Công Vinh học Đại học, có thể lắm, bởi đó là một hướng đi, thậm chí là sự giải thoát cho cầu thủ có tiếng là cầu thị này. Và nếu Công Vinh từ chối tiếp xúc với CLB Sriwijaya, cũng nhiều khả năng, bởi chơi bóng lúc này không phải là ưu tiên số một của Công Vinh. Trong nhiều tình huống, Công Vinh luôn là người giành quyền chủ động, chứ không “nắm đằng lưỡi” như nhiều người nghĩ.
Từ chối thi đấu…
“Nếu cần, em có thể hy sinh giai đoạn một mùa giải 2013 để giải quyết dứt điểm chuyện hợp đồng, đi-ở với CLB chủ quản. Em không vội, bởi ngay cả khi không thi đấu (vì CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên đã không đăng ký mùa giải 2013-PV), đội bóng vẫn có nghĩa vụ trả lương với những bản hợp đồng còn thời hạn như trường hợp của em”, chúng tôi vẫn chưa quên những tâm sự của Công Vinh, trước ngày ĐT Việt Nam lên đường dự AFF Cup 2012.
Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của Công Vinh, khi anh đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp thực sự. |
Ngày báo lên khuôn, Công Vinh có điện lại cho PV và rằng, có thể người viết đã hiểu sai ý của anh. “Em tâm sự với anh, bởi là chỗ thân tình, nhưng tuyệt nhiên không có ý định để được đăng báo. Rõ ràng những thông tin như thế vào thời điểm nhạy cảm là không có lợi cho chúng em. Trong điều khoản hợp đồng có ghi rõ, nếu tự ý phá vỡ hợp đồng, Công Vinh sẽ phải đền bù gần 20 tỷ. Và em sẽ không dại dột để làm điều ngu ngốc ấy”, vẫn lời Vinh.
Công Vinh vẫn được nhiều người biết đến như một cầu thủ khôn ngoan bậc nhất, nhưng cũng thi thoảng anh nổi nóng, hấp tấp và vội vã. Hành động phản ứng BHL khi bị thay ra trên đất Thái là một viện dẫn. Không đời nào Vinh muốn tự ý phá vỡ hợp đồng, bởi cũng theo lời Vinh: “Giờ em lấy đâu ra số tiền lớn như thế để bồi hoàn? Đó là chưa kể tương lai đội bóng còn chưa biết thế nào. Mọi chuyện từ từ tính”.
Mới đây, cũng có thông tin Vinh đã từ chối lời mời của CLB Sriwijaya, mà không đưa ra bất cứ lý do nào, ngoài những giải thích khá chung chung của ông GĐĐH CLB BĐ Hà Nội Lê Xuân Thông. Trên thực tế, với quyền sở hữu Công Vinh, CLB BĐ Hà Nội (và cao hơn là Cty CP BĐ Hà Nội) hoàn toàn có thể đàm phán chuyển nhượng, cho mượn hoặc bán đứt, tất nhiên, phải có sự đồng ý của “thân chủ”. Và Vinh đã lắc đầu.
Để làm chồng, làm cha
Vào Đại học TDTT Từ Sơn, chắc chắn Vinh sẽ học tại chức và không phải thi đầu vào (các đương kim tuyển thủ QG khi nộp hồ sơ học Đại học TDTT Từ Sơn hoặc Đại học TDTT TW II, hệ tại chức, đều được miễn thi đầu vào-PV). Nó cho phép Vinh vẫn còn đủ không gian và thời gian để lo việc riêng, ví như chuyện ở CLB, ở Cty CP BĐ Hà Nội và xa hơn nữa là gia đình, tại Nghệ An và căn hộ chung cư cao cấp tại quận 7 TP.HCM, nơi người vợ của anh sắp sinh.
Ở tuổi 27, với đầy đủ những thăng trầm, những vinh quang và cả những cay đắng, những tích lũy về kinh nghiệm sống, cũng như tiền tài…, Công Vinh có quyền tự cho phép mình sống chậm. Anh muốn dừng lại để kiểm nghiệm sau tất cả những gì đã xảy ra và quan trọng, anh muốn ở bên cạnh vợ và con. Đó là một mưu cầu chính đáng, bởi để xảy ra cơ sự này, với việc Vinh (và đồng đội) phải ngồi chơi xơi nước vì thất nghiệp, lỗi không thuộc về những người làm thuê.
Công Vinh hay Thành Lương (hay bất cứ một cái tên nào khác thuộc biên chế 2 đội bóng của bầu Kiên và hiện vẫn còn hợp đồng) chỉ là nạn nhân và cần được thông cảm, chia sẻ, thậm chí cần nhận được sự giúp đỡ. Khi phần lớn các đội bóng Việt Nam đều cho rằng, Vinh không còn là hàng “hot” ở cả khía cạnh chuyên môn lẫn quảng bá thương hiệu, hãy để tự anh quyết định. Vậy cớ gì cứ phải ồn ào nhỉ? Cuộc sống cá nhân của cầu thủ với những góc khuất riêng tư vẫn cần được tôn trọng.
Cách đây không lâu, khi Công Vinh xỏ giầy và xin tập ké SG.XT trong một trận đấu tập tại TP.HCM, đã rộ lên thông tin Công Vinh có thể Nam tiến, cũng là để tiện chăm sóc tổ ấm nhỏ của mình. Nhưng suy luận như thế là oan uổng cho Vinh, bởi thực tế, anh chỉ muốn duy trì, tìm chút niềm vui trên sân cỏ, rồi sẽ lại trở về với chức phận của một người chồng, một người cha. Công Vinh có thể là ngôi sao sân cỏ, nhưng anh cũng chỉ là người phàm. Chắc thế rồi!
Loại trừ khả năng Công Vinh tự ý phá vỡ hợp đồng (còn thời hạn 2 năm) với CLB BĐ Hà Nội, sau đây là những tình huống có thể xảy ra: - CLB BĐ Hà Nội sẽ tiếp tục phải trả lương cho Công Vinh (dù là 50 hay 70% hệ số lương, như thời gian vừa qua, cho đến khi buộc phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn. - Theo luật, chỉ cần chậm lương 3 tháng không rõ lý do, Công Vinh (và đồng đội) có thể khởi kiện đội bóng cũ, thậm chí đơn phương chấm dứt hợp đồng (theo Luật Lao động Việt Nam hiện hành), và Vinh sẽ được tự do. - Sau giai đoạn một mùa bóng 2013, với tính toán của người trong cuộc, nếu đạt được một thỏa thuận hợp lý về số tiền bồi hoàn hợp đồng, Công Vinh sẽ đầu quân cho một CLB trong nước, chứ chắc không ở nước ngoài. |
Theo Thethaovanhoa