Công Phượng sẽ có lần thứ ba trong sự nghiệp sang nước ngoài thi đấu. Sau những chuyến phiêu lưu không thành công ở Mito Hollyhock (Nhật Bản) và Incheon United (Hàn Quốc), điểm đến của cầu thủ sinh năm 1995 là CLB VV Sint-Truidense của Bỉ. CLB này được sở hữu bởi ông chủ người Nhật Bản Keishi Kameyama, có hợp tác trao đổi và đào tạo cầu thủ với 5 đội bóng Nhật Bản, trong đó có Consadole Sapporo - CLB cũ của Công Vinh.
Sint-Truidense là một trong những câu lạc bộ giàu truyền thống nhất ở Bỉ khi được thành lập từ năm 1924. Sân nhà của đội bóng này là Stayen, sức chứa chỉ rơi vào khoảng 14.600. Sint-Truidense chưa bao giờ đăng quang ở giải VĐQG Bỉ, họ mới chỉ có 4 chức vô địch Giải hạng 2 vào các năm 1986, 1993, 2008, 2014 và 1 Cúp quốc gia năm 1997. Vị thuyền trưởng đang dẫn dắt đội bóng này là ông Marc Brys (57 tuổi), một HLV còn khá vô danh và ít tiếng tăm ở châu Âu.
Công Phượng gia nhập Sint-Truidense. |
Sint-Truidense vừa về đích ở vị trí thứ 7 mùa trước và được đánh giá là đội bóng trung bình khá, xếp sau các đội bóng giàu truyền thống như Anderlecht, Standard Liege, Racing Genk hay Gent. Đội bóng mới của Công Phượng giành 47 điểm sau 30 vòng đấu (12 thắng, 11 hòa và 7 thua), kém nhóm đá vòng play-off đúng 2 điểm.
Sint-Truidense có đến 6 cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu gồm Takehiro Tomiyasu, Daichi Kamada (được cho mượn từ Eintracht Frankfurt), Kosuke Kinoshita, Yuta Koike, Takahiro Sekine và Wataru Endo.
Sint-Truidense mới lên hạng ở mùa 2015/16, nhưng thành tích 3 mùa giải ở hạng đấu cao nhất nước Bỉ của CLB lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Thứ hạng của mùa sau luôn cao hơn mùa trước, mà đỉnh cao là vị trí thứ 7 trong 16 đội ở mùa 2018/19.
Với thành tích ổn định cùng quá trình đầu tư bài bản được thực hiện bởi tập đoàn thương mại điện tử, Công Phượng có thể yên tâm được tập luyện, thi đấu ở một đội bóng chất lượng, khác với tình cảnh đá ở hạng dưới như khi còn thi đấu cho Mito Hollyhock hay đá ở đội yếu kém tại K-League như Incheon United.
Công Phượng phải cạnh tranh với nhiều cầu thủ tài năng ở đội bóng mới. |
Ở Sint-Truidense, Công Phượng sẽ gặp lại Tomiyasu và Endo - hai đối thủ vừa cùng Nhật Bản giành ngôi Á quân Asian Cup hồi tháng 1 vừa qua. Trong 6 cầu thủ Nhật Bản khoác áo Sint-Truidense, Tomiyasu là cầu thủ ra sân nhiều nhất với 27 lần, Endo cũng có 17 lần chơi ở hạng đấu cao nhất nước Bỉ.
Trên hàng tấn công, Sint-Truidense có tới 9 cầu thủ cạnh tranh suất đá chính với tuổi đời đá số còn rất trẻ. Cầu thủ lớn tuổi nhất là Cristian Ceballos, trưởng thành từ học viện bóng đá La Masia của Barcelona. Dàn tấn công của Sint-Truidense còn có đội trưởng Jordan Botaka, Ballongo, Janssens, Swers, Asamoah, Bolly.
Ngoài ra còn có chân sút từng thi đấu tại các giải VĐQG hàng đầu như Mamadou Sylla (cựu cầu thủ Espanyol), Elton Acolatse (trưởng thành từ Ajax). Đó là chưa kể tiền đạo người Nhật Bản Kinoshita.
Tomiyasu (trái) từng đối đầu Công Phượng ở Asian Cup. |
Cuộc cạnh tranh cho vị trí đá chính sẽ vô cùng khốc liệt. Ở Incheon United, Công Phượng không thể hiện được nhiều do chưa bắt nhịp với K-League và không phù hợp với môi trường giàu tốc độ, thể lực tại Hàn Quốc. Nên nhớ, thử thách ở Bỉ sẽ còn khó hơn nhiều lần khi giải VĐQG nước này đứng thứ 8 châu Âu về mặt chất lượng (sau Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha) và Sint-Truidense có rất nhiều hảo thủ trong đội hình.
Công Phượng là cầu thủ duy nhất đến từ nền bóng đá đang phát triển và có sự nghiệp thi đấu quốc tế trong màu áo CLB khá hạn chế.
"Tôi sẽ cố gắng trong tập luyện sinh hoạt để được ra sân và không làm phụ lòng người hâm mộ", tiền đạo gốc Đô Lương chia sẻ trong buổi lễ ký hợp đồng với Sint-Truidense. Giao kèo của Công Phượng với đội bóng Bỉ kéo dài trong 1 năm và bầu Đức khẳng định sẽ không ràng buộc số trận ra sân của Công Phượng cho CLB mới.
Theo VTC