Liên quan đến công tác chuẩn bị thành lập VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN), hôm qua, VFF và đại diện 14 CLB V-League, 10 CLB hạng Nhất đã có cuộc họp tại trụ sở VFF để “chốt” lại các vấn đề cuối cùng. Công việc diễn ra khá suôn sẻ. Các bên đã thống nhất ký điều lệ Công ty, hoàn tất các văn bản cần thiết để trình lên Sở KH-ĐT Hà Nội xin cấp phép hoạt động.
Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2011, sau khi được cấp giấy phép, Công ty sẽ tiến hành Đại hội cổ đông, thông qua bộ máy điều hành cũng như cơ cấu nhân sự trước khi chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của TT&VH thì các vị trí chủ chốt ở VPF về cơ bản đã được “quy hoạch” xong. Điểm dễ nhận thấy là ưu thế nổi trội của các thành viên VFF trong cơ cấu nhân sự của VPF. Điều này được lý giải đơn giản từ số cổ phần ưu thế của VFF trong VPF là 35,6% theo đề xuất của “bầu” Kiên.
Bầu Đức cho rằng mô hình hoạt động của VPF hoàn toàn khác với
BTC giải của VFF trước kia nên không sợ chuyện “bình mới rượu cũ”
Cụ thể, vị trí Chủ tịch HĐQT VPF gần như chắc chắn sẽ thuộc về Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Trên thực tế, ông Dũng hầu như không có đối thủ nếu xét ở cương vị đại diện cho VFF tham gia vào VPF. Cũng khó có thể chọn được ứng viên nào thích hợp hơn nếu phải tìm một người đủ khả năng làm cầu nối giữa VFF với phần còn lại.
Một chức danh khác được nhiều người quan tâm là TGĐ VPF sẽ do Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn đảm nhiệm. Dưới ông Viễn một chút, vị trí Phó TGĐ đang được “ướm” cho GĐĐH CLB ĐT.LA Phạm Phú Hòa. Tuy nhiên, trong trường hợp chấp thuận, ông Hòa sẽ phải thôi công việc hiện tại của mình ở ĐT.LA. Trả lời TT&VH hôm qua, ông Hòa không cho biết câu trả lời cụ thể, nhưng cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ tham gia vào công tác điều hành của VPF.
Chức danh trưởng ban Trọng tài, như quyết định trước đó của các thành viên BCH VFF, sẽ do ông Dương Vũ Lâm nắm giữ. Phó TTK Nguyễn Hữu Bàng sẽ phụ trách giải hạng Nhất quốc gia. Ông Bàng đã có kinh nghiệm lâu năm với công tác điều hành giải và từng có thời gian giữ chức trưởng BTC V-League.
Với ưu thế áp đảo của các thành viên VFF trong cơ cấu nhân sự của VPF, một số ý kiến đã tỏ ra lo ngại trước khả năng Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN rơi vào cảnh “bình mới rượu cũ”, chịu sự chi phối từ phía VFF.
Trao đổi với TT&VH về vấn đề này, Chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Cơ cấu nhân sự như thế nào cần phải chờ Đại hội cổ đông của Công ty. Để hoạt động của VPF hiệu quả thì người điều hành cần phải có tư duy quản lý, kiến thức về bóng đá. Quá trình làm việc còn có sự giám sát, quản lý của HĐQT và các cổ đông. Bản chất hoạt động của Công ty hoàn toàn khác so với BTC giải của VFF trước kia. Trường hợp người điều hành không tốt, HĐQT có thể tìm người khác thay thế. Theo tôi không có gì phải lo chuyện “bình mới rượu cũ”. Đây sẽ là cuộc chơi công bằng”.
TGĐ Công ty CP bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cũng có chung quan điểm trên. Theo ông Thanh, VPF ra đời là một bước cụ thể, giúp các CLB tham gia nhiều hơn vào hoạt động quản lý các giải đấu. Nhưng về mặt chuyên môn, V-League và giải hạng Nhất vẫn rất cần sự quản lý của VFF.
Được biết, VPF sẽ có vốn góp 30 tỷ đồng. Theo tỷ lệ cổ phần, VFF sẽ phải đóng hơn 10 tỷ đồng. Các CLB hạng Nhất đóng 300 triệu đồng. 14 CLB V.League, mỗi CLB đóng hơn 1,1 tỷ đồng.
Dự kiến hôm nay, các văn bản xin cấp phép cho VPF hoạt động sẽ được trình lên Sở KH-ĐT Hà Nội.
(Theo TT&VH)