yêu cầu tôi hát tặng cho cô em gái vắn số của họ. Trước khi mất, cô gái ấy có yêu cầu được nghe một bản nhạc của tôi vào ngày giỗ hàng năm. Vợ tôi, ca sĩ Thái Thảo, đã khóc trên sân khấu khi đọc mảnh giấy đó.

Tôi tri ân khán giả mình chẳng bao giờ là đủ. Họ luôn rộng lượng, bao dung với tôi hơn những gì chính tôi cảm nhận về bản thân mình. Bất kỳ ai - từ một em bé bán báo, nhà báo, nghệ sĩ, bác sĩ hay doanh nhân - tất cả đều dành cho tôi một tình cảm mà mình không bao giờ tưởng tượng được.

Tôi tri ân khán giả mình chẳng bao giờ là đủ. Họ luôn rộng lượng, bao dung với tôi rất nhiều hơn những gì chính tôi cảm nhận về bản thân mình.

Và do vậy, tôi buộc phải thay đổi bản thân để gần với khán giả hơn một chút. Mang tiếng có bộ mặt “lạnh như tiền”, những năm gần đây tôi tập cho mình cười nhiều hơn, chuyện trò với khán giả nhiều hơn trong mỗi đêm diễn.

Không biết chuyện có đi xa quá không khi bây giờ đi hát, thi thoảng tôi lại nhận được mảnh giấy yêu cầu kể một câu chuyện cười. Hoặc có khán giả níu tay tôi lại trước khi lên sân khấu và dặn: “Chút nữa anh nhớ nói nhiều nhiều một chút nhé”.

Mình đi hát mà khán giả lại yêu cầu “nói” là sao? Thế nhưng, cho dù có hoang mang đôi chút vì những yêu cầu đó, tôi thực lòng cảm thấy hạnh phúc vì tình cảm từ khán giả.

Và tôi cũng chưa bao giờ phủ nhận mình là người may mắn trong nghề nghiệp. Tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại trường hợp của hoạ sĩ Vincent van Gogh (Hà Lan). Khi còn sống, chẳng ai công nhận van Gogh và ông cũng không bán được bức tranh nào. Chỉ khi ông chết đi thì sự công nhận ấy mới đến.

Tôi được yêu quý ngay cả khi còn sống. Đó chẳng phải là một sự may mắn không dễ gì có được sao?

ĐỈNH YÊN BÌNH HIỀN HOÀ

Thế nhưng, không may mắn và khán giả nào ở lại với người nghệ sĩ nếu bản thân người đó nghĩ mình chỉ có thể sống bằng danh tiếng và quên trau dồi, tự đào luyện bản thân.

Một trong những may mắn nhất của tôi là được làm việc mình yêu thích cho đến tận bây giờ. Càng nhận rõ điều đó, tôi càng buộc bản thân phải không ngừng tự học để ngày mai sẽ hát tốt hơn ngày hôm qua.

Tôi học từ tất cả các nguồn có thể. Tôi đọc từ Music Theory for Dummies (tạm dịch: Lý thuyết âm nhạc cho người chưa biết gì) cho đến những giáo trình mới nhất về cách lấy hơi, cách chọn tư thế hát, cách ngân giọng.

Tôi không dám nói mình hát hay, nhưng lại đủ tự tin để khẳng định chưa bao giờ mình biết hát như bây giờ.

Khi đi xem một ca sĩ mình yêu thích, như Tony Bennett (nay đã 92 tuổi và vẫn còn đi hát), tôi không chỉ học kỹ thuật mà còn cách ca sĩ này chọn vị trí, bố trí đội hình ban nhạc hay phong cách ông giao lưu với từng nhạc công. Đối với tôi, đồng nghiệp nào cũng có cái cho mình học.

Cho đến giờ, tôi nghĩ mình là một ca sĩ trung bình. Thế nhưng, để đạt đến ngưỡng trung bình này, tôi biết mình đã phải phấn đấu và tập luyện rất nhiều. Tôi không dám nói mình hát hay, nhưng đủ tự tin để khẳng định chưa bao giờ mình biết hát như bây giờ.

Hạnh phúc đối với tôi bây giờ cũng thật giản đơn. Đó chỉ là một buổi sáng bên tách trà, cây đàn guitar ở vườn nhà, và âm nhạc. Âm nhạc sẽ chẳng bao giờ làm chúng ta phải buồn.

Gần 70 năm đi hát, làm sao tránh được những lời chê bai. Không thể bắt cả thế giới phải thích giọng hay cách tôi hát. Đối với tôi, những lời phê bình nào xác đáng, tôi luôn lắng nghe bằng tất cả sự cầu thị. Cuối cùng thì vẫn không ai khắt khe với tôi bằng chính bản thân mình.

Tôi luôn vô cùng tâm đắc với lời Đức Phật dạy: Hãy điềm tĩnh, giữ tâm vững vàng trước những lời chê bai của kẻ ác ý, xem đó như món quà mà ta không nhận thì người ấy tự đem về.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích